Bình Thuận nỗ lực khẳng định Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn
Cập nhật: 01/08/2012
UBND tỉnh vừa ban hành Chương trình hành động Nghị quyết 06 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XII) về phát triển du lịch đến năm 2015.

Trong những mục tiêu chủ yếu mà địa phương sẽ phấn đấu hoàn thành là đưa doanh thu du lịch chạm mức 7.500 tỷ đồng để khẳng định ngành kinh tế mũi nhọn…

Theo Chương trình hành động của UBND tỉnh mới ban hành trong tháng 7/2012, phát triển du lịch phải được các sở, ngành và địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng, bởi khi du lịch phát triển sẽ tạo ra nhu cầu, thị trường và động lực thúc đẩy những ngành nghề khác cùng vươn lên, tạo thêm việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo... Do vậy, song song với việc giữ vững thương hiệu du lịch Bình Thuận, toàn ngành còn phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng về lượng khách duy trì ở mức trên 12%/năm. Từ nay đến năm 2015, địa phương nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu đón 4,5 triệu lượt khách (trong đó có khoảng 500.000 lượt khách quốc tế) và đưa doanh thu chạm mức 7.500 tỷ đồng.

Đối với du lịch Bình Thuận, để đạt doanh thu 7.500 tỷ đồng trong 3 năm tới là nhiệm vụ không quá khó khăn nhưng cũng không nên xem nhẹ. Tốc độ tăng trưởng về doanh thu của ngành luôn là những con số ấn tượng “tăng dần đều” trong suốt thời gian qua. Điển hình là, trong 7 tháng của năm 2012, doanh thu từ du lịch của địa phương đã đạt 2.574 tỷ đồng, tăng đến 42,39% so cùng kỳ năm trước. Nếu nhẩm phép tính đơn giản, cứ đà tăng này thì việc chạm mức doanh thu 7.500 tỷ đồng từ hoạt động du lịch tại địa phương chỉ còn là vấn đề thời gian…
 

                                        Lướt sóng biển Mũi Né

 

Song thực tế không hẳn vậy. Giữ được đà tăng trưởng doanh thu du lịch ở mức cao như hiện nay cho đến năm 2015 còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác. Chính vì thế, tỉnh đã giao Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực thu hút đầu tư phát triển đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch. Trước hết cần ưu tiên những sản phẩm mang tính chất đặc trưng, tận dụng tối đa tài nguyên du lịch nổi bật của từng vùng, miền trong tỉnh. Đặc biệt là chú trọng khai thác lợi thế của loại hình du lịch biển, đảo, sông, hồ, đồi, núi… làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của nhiều du khách. Riêng tại TP. Phan Thiết, tỉnh sẽ tập trung đầu tư để sớm được công nhận “Đô thị du lịch”, nâng cao chất lượng toàn diện KDL Hàm Tiến - Mũi Né, thực hiện tốt đề án “City tour”, triển khai dịch vụ đưa khách tham quan trên sông Cà Ty và ven biển Phan Thiết…

Có được hạ tầng cơ sở lưu trú đồng bộ và sản phẩm du lịch phong phú, địa phương tiếp tục tính đến những giải pháp thu hút khách ngày càng đông hơn. Đi kèm với đó là phấn đấu kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu nhiều thêm cũng như nâng tỷ lệ du khách quay lại Bình Thuận lần thứ ba trở lên cao hơn… Chương trình hành động của UBND tỉnh cũng rất coi trọng công tác tuyên truyền. Theo đó, yêu cầu cơ quan truyền thông trong tỉnh tăng cường thời lượng, tần suất và nội dung phát sóng, đưa tin về vai trò, vị trí, ý nghĩa của việc phát triển du lịch địa phương. Và một khi tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cả cộng đồng thì tiềm năng, lợi thế của ngành du lịch chắc chắn sẽ được khai thác hiệu quả. Vì vậy, doanh thu 7.500 tỷ đồng từ du lịch có khả năng thực hiện được.

Báo Bình Thuận