Liên kết phát triển du lịch biên giới Việt - Lào
Cập nhật: 20/10/2022
Khu vực biên giới Việt Nam - Lào có tài nguyên phát triển du lịch đa dạng, phong phú, có nhiều tài nguyên tương đồng nhưng vẫn khác biệt, vừa có khả năng hình thành tính đặc trưng cho khu vực, vừa có khả năng bổ trợ lẫn nhau để tăng cường tính hấp dẫn cho ngành du lịch. Những điểm đến của hai nước được đánh giá còn nhiều tiềm năng, nhưng hiện chưa được khai thác đầy đủ. Vậy, làm thế nào để du lịch biên giới Việt - Lào “cất cánh”?

Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ 3 năm 2022 tại Điện Biên đã tạo cơ hội để các địa phương 2 nước tăng cường kết nối, phát triển du lịch. Ảnh: Tất Dũng

Tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú

Việt Nam và Lào có chung đường biên giới đất liền dài hơn 2.300km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên. Phía Việt Nam gồm các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum. Phía Lào gồm các tỉnh: Phông Sa Lỳ, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Sa Vẳn Na Khệt, Sa La Van, Sê Kông, Át Ta Pư.

Tổng cục Du lịch cho biết, các tỉnh biên giới (phía Việt Nam) có tài nguyên du lịch phong phú, cả về tài nguyên tự nhiên và văn hóa. Trong đó, cảnh quan, thiên nhiên đặc sắc vùng biên giới Việt Nam - Lào đã tạo nên nhiều cảnh quan có giá trị hấp dẫn du lịch, có thể kể đến dãy Hoàng Liên Sơn và các cao nguyên đá vôi Sơn La - Mộc Châu nguyên sơ, hùng vĩ, những cánh rừng nguyên sinh đặc trưng dãy Trường Sơn ở các tỉnh từ Quảng Bình trở vào, hệ thống hang động đẹp, rộng gắn với các di tích khảo cổ có khả năng khai thác phục vụ du lịch.

Trong số đó, nổi bật nhất là hệ thống hang động Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) - di sản thiên nhiên thế giới là tài nguyên du lịch đặc biệt giá trị. Bên cạnh đó, một số tỉnh biên giới Việt Nam - Lào có đường bờ biển chạy dài từ Thanh Hóa đến Quảng Nam, với nhiều bãi biển đẹp, hệ thống đảo ven bờ đa dạng. Đây là một lợi thế to lớn phát triển du lịch. Ngoài ra, khu vực biên giới Việt - Lào còn có hệ thống sông, hồ, suối nước nóng, nước khoáng là điều kiện thuận lợi để hình thành các tuyến du lịch trên sông.

Bên cạnh tài nguyên thiên nhiên, khu vực biên giới Việt - Lào còn có di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, trong đó, có nhiều di tích đặc biệt quan trọng, có giá trị đối với du lịch như di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ (Điện Biên), Kim Liên (Nghệ An), Ngã ba Đồng Lộc, cụm di tích chiến tranh chống Mỹ (Quảng Trị)… Đặc biệt, các di sản thế giới như Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), Đô thị Hội An, Đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam)… là những di tích có giá trị đặc biệt đối với du lịch. Một lợi thế khác để phát triển du lịch biên giới Việt - Lào là trầm tích văn hóa, nghề truyền thống và ẩm thực vô cùng phong phú.

Phát triển chưa tương xứng

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, những năm qua, hợp tác phát triển du lịch giữa Việt Nam và Lào được triển khai dưới hai hình thức song phương và đa phương. Hợp tác song phương thông qua việc triển khai Hiệp định hợp tác du lịch cấp Chính phủ, các thỏa thuận giữa hai bộ chủ quản du lịch. Bên cạnh đó, hai nước tích cực tham gia và thúc đẩy hợp tác du lịch đa phương chủ yếu qua các khuôn khổ: “Ba quốc gia một điểm đến”, “Tam giác phát triển” (Việt Nam - Lào - Campuchia), “Bốn quốc gia một điểm đến” (Việt Nam - Lào - Campuchia - Myanmar), “Hành lang Đông Tây”, “Tiểu vùng Mê Kông mở rộng” (GMS), “Mê Kông - Lan Thương”...

Nhằm phát triển du lịch khu vực biên giới Việt - Lào, các địa phương tiếp giáp với Lào đang tăng cường quảng bá hình ảnh và các điểm đến du lịch tới du khách của các nước. Ảnh: Tất Dũng

Với những nỗ lực hợp tác từ cả hai phía, trao đổi khách du lịch hai nước năm 2019 (trước thời điểm đại dịch Covid-19) đã đạt trên 1,2 triệu lượt. Lào thường nằm trong nhóm 15 thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam, trong khi Việt Nam là thị trường gửi khách lớn thứ 3 của Lào. 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón hơn 18.600 lượt khách Lào; khách Việt Nam đi du lịch Lào đạt hơn 49.000 lượt, chiếm 28% tổng lượng khách quốc tế đến Lào, chỉ đứng thứ 2, sau Thái Lan.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, tiềm năng du lịch biên giới Việt Nam - Lào là khá lớn, nhưng lượng khách du lịch đến với khu vực này còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Du lịch biên giới Việt Nam - Lào nhìn chung chưa có đột phá mạnh mẽ. Thủ tục tại các cửa khẩu Việt Nam - Lào còn hạn chế, bất cập. Cơ sở lưu trú và ăn uống dành cho khách du lịch còn thiếu, chất lượng chưa cao và hầu hết chưa đạt chuẩn. Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại các tỉnh biên giới của Lào phần lớn tập trung vào thương mại là chính, chưa chú trọng đầu tư vào lĩnh vực du lịch..., nên sản phẩm du lịch biên giới chưa thực sự hấp dẫn du khách.

Hợp tác để phát triển

Để khai thác các tiềm năng du lịch của cả Việt Nam và Lào ở khu vực biên giới, Tổng cục Du lịch cho rằng, cần kết hợp phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế các địa phương biên giới. Thực tế, những cửa khẩu biên giới sôi động nhất về hoạt động kinh tế thường cũng là những cửa khẩu nhộn nhịp nhất về du lịch. Vì thế, cần chú trọng phát triển song song các hoạt động kinh tế biên mậu và du lịch để góp phần tạo công ăn việc làm, bảo đảm cuộc sống ổn định cho đồng bào vùng biên giới, đồng thời, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá, đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các khu kinh tế cửa khẩu tới các điểm du lịch có tiềm năng. Phối hợp xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý và phát triển thương mại du lịch biên giới cho phù hợp với tình hình thực tế.

Việt Nam và Lào cũng cần tăng cường hợp tác trong phát triển sản phẩm du lịch, đa dạng hóa loại hình, tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch, hình thành các tour, tuyến điểm du lịch. Phối hợp đón khách du lịch quốc tế đến từ các nước thứ ba trải nghiệm sản phẩm du lịch hai quốc gia, một điểm đến. Hợp tác phát triển hạ tầng du lịch như xây dựng hệ thống các điểm dừng chân trên các tuyến du lịch đường bộ, phát triển các điểm du lịch, sản phẩm du lịch gắn với du lịch đường bộ, phát triển các hành lang giao thông thành hàng lang du lịch...

Hai bên cũng cần tăng cường thúc đẩy phát triển du lịch gắn kết với thương mại biên giới; đẩy mạnh hoạt động du lịch kết hợp với triển lãm thương mại, mua sắm qua biên giới; mở rộng các điểm, tuyến du lịch văn hóa qua biên giới, tuyến du lịch kết nối các tỉnh Việt Nam và Lào. Cùng với đó, khuyến khích xây dựng và phát triển các tuyến du lịch vào sâu trong nội địa của hai nước và kết nối với các nước trong khu vực. Tăng cường phối hợp xúc tiến quảng bá chung 2 nước Việt Nam - Lào trở thành một điểm đến chung với du khách quốc tế.

Thu Hằng - Tất Dũng

Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 18/10/2022