Khám phá bản sắc Mường tại bản du lịch cộng đồng Giang Mỗ
Cập nhật: 10/09/2012
(TITC) - Nằm cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 10km về phía tây, bản Giang Mỗ (xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) được biết đến như một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, mang những giá trị văn hóa đặc thù của dân tộc Mường.

 

Điểm nổi bật tạo nên sức hút đặc biệt cho bản là hơn 100 ngôi nhà sàn của người Mường nằm sâu trong thung lũng giữa muôn trùng màu xanh của núi đồi, ruộng nương. Nhà sàn gắn liền với phong tục, tập quán, đời sống sinh hoạt hàng ngày của dân bản, được dựng dựa lưng vào thế đất cao như sườn đồi, sườn núi để đón nhận khí trời và thuận tiện cho việc săn bắn, hái lượm. Nhà gồm 3 tầng, trong đó tầng trên cùng (gác) để lương thực và đồ dùng gia đình; tầng giữa là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi; tầng dưới cùng (gầm nhà sàn) thường để các dụng cụ sản xuất và nhốt gia súc, gia cầm. Kiến trúc nhà sàn có thể lớn, nhỏ khác nhau nhưng cửa chính, cầu thang, máng nước sinh hoạt và cối đuống thì phải đặt đúng vị trí. Cửa chính được dựng ở phía trước của ngôi nhà. Cầu thang phải có số bậc lẻ và không được đặt thẳng với cửa chính mà phải dựng vào một cái sảnh gỗ và vuông góc với đòn nóc của nhà. Máng nước sinh hoạt được đặt ở bên trái sàn nhà và cối đuống đặt ở đầu hồi nhà.

 Cùng với nhà sàn truyền thống, người Mường ở Giang Mỗ còn lưu giữ nhiều dụng cụ lao động sản xuất cổ xưa mà hầu hết làm bằng các chất liệu thiên nhiên (gỗ, tre, nứa…) như hệ thống dẫn nước, cối giã gạo, cung nỏ săn bắn, dụng cụ làm nương rẫy, làm ruộng…hình thành nên tập quán riêng trong đời sống sinh hoạt cũng như trong lao động sản xuất hàng ngày.

 

Hiện nay, bản Giang Mỗ có 45 hộ gia đình tham gia làm du lịch cộng đồng. Các gia đình này đều quan tâm thực hiện vệ sinh môi trường, không nuôi gia súc, gia cầm ở gầm nhà, xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, nhà tắm phục vụ du khách. Năm 2010, nhà văn hóa bản đã được đưa vào hoạt động với diện tích hơn 500m2. Tại đây, đời sống văn hóa Mường xưa và nay được tái hiện sống động qua các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ đặc trưng của dân bản.

 

Đến với bản Giang Mỗ, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn đặc trưng của người Mường (xôi nếp nương, xôi nếp cẩm, thịt lợn luộc bày trên lá chuối, cá suối đồ cùng rượu cần…); tìm hiểu văn hóa Mường qua câu chuyện với chủ nhà, qua cách bài trí, sinh hoạt hàng ngày của dân bản; nghe các thiếu nữ Mường trong trang phục truyền thống giới thiệu về nghề dệt thủ công truyền thống, những sản phẩm thổ cẩm (túi xách, khăn, áo), các loại nhạc cụ…Nếu ở lại bản qua đêm, du khách sẽ có dịp thưởng thức những điệu múa đặc sắc trong tiếng trống, chiêng, sáo ôi, đàn bầu…cùng những làn điệu dân ca Mường cổ do các chàng trai, cô gái Mường biểu diễn.

 

Phát triển du lịch cộng đồng ở Giang Mỗ không những tạo thêm công ăn việc làm, tăng cường thu nhập cho dân bản mà còn góp phần bảo tồn, lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của người Mường, đồng thời giúp thế hệ trẻ nâng cao ý thức bảo tồn, gìn giữ văn hóa Mường trong đời sống hôm nay.

 

Thu Giang