Du lịch Quảng Bình trước xu thế phát triển
Cập nhật: 02/10/2012
Tiềm năng nổi bật của du lịch Quảng Bình là Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng. Đây là một thương hiệu mạnh để giới thiệu Quảng Bình với thế giới. Vẻ đẹp kỳ bí quyến rũ không nơi nào có được của "vương quốc hang động" như một sự kỳ diệu mà tạo hóa dành riêng cho Quảng Bình.

Kể từ khi phát hiện hang Phong Nha đến nay, những bí mật của hệ thống hang động ở Phong Nha-Kẻ Bàng vẫn chưa được khám phá hết. Sự hé lộ dần bức màn bí ẩn của hệ thống hang động đã làm cho du khách và các nhà khoa học thêm yêu mến sự kỳ bí quyến rũ của Phong Nha- Kẻ Bàng. Phong Nha- Kẻ Bàng được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với các tiêu chí nổi trội về địa chất, địa mạo. Vùng núi đá vôi Phong Nha- Kẻ Bàng với hệ thống địa mạo được hình thành trên 400 triệu năm, chứa đựng trong lòng hơn 300 hang động lớn nhỏ có vẻ đẹp hàng đầu thế giới. Đây là tiền đề cho Quảng Bình phát triển các loại hình du lịch khám phá hang động, du lịch sinh thái, du lịch leo núi...

Quảng Bình là vùng đất văn hóa cổ gắn liền với văn hóa Bàu Tró có niên đại hàng nghìn năm. Đến nay Quảng Bình còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử như Quảng Bình quan, Lũy Thầy, nhiều thành lũy thời nhà Trịnh-Nguyễn. Quảng Bình còn là vùng đất "địa linh nhân kiệt", nơi sinh ra nhiều danh nhân nổi tiếng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn hóa Dương Văn An, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nhà thơ Nguyễn Hàm Ninh, nhà thơ Lưu Trọng Lư... và nhiều người con ưu tú khác.

Mới gần đây thôi, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, Quảng Bình được cả nước biết đến với quê hương "Hai giỏi", quê hương đất lửa và còn lưu giữ biết bao sự tích anh hùng: phà Long Đại, phà Xuân Sơn, đồi Cha Quang, bến đò mẹ Suốt, hệ thống đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình và đó chính là tiền đề để Quảng Bình phát triển loại hình du lịch di tích lịch sử cách mạng.

Đặc biệt Quảng Bình có nhiều điểm du lịch văn hóa tâm linh như hang Tám Cô, chùa Non, núi Thần Đinh, đền thờ công chúa Liễu Hạnh, đền thờ và lăng mộ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Thật sự là một thiếu sót nếu nhắc đến tiềm năng du lịch Quảng Bình mà không nói tới biển. Giữa Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng và biển Quảng Bình có sự bổ sung tuyệt vời, tạo tổng thể du lịch liên hoàn giữa rừng và biển.

                               Bãi biển Lý Hòa

Biển Quảng Bình hào phóng với những món ẩm thực ngon hiếm nơi nào có được. Hải sản từ biển Quảng Bình ngon bởi các yếu tố: Dải Trường Sơn gần biển thông qua hệ thống sông suối ngắn, dốc mang nhiều phù sa ra biển, các rạn san hô dưới biển đa dạng, biển Quảng Bình cũng là nơi giao thoa của nhiều làn nước, là nguyên nhân góp phần đưa lại chất lượng cao của hải sản. Khi đã đến tham quan Quảng Bình, du khách chẳng bao giờ quên được những vùng biển nên thơ với làn nước xanh trong như Nhật Lệ, Quang Phú, Bảo Ninh, Đá Nhảy, Hải Ninh, Cảnh Dương...

Du lịch Quảng Bình trên bước đường phát triển

Dẫu có nhiều tiềm năng nhưng bước đường phát triển của du lịch Quảng Bình vẫn còn gập ghềnh, khó khăn. Cũng có lúc du lịch Quảng Bình phải đối đầu với biết bao thử thách, gian nan. Nhiều tiềm năng du lịch còn đang bị bỏ ngỏ. Khó khăn nhất là thời kỳ Quảng Bình vừa mới trở về địa giới cũ (1989), lúc ấy cơ sở hạ tầng dành cho du lịch hầu như chưa có gì.

Người dân Quảng Bình còn nhớ trên các trang báo viết về du lịch Quảng Bình có nhà báo đã ví du lịch Quảng Bình như "Cô gái đẹp ngủ quên trong rừng". Sự thiếu thốn trong lĩnh vực du lịch thể hiện ở sự nghèo nàn đơn điệu của sản phẩm du lịch, thiếu hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, thiếu nguồn lực cho hoạt động du lịch, thiếu cả thông tin, quảng bá cho lĩnh vực này; hoạt động du lịch manh mún thiếu tính chuyên nghiệp, thời gian lưu trú của du khách còn quá ngắn…

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, tiềm năng du lịch Quảng Bình đã từng bước được đánh thức. Thấy rõ vai trò vị trí của du lịch, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có những định hướng phát triển du lịch phù hợp với thực tiễn. Và mỗi một người dân Quảng Bình luôn thể hiện vai trò của mình trên mặt trận mới mẻ này. Trong công cuộc đổi mới, tỉnh luôn ưu tiên cho việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và đã có hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ để phát triển du lịch. Đó là hệ thống đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển, sân bay đáp ứng bước đầu nhu cầu giao thông của du khách. Hệ thống thông tin viễn thông, bưu điện, điện, nước sạch được nâng cấp.

Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch được xây mới với chất lượng ngày càng cao. Các khu, tuyến, điểm du lịch được quy hoạch, nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục, các di tích lịch sử cách mạng được tôn tạo góp phần đưa đến nhiều sản phẩm du lịch mang phong cách quê hương Quảng Bình. Từ lễ hội bơi trải Lệ Thủy, lễ hội rằm tháng ba Minh Hóa, lễ hội đập trống Ma Coong (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch) đến lễ hội vật truyền thống huyện Quảng Trạch, lễ hội Cầu ngư của bà con vùng biển Đồng Hới được khơi dậy tạo cho du lịch Quảng Bình mang sắc thái riêng độc đáo. Bên cạnh đó đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên du lịch ngày càng trưởng thành.

Trên lĩnh vực quảng bá tuyên truyền, các cơ quan truyền thông đại chúng của tỉnh như Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh- Truyền hình Quảng Bình đã cùng đội ngũ báo chí hùng hậu ở các cơ quan báo chí trong cả nước góp phần đưa thương hiệu du lịch Quảng Bình ra với du khách quốc tế. Một trong những sự kiện du lịch mang dấu ấn truyền thông là sự kiện: Du lịch hang động kỳ vĩ năm 2011 được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài truyền hình Việt Nam.

Từ năm 2006 đến 2010, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình đạt 3.183.215 lượt, tăng bình quân 12,9%/năm, tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2001-2005. Riêng năm 2011, lần đầu tiên khách du lịch đến với Quảng Bình đạt con số gần 1 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 18.000 lượt, khách đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết Thắng là 36.630 lượt, mở ra triển vọng mới cho loại hình du lịch văn hóa-lịch sử cách mạng. Tổng doanh thu của du lịch Quảng Bình năm 2011 đạt 424 tỷ đồng, tăng 5,35% so với năm 2010, nộp ngân sách nhà nước đạt 40,5 tỷ đồng, tăng 29,94% so với năm 2010. Trong 9 tháng đầu năm 2012, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 938.240 lượt, tăng 29.3% so với cùng kỳ năm 2011 và đạt 93,8% kế hoạch năm; trong đó khách quốc tế ước đạt 15.200 lượt, khách nội địa ước đạt 923.000 lượt.

Du lịch Quảng Bình trước xu thế hội nhập 

Một điều dễ nhận ra là trong thành tựu của du lịch Quảng Bình có vai trò to lớn từ sự gắn bó hỗ trợ của du lịch vùng miền và cả nước.

Hưởng ứng “Năm du lịch quốc gia khu vực Bắc Trung bộ-Huế 2012", UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch "Tháng Du lịch Quảng Bình 2012". Đây là chuỗi hoạt động được tổ chức xuyên suốt năm 2012, cao điểm từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2012. Trong đó các hoạt động chính là triển khai du lịch khám phá hang động, tuyến du lịch khám phá rào Thương-hang Én; tuyến du lịch khám phá động Phong Nha sâu 1.500 mét, tuyến du lịch khám phá hang Én và thung lũng Sinh Tồn. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động du lịch lễ hội đặc sắc như lễ múa bông-chèo cạn, lễ cầu ngư ở thành phố Đồng Hới, giải đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ, đêm liên hoan hội diễn văn nghệ quần chúng toàn tỉnh, hội chợ thương mại du lịch quốc tế 3 nước Việt Nam-Lào-Thái Lan tại thành phố Đồng Hới, tổ chức tuần lễ ẩm thực, giới thiệu các món ăn ngon Quảng Bình.

Để phát triển hơn nữa các hoạt động du lịch, tỉnh đã có nhiều giải pháp mang tính chiến lược và thực tiễn cao. Sự đồng thuận giữa Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân như một thông điệp dự báo về bước phát triển trong tương lai gần của ngành công nghiệp không khói Quảng Bình.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, nhiệm kỳ 2010-2015 đã thể hiện quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Bình đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Hoạt động du lịch đang từng bước được xã hội hóa. Một trong những giải pháp được các nhà quản lý du lịch Quảng Bình chú trọng trong định hướng phát triển là tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương nằm trên "Con đường Di sản miền Trung" và "Hành lang kinh tế Đông-Tây". Giải pháp được kỳ vọng là bên cạnh thu hút kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho du lịch sẽ quan tâm tăng cường quảng bá tuyên truyền du lịch, tham gia hội chợ trong nước và quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch.

Định hướng phát triển du lịch Quảng Bình trong những năm tới là đa dạng hóa các loại hình du lịch trong đó ưu tiên phát triển du lịch hang động, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh, du lịch mua sắm, du lịch văn hóa lễ hội...

Hy vọng trong tương lai không xa, cùng với sự phát triển chung của du lịch miền Trung và Tây Nguyên, du lịch Quảng Bình sẽ trở thành thương hiệu mang đẳng cấp cao, phát triển tương xứng với tiềm năng của mình và trở thành điểm đến ưa thích của du khách trong nước và quốc tế.

Báo Quảng Bình