Hội nghị liên kết văn hóa, thể thao và du lịch để quảng bá cho du lịch Việt Nam
Cập nhật: 23/11/2012
(TITC) - Ngày 22/11/2012, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội), Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị Bàn về liên kết giữa văn hóa, thể thao và du lịch nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người và sản phẩm du lịch Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng TCDL Hoàng Thị Điệp phát biểu khai mạc hội nghị

Tham dự và chủ trì hội nghị có Phó Tổng cục trưởng TCDL Hoàng Thị Điệp; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Tổng cục Thể dục thể thao, Sở VHTTDL 12 tỉnh thành phố, bảo tàng, nhà hát, doanh nghiệp lữ hành quốc tế và các cơ quan thông tấn báo chí.

Hội nghị đã được nghe bản Báo cáo đề dẫn của bà Phạm Lê Thảo – Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành TCDL, nhiều bài tham luận và ý kiến đại diện cho các nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, bảo tàng, nhà hát và doanh nghiệp lữ hành. Các tham luận đã tập trung nói lên thực trạng, các nguyên nhân và giải pháp nhằm tăng cường mối liên kết chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa giữa 3 lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Trong thời gian vừa qua, sự gắn kết giữa du lịch với văn hóa, thể thao đã có những hoạt động phối hợp tốt ở một số nơi, một số điểm du lịch hay một số chương trình, sự kiện lớn, nhưng nhìn chung là chưa được như mong đợi.

Trong lĩnh vực văn hóa, các ý kiến tập trung vào sự liên kết giữa du lịch với các bảo tàng, nhà hát, thư viện, khối nghệ thuật biểu diễn để tạo ra các sản phẩm đặc sắc nhằm tăng nguồn thu và kéo dài thời gian du khách ở lại Việt Nam. Nhưng hiện nay mới chỉ có một vài địa điểm trở thành điểm đến quen thuộc của khách du lịch như bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà hát múa rối Thăng Long ở Hà Nội; Bảo tàng điêu khắc Chăm Pa (Đà Nẵng); Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM). Thực trạng trên là hệ quả của rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân xuất phát từ chính các bảo tàng, nhà hát (đơn vị biểu diễn nghệ thuật), thư viện… chưa tìm hiểu kỹ nhu cầu của du khách để đổi mới sản phẩm, chưa chủ động xây dựng chiến lược gắn kết với hoạt động du lịch, chưa có nhiều hình thức quảng cáo… để có thêm nguồn thu mà chủ yếu còn trông chờ vào nguồn ngân sách của nhà nước. Nguyên nhân xuất phát từ phía các doanh nghiệp lữ hành là chưa quan tâm giới thiệu, tư vấn đầy đủ cho khách du lịch hiểu về giá trị của các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật… và chưa đưa vào chương trình tour phục vụ du khách. Còn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước là chưa có cơ chế chính sách phù hợp nhằm trao quyền chủ động mạnh hơn nữa cho các đơn vị chuyển hướng phục vụ du lịch, có thêm nguồn thu để tự trang trải chi phí và tăng chế độ đãi ngộ đối với các nhân tài.

Toàn cảnh hội nghị

Trong lĩnh vực thể thao, việc đăng cai tổ chức Đại hội thể thao lớn như Sea Games, Para Games, Asian Indoor Games là cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần làm tăng trưởng cho ngành Du lịch. Đặc biệt hơn nữa, nước ta vừa vinh dự được trao quyền đăng cai tổ chức Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 18 vào năm 2019. Sự kiện này sẽ thu hút khoảng 12.000 vận động viên, huấn luyện viên, 1.000 quan khách quốc tế, 1.000 trọng tài quốc tế, 8.000 hướng dẫn viên và khoảng 2.000-3.000 phóng viên quốc tế và các nước tham dự đại hội. Vì vậy để phục vụ một cách chu đáo và hiệu quả thì các công ty lữ hành quốc tế của Việt Nam đang rất cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa với ngành thể thao để xây dựng tour phục vụ khách quốc tế trước hàng năm trời.

Trong bản tham luận và ý kiến phát biểu của bà Đặng Bích Thọ, Công ty du lịch Phượng Hoàng (Phoenix) cho biết, Hà Nội phải là địa phương đi đầu trong cả nước về liên kết, tạo ra bước đột phá để các địa phương khác làm theo. Ví dụ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn: lãnh đạo các nhà hát phải ngồi lại với nhau để xây dựng bằng được một chương trình ca múa nhạc tổng hợp và đặc sắc trong vòng 1 giờ và một ngày tổ chức 4-5 buổi. Du khách đến đó sẽ được xem các loại hình nghệ thuật như chèo, ca trù, ca múa nhạc dân tộc… Địa điểm tổ chức có thể là rạp Hồng Hà, gần trung tâm thành phố, tiện đỗ xe. Như vậy, các công ty lữ hành sẽ mua vé cho khách xem. Để minh chứng thêm cho sáng kiến này, bà Thọ lấy ví dụ những ai đã đi thăm Trung Quốc theo tour du lịch, khi xem ca múa nhạc ở Tống Thành, Thượng Hải với giá vé 60 đô la Mỹ, mới nghe sẽ thấy là đắt nhưng khi xem xong ai cũng cảm thấy giá vé vẫn còn rẻ vì họ biết cách làm hợp với nhu cầu và sự mong mỏi của du khách.. và du khách cảm thấy xứng đáng với những gì mình bỏ ra. Trong khi đó ở Việt Nam giá vé xem rối nước chỉ có 100.000đ tương đương với 5 đô la Mỹ song khách vẫn không thấy là rẻ. Vì vậy đòi hỏi chúng ta phải ngồi lại với nhau để bàn bạc và tìm cho ra những sản phẩm tốt đáp ứng nhu cầu của du khách.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hoàng Thị Điệp nhấn mạnh: Tổng cục Du lịch sẽ giao cho Vụ Lữ hành tổng hợp các ý kiến, để lãnh đạo TCDL đề xuất với Bộ VHTTDL đưa ra những chính sách và giải pháp tăng cường liên kết văn hóa, thể thao với du lịch ngày càng chặt chẽ hơn; đồng thời khẳng định Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch vẫn là đầu mối chắp nối các cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp, đơn vị làm văn hóa, thể thao và du lịch liên kết hiệu quả, tạo điều kiện cho du lịch phát triển trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Thế Phi