Bế mạc Festival Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên 2007
Cập nhật: 25/11/2007
Sau 4 ngày tưng bừng với các lễ hội về nhịp sống Tây Nguyên, các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đã trình diễn hàng trăm tiết mục diễn tấu cồng chiêng, ca múa nhạc, phục dựng lễ hội, cuốn hút hàng vạn du khách thưởng thức.

Tiêu biểu như các chương trình “Đêm rừng già”, “Âm vang Tây Nguyên”, “Đêm huyền diệu”, tại Bảo tàng Đắk Lắk. Lễ hội đường phố, tại Trường đại học Tây Nguyên, buôn Kô Thông và Trung tâm du lịch văn hóa-sinh thái Bản Đôn. Các lễ cúng voi của người M’nông, lễ ăn cơm mới của người Xê Đăng, lễ mừng năm mới của dân tộc Chăm H’roi, lễ tạ ơn Tách năng Yô dân tộc M’nông đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả; đặc biệt các Đoàn Ca Tu (Quảng Nam) Jrai, Bah Nar (Gia Lai) M’Nông (Đắk Nông), Chăm H’roi (Bình Định) Xê Đăng, Ba Na (Kon Tum) đã thể hiện đặc trưng văn hóa rất độc đáo, đặc sắc làm say đắm lòng  người ở tất cả nơi các đoàn  lưu diễn. Trong khuôn khổ Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên – 2007 đã diễn ra: triển lãm Không gian văn hóa Cồng chiêng VN, lịch sử  Đắk Lắk qua 2 cuộc kháng chiến với hơn 800 hiện vật, tư liệu, phục vụ gần 11.000 lượt người xem (có 300 khách nước ngoài); Hội thảo Khoa học “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy” với sự tham gia của 200 đại biểu trong đó có nhiều nhà khoa học tâm huyết với Cồng chiêng Tây Nguyên; Hội thảo “Văn hóa Doanh nghiệp - Nền tảng cho sự phát triển” hơn 100 doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên tham gia; Hội chợ triển lãm Tây Nguyên – 2007 có trên 165 doanh nghiệp và 300 gian hàng, Ban Tổ chức đã trao 10 “Cúp vàng hội nhập” cho các doanh nghiệp tiêu biểu, 18 huy chương vàng cho các sản phẩm đạt chất lượng cao tại Hội chợ. Mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng với sự say mê hết mình của các nghệ nhân, sự cổ vũ nhiệt tình của bà con nhân dân, Festival đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với du khách cũng như bạn bè quốc tế. Festival thực sự là ngày hội lớn, mang ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội sâu sắc, tăng cường giao lưu về văn hoá và đoàn kết các dân tộc không chỉ ở Tây Nguyên mà còn cả các dân tộc trong khu vực. Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã khép lại với đêm bế mạc có chủ đề “Bay lên cánh chim mặt trời”, một lần nữa các nghệ nhân thể hiện tài năng diễn tấu cồng chiêng, thể hiện sự giao hòa giữa cồng chiêng và nhạc giao hưởng.   Với mục đích tôn vinh và quảng bá rộng rãi những giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sau khi được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, kể từ Festival này, tỉnh Đắk Lắk quyết định tổ chức định kỳ 2 năm một lần Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
www.daklak.gov.vn