Vũng Tàu đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái
Cập nhật: 20/09/2012
Ngoài du lịch biển, mice, văn hóa tâm linh, mua sắm, giải trí đã định hình từ nhiều năm qua, TP. Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) còn có tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng nhờ địa hình đa dạng, kết hợp hài hòa giữa biển, rừng, núi, sông hồ, đất ngập nước, đồng bằng và giá trị nhân văn sâu sắc.

Theo số liệu thống kê năm 2010, tổng diện tích tự nhiên của TP. Vũng Tàu là khoảng 15 ngàn hécta, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 47%. Cảnh quan của TP. Vũng Tàu khá đa dạng nhờ địa hình đồng bằng kết hợp biển, núi, rừng, sông, hồ. Đường bờ biển dài 48,1km, độ dốc thoai thoải, bãi biển sạch, có thể tắm biển và khai thác nhiều loại hình du lịch biển. Độ che phủ rừng của TP. Vũng Tàu là 7,4%, trong đó đa số là các khu rừng tập trung trên núi Lớn, núi Nhỏ, núi Nứa (xã Long Sơn) với các loại cây như: cóc rừng, bằng lăng, tràm bông vàng, anh đào, giá tỵ và các loại cây họ dầu. Trên địa bàn thành phố còn có nhiều sông lớn như: sông Dinh, sông Chà Và, sông Bà Cội, sông Mũi Giùi có nhiều bãi bồi và rừng ngập mặn ven sông giúp điều hòa khí hậu. TP. Vũng Tàu còn nổi tiếng với đặc sản nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu và vùng nuôi trồng thủy, hải sản tập trung lớn trong nước.

Về tiềm năng nhân văn, Vũng Tàu từng có tên là Tam Thắng để ghi lại sự kiện thành lập 3 làng đầu tiên là Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam. Ngày nay, ba địa danh ấy cùng với hệ thống các di tích danh thắng gắn liền với quá trình hình thành phát triển của Vũng Tàu như: Trận địa pháo cổ, Bạch Dinh, nhà lớn Long Sơn, Niết Bàn tịnh xá, Thích Ca Phật đài, Linh Sơn cổ tự, đồn nhà máy nước… tạo thành những điểm nhấn của sản phẩm du lịch TP. Vũng Tàu. Trên địa bàn thành phố cũng có các làng nghề lâu đời gắn với cư dân địa phương như thủ công mỹ nghệ, chế biến thủy hải sản. Khai thác tiềm năng của hệ thống tài nguyên thiên nhiên gắn với lịch sử hình thành địa danh, di tích, lễ hội, ẩm thực, làng nghề... để tạo thêm loại hình du lịch và cho du khách thêm sự lựa chọn điểm đến khi tham quan TP. Vũng Tàu là điều cần thiết.

Thực tế những năm qua trên địa bàn thành phố đã xuất hiện một số điểm làm du lịch theo kiểu dựa vào tự nhiên, lấy tự nhiên làm nền tạo không gian thư giãn, thoải mái cho du khách. Một số điểm đã được du khách biết đến như: Hệ thống nhà hàng nổi trên sông Rạng và sông Chà Và (xã Long Sơn). Tuy nhiên, các mô hình trên chưa được gọi là du lịch sinh thái đúng nghĩa vì chỉ mới đáp ứng được việc làm, cải thiện đời sống cho cư dân bản địa, còn mục tiêu bảo vệ bền vững môi trường tự nhiên vẫn chưa được chú trọng.

Theo ông Lê Xuân Tươi, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu, ngoài mục tiêu cải thiện đời sống cho cư dân địa phương, phát triển du lịch sinh thái còn phải đóng góp vào quản lý bền vững môi trường tự nhiên. Chuyến khảo sát tuyến đường sông do Thành ủy Vũng Tàu thực hiện đầu tháng 8 vừa qua là bước đánh giá lại tổng thể giá trị cảnh quan thiên nhiên, tiềm năng du lịch đường thủy từ TP. Vũng Tàu đến xã đảo Long Sơn phục vụ cho công tác xây dựng quy hoạch đảo Gò Găng và Long Sơn. “TP. Vũng Tàu đang hướng tới mục tiêu thu hút khách quốc tế, khách có mức chi tiêu cao. Sau chuyến khảo sát, thành phố sẽ đánh giá thực trạng, phân tích tiềm năng và hướng đầu tư cụ thể nhằm đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái, trong đó có tuyến du lịch đường sông nhằm tạo thêm sản phẩm mới, lạ thu hút khách du lịch nhưng phải bảo đảm tiêu chí bảo tồn bền vững cảnh quan tự nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”- ông Lê Xuân Tươi cho biết.

Báo Bà Rịa-Vũng Tàu