Bảo tồn di sản nghệ thuật làm gốm Chăm Bàu Trúc
Cập nhật: 26/11/2012
Ninh Thuận có truyền thống văn hóa phong phú của đồng bào Chăm, trong đó nghệ thuật làm gốm truyền thống là một trong những yếu tố đặc sắc thu hút du khách cũng như các nhà khoa học tham quan tìm hiểu.

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học di sản nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có kế hoạch lập hồ sơ đệ trình UNESCO xét duyệt, công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Tiến sĩ Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận cho biết, cách làm gốm truyền thống của người Chăm ở làng Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) độc đáo bởi phương pháp làm gốm thủ công chứa đựng tính nghệ thuật cao. Các nghệ nhân không dùng bàn xoay mà sử dụng đôi bàn tay khéo léo của mình để nhào nặn ra những sản phẩm gốm theo tư duy tạo hình.

Các hoa văn trên sản phẩm gốm thể hiện nền văn hóa tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Chăm, được các nghệ nhân tạo nên từ việc sử dụng các loại que, cây, răng lược, quả dại, hoa dại, vỏ sò, vỏ ốc… có hình đều nhau. Do không có bàn xoay nên độ tròn đều và tính mỹ thuật hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng, tâm hồn của nghệ nhân khi nặn gốm. Để làm tăng độ láng, người Chăm không sử dụng men mà dùng vải nhúng nước để chà láng, dùng nhựa cây rừng để tăng thêm sắc màu của gốm.

Gốm được nung lộ thiên bằng rơm, bằng củi trên một bãi đất trống nên sau khi quá trình nung kết thúc sẽ cho ra những sản phẩm gốm độc đáo, mang vẻ đẹp riêng.

Được làm hoàn toàn thủ công, nên gốm Bàu Trúc được ngợi ca như một sản phẩm “ấm bàn tay con người nhất". Đó chính là yếu tố quan trọng để nghề làm gốm của người Chăm nổi tiếng, vang xa.

Độc đáo là thế nhưng sản phẩm gốm của người Chăm Bàu Trúc từ bao đời nay chủ yếu là gốm gia dụng. Theo thời gian, khi những sản phẩm công nghiệp hiện đại ngày càng phát triển và được ưa chuộng thì các sản phẩm truyền thống của đồng bào Chăm ngày càng mất đi vị thế vốn có của nó.

Với khát vọng bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, những nghệ nhân lớn tuổi của làng đã lao tâm khổ tứ, nghiên cứu sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới. Không còn bó hẹp trong các sản phẩm gốm gia dụng nữa, làng gốm Bàu Trúc đã tiến tới sản xuất các sản phẩm gốm mỹ nghệ đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng nhưng vẫn giữ được cái hồn của văn hóa Chăm.

Tiến sĩ Phan Quốc Anh nhấn mạnh, bảo tồn nghệ thuật làm gốm của người Chăm Bàu Trúc là một việc làm thực sự cần thiết. Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nâng cao tay nghề, xúc tiến quảng bá sản phẩm…, tạo điều kiện để thúc đẩy gốm Bàu Trúc phát triển. Cùng với những nỗ lực của chính quyền địa phương, nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể sẽ giúp gốm Bàu Trúc có nhiều nguồn lực để phát triển mạnh hơn. Đây cũng là giải pháp để bảo tồn một làng nghề thủ công truyền thống độc đáo.

Vietnam+