Vực dậy văn hóa dân gian
Cập nhật: 23/11/2012
Ngày 22/11, Hội Văn học nghệ thuật, Chi hội Văn nghệ dân gian Quảng Nam tổ chức hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể xứ Quảng”. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11).
                             Biểu diễn nghệ thuật cổ truyền ở Hội An

Kho tàng văn hóa  

Sự xâm nhập của nhiều dòng văn hóa ngoại nhập, những loại hình văn hóa giải trí hiện đại đã ít nhiều khiến văn hóa dân gian mất dần môi trường “sống”. Từ văn học dân gian đến những loại hình ca kịch truyền thống, tất cả đều rơi vào tình trạng có nguy cơ mai một cao. Ông Trần Tấn Vịnh - Giám đốc Bảo tàng tỉnh, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Quảng Nam, nói: “Quảng Nam còn gìn giữ, bảo lưu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể hết sức to lớn, tiềm ẩn trong đời sống dân gian, tạo nên dấu ấn riêng của vùng văn hóa xứ Quảng. Di sản văn hóa phi vật thể thực sự là những “hòn ngọc quý” của cha ông trao lại cho con cháu. Từ đồng bằng đến miền núi Quảng Nam hiện còn bảo lưu nhiều vốn di sản văn hóa phi vật thể như các làn điệu dân ca, lễ hội và làng nghề truyền thống, nghệ thuật diễn xướng. Tuy nhiên, thời gian qua, việc nghiên cứu, sưu tầm, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chưa được coi trọng đúng mức”.  

Ngoài việc xuất bản một số tập sách chuyên đề về văn hóa dân gian, thời gian qua, Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh và các huyện, thành phố cũng đã tổ chức một số chương trình, cuộc thi nhằm đẩy mạnh phong trào hát dân ca. Nhiều địa phương có những đội văn nghệ hát dân ca nổi tiếng như Hội An, Núi Thành, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc. Mới đây nhất, vào năm 2011, Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh tổ chức Liên hoan Kịch dân ca, tạo “cú hích” vực dậy phong trào hát dân ca vốn lâu nay im ắng. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông, dù có khá nhiều động thái như vậy nhưng tại cơ sở, việc hát dân ca còn gặp vô vàn khó khăn, lớp nghệ nhân lớn tuổi rơi rụng dần, lớp trẻ bị thu hút bởi nhạc thị trường…, đặc biệt dân ca, kịch bài chòi mất một thế hệ công chúng.    

Không để lỡ cơ hội  

Nhà văn Tiêu Đình - Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho rằng, cần phải đặt việc nghiên cứu văn học dân gian trong mối quan hệ với văn học viết Quảng Nam. Trong đó, làm tốt khâu sưu tầm các tư liệu dân gian Quảng Nam, hệ thống, nghiên cứu mang tính xâu chuỗi chuyên sâu, gắn với nghiên cứu văn hóa dân gian vùng miền. Ở mảng kịch dân ca, nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông cho rằng, để thoát khỏi nguy cơ mai một, cần tiếp tục đưa dân ca vào trường học và trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, tạo sự kế thừa giữa các nghệ nhân lớn tuổi với lớp trẻ. Ngành văn hóa nên tổ chức ngày càng nhiều lớp tập huấn “đàn và hát dân ca”, đặc biệt nên mở trại sáng tác bài hát dân ca, tiểu phẩm, kịch ngắn dân ca... để khuyến khích đội ngũ sáng tác.  

Ngoài loại hình diễn xướng dân gian, các làng nghề truyền thống lâu nay vẫn giữ được chỗ đứng. Các hội thi “sáng tạo mẫu sản phẩm lưu niệm” tại Hội An, hay những dự án do các tổ chức nước ngoài tài trợ phần nào đã vực dậy được linh hồn làng nghề. Các nghệ nhân già và lớp thợ trẻ kế cận cũng đã biết cách để học hỏi và bồi đắp thêm tinh hoa của làng nghề mình. Trong công cuộc nâng tầm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống cần có những hướng đi riêng, phù hợp với thời cuộc. Việc đào tạo lớp thợ kế cận những nghệ nhân già là công việc cấp thiết, bên cạnh việc tìm đầu ra cho sản phẩm.  

Thực tế, lâu nay các loại hình văn nghệ dân gian vẫn còn “đất sống”, dù mức độ đã giảm đi rất nhiều. Những câu lạc bộ tồn tại ở mỗi địa phương là minh chứng thiết thực nhất về tầm quan trọng của văn hóa dân gian với đời sống. Với vốn văn hóa dân gian khá đa đạng, Quảng Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để có thể làm giàu thêm nguồn “tài nguyên” văn hóa độc đáo của quê hương. Tuy nhiên, làm thế nào để “ngọn lửa” văn hóa dân gian bền vững trong tâm thức của mỗi thế hệ là điều đáng suy ngẫm của những người làm công tác văn hóa.  

Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể  

Năm 2012, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt kinh phí khoảng 250 triệu đồng cho dự án “Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể” và giao cho Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An thực hiện. Đã có 9 đề tài được triển khai thực hiện như: Di sản văn hóa văn nghệ dân gian Quảng Nam, Múa thiên cẩu ở Hội An, Ghe bầu trong đời sống văn hóa ở Hội An... Nhiều phim, ảnh liên quan đến hình thái văn hóa phi vật thể được phát hành, một số nghề thủ công được phục hồi, sinh hoạt văn hóa truyền thống được tái hiện như: phục hồi Đêm phố cổ, lễ hội Cầu Bông, lễ Giỗ tổ nghề may... Việc kiểm kê nhằm xác định và đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa, xác định các biện pháp để bảo vệ di sản, kế thừa văn hóa sống, bảo vệ nghệ nhân dân gian - chủ thể văn hóa. Đến nay, trên toàn tỉnh đã tiến hành kiểm kê 150 phiếu, lập trên 40 hồ sơ khoa học thuộc 4 loại hình di sản văn hóa phi vật thể, gồm: lễ hội truyền thống, diễn xướng dân gian, làng nghề thủ công và nghệ thuật trang trí.

Báo Quảng Nam