Hướng đến lễ hội “Quảng Nam - Hành trình Di sản” lần thứ 5 năm 2013
Cập nhật: 06/09/2012
Ngành VHTTDL tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức buổi hội thảo, nhằm thu thập các ý kiến từ các chuyên gia, báo chí để chuẩn bị triển khai Lễ hội “Quảng Nam - Hành trình Di sản” lần thứ 5 năm 2013.

Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết: Dự kiến Lễ hội “Quảng Nam - Hành trình Di sản” lần thứ 5 sẽ khai mạc vào đêm 20/6/2013 tại Nhà hát ngoài trời Tp. Hội An và bế mạc vào đêm 23/6/2013 tại Quảng trường Sông Hoài, Hội An.

Cũng trong thời gian này, sẽ diễn ra Liên hoan Hợp xướng quốc tế lần thứ 2 dự kiến thu hút khoảng 1.500 nghệ sĩ của 40 đoàn đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ; Festival Di sản văn hoá phi vật thể thế giới các nước ASEAN, dự kiến thu hút 300-400 thành viên của 10 đoàn tham gia, bao gồm các hoạt động triển lãm, trình diễn nghệ thuật; chương trình Carnaval đường phố với sự tham gia của tất cả các đoàn trong trang phục truyền thống và biểu diễn trên đường phố trước giờ khai mạc; chương trình Liên hoan nghệ thuật các dân tộc Việt Nam, dự kiến thu hút khoảng 1.000 diễn viên của 25 đoàn nghệ thuật trong cả nước tham gia; Liên hoan hô hát Bài chòi với nhiều đoàn khu vực miền Trung (từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận); chương trình “Gặp gỡ Mỹ Sơn và bè bạn”, giới thiệu văn hoá Chăm và văn hoá các dân tộc thiểu số Quảng Nam với bạn bè các nước ASEAN; Hội thảo “Văn hoá phi vật thể Việt Nam hưởng ứng 10 năm Công ước bảo vệ Di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO”; hội thảo “Mối liên kết giữa di sản văn hoá và phát triển du lịch”; khai mạc sản phẩm du lịch mới: du lịch biển tại Biển Rạng – Chu Lai (Núi Thành), làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (Duy Xuyên), du lịch miền núi và dân tộc thiểu số tại làng B’hoong (Đông Giang) và làng dệt Zơra (Nam Giang), du lịch lịch sử tại địa đạo Kỳ Anh (Tam Kỳ); hội chợ làng nghề truyền thống Quảng Nam; liên hoan ẩm thực giới thiệu các món ăn đặc sản, truyền thống của miền Trung và Tây Nguyên…”.

Tham gia ý kiến về các hoạt động nói trên, nhà nghiên cứu Hồ Xuân Tịnh cho rằng, để tránh sự trùng lặp, nhàm chán, các buổi khai mạc và bế mạc nên có những yếu tố mới lạ hơn so với các lần trước. Đặc biệt, Liên hoan hợp xướng quốc tế, đối với số đông công chúng vẫn là một loại hình khó nghe, nên cần phải có một số hoạt động hỗ trợ tạo ra sự hấp dẫn. Ông Tịnh cũng đề nghị Lễ hội nên chọn tên “Từ nguồn ra biển” hoặc một tiêu đề nào đó để tạo nên ấn tượng ngay từ khi mới bắt đầu quảng bá…

Nhà báo Trương Điện Thắng nhận định, chương trình dự kiến triển khai cùng lúc quá nhiều hoạt động và được dàn trải trên nhiều địa phương của tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh đó, lần nào diễn ra Lễ hội cũng có nhiều cuộc triển lãm tranh ảnh, hội thảo… chung chung, không thu hút sự chú ý công chúng. Vì thế, nên dồn kinh phí, đầu tư xây dựng các bảo tàng chuyên đề hoặc tập trung vào một sự việc nào tương tự thật sự chất lượng.

Một số ý kiến khác xoay quanh các vấn đề cụ thể như: “Lễ hội diễn ra ở nhiều nơi như thị trấn Vĩnh Điện (huyện Điện Bàn), khu di tích Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên) hay Phú Ninh, Tam Kỳ... nhưng hầu như không có một phương tiện công cộng nào để du khách có thể sử dụng, muốn tham gia lễ hội, du khách chỉ có hai cách: thuê xe máy tự đi hoặc mua tour của các đơn vị lữ hành. Sân khấu Lễ hội hàng năm thường diễn ra tại đền tháp Mỹ Sơn, hoặc khu vực gần Chùa cầu Hội An, không gian rất có thể gây trở ngại cho việc biểu diễn. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Lễ hội, một hội chợ ồn ào náo nhiệt với đủ thứ nhạc, khuấy động không gian yên tĩnh của cả hai bên sông, khiến nhiều khách du lịch quốc tế ngại đến gần khu vực hội chợ này, nó chỉ thu hút được người dân địa phương và số ít du khách Việt Nam dạo qua. Mặt khác, Lễ hội quá chú trọng vào phần xây dựng kịch bản (mời các đạo diễn, các đoàn diễn viên chuyên nghiệp) mà chưa thực sự chú trọng yếu tố đóng góp tự phát của quần chúng…”.  

Thay mặt Ban Tổ chức Lễ hội “Quảng Nam - Hành trình Di sản” lần thứ 5, ông Đinh Hài ghi nhận những ý kiến tham vấn tại hội thảo và hi vọng qua đó, sẽ kịp thời bổ sung điều chỉnh từng sự việc cụ thể để Lễ hội diễn ra đáp ứng với sự mong đợi của nhiều người. Bên cạnh đó, ông Đinh Hài cũng khẳng định, Lễ hội được tổ chức chủ yếu nhằm quảng bá du lịch Quảng Nam trên nhiều kênh như báo chí, truyền hình chứ không hoàn toàn nhắm đến khách du lịch tại chỗ. Đồng thời, Ban Tổ chức sẽ chú trọng giải quyết tốt các mặt như: công tác quản lý phải hết sức chặt chẽ trong quá trình đầu tư cũng như quá trình phục hồi, phục dựng di tích theo nguyên gốc; tạo không gian hài hoà giữa di tích với cảnh quan bên ngoài, cũng như không làm tác động mạnh về hiện đại hoá liên quan đến vấn đề di tích.

Báo Văn hóa