Hà Giang: Để văn hóa trở thành nguồn lực phát triển du lịch
Cập nhật: 04/01/2023
Hà Giang, nơi hội tụ của 19 dân tộc, với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo cùng nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, là nguồn tài sản quý giá để phát triển KT-XH. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tập trung triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, coi đây là nguồn lực, tài nguyên quan trọng để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có của mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

Trình diễn Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao đỏ, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì).

Thời gian qua, tỉnh ta triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, như: Tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; tổ chức phục dựng, trình diễn một số lễ hội, nghi thức truyền thống có nguy cơ bị mai một; đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục… Đến nay, về di sản văn hóa vật thể, toàn tỉnh có 3 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận; 61 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng. Về di sản văn hóa phi vật thể, có 22 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận…

Thực tế, trong quá trình phát triển ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh ta, di sản văn hóa đóng một vai trò quan trọng. Nhiều di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch mang dấu ấn riêng, vừa là nguồn lực cho sự phát triển ngành Du lịch, đồng thời từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương nơi có di sản, mang tới cho cộng đồng những lợi ích thiết thực và bền vững. Trong đó, điển hình có thể kể đến di tích lịch sử quốc gia Cột cờ Lũng Cú (xã Lũng Cú, Đồng Văn), điểm đến yêu thích của du khách gần xa, vừa là di tích lịch sử, vừa là điểm cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc. Hay di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Dinh thự nhà Vương (xã Sà Phìn, Đồng Văn), nơi chứa đựng những giá trị văn hóa kiến trúc độc đáo của đồng bào Mông trên Cao nguyên đá. Hoặc danh thắng cấp quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, nối tiếp nhau như những khuông nhạc trên một bản hòa tấu bất tận giữa núi rừng… Tất cả, giúp định hình thương hiệu du lịch Hà Giang trên bản đồ du lịch của cả nước.

Du khách tham quan Dinh thự nhà Vương, xã Sà Phìn (Đồng Văn).

Tuy nhiên, do kinh phí nhà nước và nguồn lực xã hội hóa còn hạn hẹp; chưa có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư quản lý, khai thác các di tích, nên việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa còn những hạn chế nhất định: Một số di sản văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một như các làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, lễ hội dân gian, nghề thủ công truyền thống. Nhiều di tích đã được xếp hạng chưa được tu bổ, tôn tạo kịp thời; công tác kiểm kê di sản chưa được tiến hành thường xuyên; việc phát huy giá trị di sản gắn với phát triển KT-XH chưa rõ nét…

Với mục tiêu: Lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với phát triển du lịch bền vững; cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành liên quan đang tập trung đẩy mạnh công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; trong đó ưu tiên tu bổ các di tích cấp quốc gia, di tích lịch sử cách mạng. Thực hiện các biện pháp bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản trên đất đối với các di tích đảm bảo điều kiện theo quy định của pháp luật. Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ để nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa các loại hình di sản. Tăng cường kiểm kê, nhận diện và xác định giá trị của từng loại di sản trong cộng đồng, trên cơ sở đó lựa chọn các di sản tiêu biểu, xây dựng hồ sơ khoa học để đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa quốc gia.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Triệu Thị Tình cho biết: Một cách làm hiệu quả để để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đó chính là tiến hành bảo tồn di sản văn hóa ngay trong chính đời sống cộng đồng, thông qua việc đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục; xây dựng các câu lạc bộ văn nghệ dân gian, đội văn nghệ truyền thống thôn, bản; đưa nội dung bảo tồn di sản văn hóa vào trong các quy ước, hương ước hoạt động của thôn, bản để cộng đồng cùng cam kết thực hiện. Đến nay, nhiều lễ hội truyền thống gắn với các sự kiện thường niên đã từng bước trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh, như: Lễ hội hoa Tam giác mạch, Tuần văn hóa di sản Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Lễ hội khèn Mông. Song song với đó, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc tiếp tục được bảo tồn, phục dựng như: Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông… đã từng bước tạo thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút khách du lịch đến với mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.

Bài, ảnh:  Nguyễn Phương

 

Báo Hà Giang - baohagiang.vn - Ngày đăng 03/01/2023