Điện Biên thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch
Cập nhật: 01/11/2012
Từ đầu năm đến nay, Điện Biên đã đón trên 280.000 lượt khách tham quan, du lịch, trong đó trên 53.000 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu dịch vụ du lịch ước thực hiện 230 tỷ đồng, đạt trên 76% kế hoạch năm, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là tín hiệu vui trong bối cảnh du lịch nhiều tiềm năng song cũng không ít vấn đề về sản phẩm và chất lượng sản phẩm du lịch khi đưa ra thị trường.

Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, những năm qua, tỉnh đã quan tâm đến hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, trong đó đặc biệt chú trọng việc tạo điểm nhấn trong hoạt động xúc tiến du lịch. Điển hình như năm 2004 nhân sự kiện kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh đã tổ chức năm Du lịch Điện Biên; kỷ niệm 55 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh có tổ chức Tuần Văn hóa Du lịch Điện Biên, kèm theo nhiều hoạt động văn hóa, thể thao khác như: giải đua xe đạp về Điện Biên, hội thảo về chiến thắng Điện Biên Phủ. Mới đây, tỉnh cũng đã phê duyệt đề án tuyên truyền quảng bá du lịch đến năm 2015, định hướng đến 2020. Những nỗ lực này đã góp phần thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế tăng mạnh qua các năm: Năm 2005 đạt hơn 5 nghìn lượt khách, đến năm 2010 tăng lên 52 nghìn lượt khách; năm 2011 đón khoảng 64 nghìn lượt khách. Du lịch Điện Biên tính từ 2004 đến nay đạt tốc độ phát triển khá cao, lượng khách du lịch hàng năm tăng 12%; thu nhập xã hội từ du lịch tăng 13%. Khách đến Điện Biên tăng đã góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, nhất là những người trực tiếp làm du lịch.

Song nhìn vào số thống kê cộng với yếu tố lợi thế để thu hút khách du lịch thì thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch chưa xứng với tiềm năng. Ví dụ như năm 2011, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch là 215 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2012 đạt 154 tỷ đồng và đến nay ước đạt 230 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng con số thống kê chưa phản ánh hết thu nhập xã hội. Bởi thu nhập xã hội từ du lịch được hiểu là các khoản khách chi trả cho du lịch tại địa phương, những người cung cấp dịch vụ. Hiện nay những vấn đề thống kê về du lịch còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, 154 tỷ đồng cũng là một con số đáng mừng đối với tỉnh nghèo như Điện Biên.

Điều đáng quan tâm nữa là: số ngày lưu trú của khách du lịch ở Điện Biên chưa nhiều, thậm chí ít hơn so với một số tỉnh lân cận. Có nhiều lý do để lý giải cho vấn đề này như: hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch chưa đồng bộ, khả năng tiếp cận thị trường của một số đơn vị lữ hành còn kém, công tác quảng bá xúc tiến du lịch tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra… Trong các lý do đó, quan trọng nhất là lý do về “chất lượng sản phẩm du lịch của Điện Biên chưa cao”. Thực tế nguồn tài nguyên du lịch Điện Biên khá đa dạng, phong phú gồm: du lịch lịch sử, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên đó cần phải biến thành sản phẩm du lịch cụ thể mới phát huy được hiệu quả. Đối với du lịch lịch sử, từ năm 2002 đến nay, thành phố Điện Biên Phủ đã hiện thực hóa chủ trương đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử do Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, ở một số lĩnh vực khác như du lịch văn hóa, tỉnh Điện Biên đã xây dựng được 8 bản văn hóa du lịch. Riêng đối với du lịch sinh thái, tỉnh đã mở được một số tuyến tham quan, khám phá hang động, hồ, suối khoáng nóng tuy nhiên hiệu quả chưa đáng kể, lượng khách còn ít.

Để sản phẩm du lịch đạt chất lượng cao hơn và thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch tương xứng với tiềm năng đòi hỏi phải “cải tạo” nhiều khâu khác bên cạnh việc tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch. Cùng với đó, cần làm thay đổi nhận thức của người làm du lịch về việc làm sản phẩm du lịch, bảo tồn, phát huy giá trị các sản phẩm du lịch truyền thống... Và một trong những điều quan trọng nữa là cần có quan tâm của Nhà nước trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp về kinh phí lẫn định hướng phát triển.

Báo Điện Biên