Tuyến du lịch sinh thái hang động Võ Nhai
Cập nhật: 08/01/2007
Nằm về phía đông bắc tỉnh Thái Nguyên, theo quốc lộ 1B (Thái Nguyên - Lạng Sơn). Một quần thể có nhiều phong cảnh thiên nhiên hấp dẫn, nhiều di tích văn hoá lịch sử lớn được nhà nước xếp hạng bảo tồn. Với những sản phẩm du lịch đặc trưng như: Du lịch sinh thái hang động, du lịch văn hoá…

Động Chùa Hang

Cách trung tâm Tp. Thái Nguyên 2km về phía tây bắc, qua cầu Gia Bẩy theo hướng quốc lộ 1B (Thái Nguyên - Lạng Sơn). Di tích thắng cảnh Chùa Hang bao gồm: một ngôi chùa trong lòng hang và 3 ngọn núi đá dài gần nghìn mét được toạ lạc ngay tại trung tâm thị trấn Chùa Hang (có lẽ cái tên thị trấn Chùa Hang cũng được hình thành từ di tích thắng cảnh này).

Hàng năm, lễ hội Chùa Hang được tổ chức vào ngày 20 tháng giêng, thu hút nhiều du khách thập phương về trảy hội du xuân, cầu Phật, chúc phúc, cầu may mắn...

Động Linh Sơn
Động Linh Sơn thuộc xóm Núi Hột, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Cách trung tâm Tp. Thái Nguyên 6km về phía đông bắc và cách thị trấn Chùa Hang 3km về phía đông nam. Là một trong những thắng cảnh đẹp của Thái Nguyên, được bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng di tích thắng cảnh lịch sử. Khu di tích danh thắng được bao bọc bởi dãy núi tai bèo và hồ Cao Lan.
Thắng cảnh động Linh Sơn hàng năm thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan, vãn cảnh và tìm hiểu về di tích lịch sử của động Linh Sơn.

Danh lam thắng cảnh hang Chùa - suối Tiên

Hang Chùa - suối Tiên là khu sinh thái tự nhiên, hoang sơ và đầy ấn tượng với: hang Chùa, núi Ỏn, hang động Khe Tiên, nơi có rừng nguyên sinh với nhiều hệ thực vật đa dạng thật phong phú.
Hang Chùa - suối Tiên thuộc xã Vân Lăng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Từ trung tâm Tp. Thái Nguyên du khách đi theo hướng quốc lộ 1B, đến cây số 12 rẽ trái theo đường ôtô liên xã 14 km là tới khu sinh thái hang Chùa - suối Tiên. Nơi đây không chỉ là một danh lam thắng cảnh, mà còn là nơi ghi lại những dấu ấn lịch sử. Vào thời nhà Tống chống giặc phương Bắc, dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh áo chàm Dương Tự Minh, hang Chùa đã trở thành nơi tập luyện của dân binh và cũng là nơi trú ẩn an toàn của nhân dân địa phương.
Cho tới tận ngày nay hang Chùa - suối Tiên vẫn giữ nguyên cảnh quan thiên tạo làm cho cảnh vật hoang dã đến sống động. Hang Chùa được cấu trúc bởi 3 tầng thiên tạo, qua năm tháng nhiều nhũ đá kết lại với nhau thành những cây cột đá trông như những cây dừa già lâu năm, cọ đá song đôi, bên cạnh có một phiến đá trông giống như cái bàn thờ với những hình tượng bát hương. Trên vòm hang được trải rộng bởi những nhũ đá lấp lánh trông như thảm đá dăm trải đều trên mặt nền đá lung linh như những vì sao trên trời. Đặc biệt hơn, đi sâu vào phần cuối của hang, từ độ cao 15 đến 20m rủ xuống lòng hang một cột chuông đá, khi du khách gõ nhẹ bằng chính bàn tay mình vào chuông đá âm thanh phát ra vang vọng cả lòng hang.

Hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà

Từ trung tâm Tp. Thái nguyên, ngược quốc lộ 1B 42km về phía đông bắc, một quần thể thắng cảnh tuyệt đẹp của tỉnh Thái Nguyên đã được xếp hạng di tích thắng cảnh cấp quốc gia hiện ra. Đó là quần thể “Hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà
Cách mặt đường quốc lộ 1B khoảng 800m, hang Phượng Hoàng nằm trên đỉnh núi Phượng Hoàng với độ cao 600m, sự huyền ảo với những nhũ đá hình voi chầu, kỳ lân múa, mẹ bồng con, nàng vũ nữ, thác khổng lồ, những chùm san hô, chũm đá, hình tượng chuông lớn, chiếc bình hương đá và đặc biệt đôi cánh phượng hoàng nằm ở giữa lòng hang trong tư thế dang rộng đón chào quý khách thăm quan.
Dưới chân núi Phượng Hoàng là suối Mỏ Gà. Nước ngầm từ trong lòng hang sâu thẳm chảy ra quanh năm, đã tạo thành dòng nước trong mát uốn lượn quanh những tảng đá tạo ra những buồng tắm xinh xắn, như chiếc giường tổ tiên hoang dã, những cột nhũ đá lô nhô, lòng suối có chỗ thắt lại bỗng suối mở ra, khiến cho vòm hang cao vút tạo cho du khách một ấn tượng kỳ thú như muốn chào mời khách du lịch đắm mình trong dòng nước, để được tận hưởng “nguồn sinh khí của đất trời, đắm trong hương bí ẩn của sâm rừng, hoa núi...”

Di tích rừng Khuôn Mánh
Rừng Khuôn Mánh - địa điểm thành lập Đội cứu quốc quân II thuộc xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, cách trung tâm Tp. Thái Nguyên 50 km về phía đông bắc. Tại đây, ngày 15/9/1941 đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương đảng tuyên bố thành lập Đội cứu quốc quân II - là một trong những đội quân tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay. Đây là điểm thăm quan di tích lịch sử cách mạng ấn tượng mang đầy tính giáo dục cao.

Thác Nậm Rứt:Bản nhạc nước - Tình ca của núi rừng Đông bắc
Thác Nậm Rứt, với cách gọi của đồng bào dân tộc Tày đó là: “Thác Mưa Rơi ” một thắng cảnh ẩn hiện độc đáo cách Tp. Thái Nguyên 30km, thuộc địa phận xã Thần Sa, huyện Võ Nhai.
Nếu có dịp tới đây, cách thác 80 m quý khách đã được nghe tiếng nhạc nước réo rắc, âm hưởng vang vọng của vách đá, như một bản nhạc rừng, cùng với bầu không khí trong lành, mát rượi, càng làm cho cảnh vật nơi đây trở nên kỳ ảo và hoang sơ tựa như Sa Pa hay Đà Lạt. Khi những hạt bụi nước li ti phả vào mặt như sương khói lảng bảng, ngửa mặt lên, thác Nậm Rứt đã hiện ra rực rỡ, hàng chục ngọn thác từ vách đá cao trên 50m, trải dài khúc xạ ánh sáng mặt trời lung linh cầu vồng dọc xuống sông Thần Sa. Trong tiến chim hót, thác reo, gió mơn man rừng cây xanh lá, trái tim bạn sẽ thổn thức trước bản nhạc nước có cả điệu then, đàn tính, tiếng sáo mông với ánh trăng lan toả núi đồi.
Vào mùa hè, khi mùa mưa tới. Thác Nậm Rứt như một nàng “Công chúa rừng xanh” hiện ra đôi ba ngày, rồi lại ẩn mình trong vách núi. Thác có nét đặc thù huyền ảo bởi sự đan xen giữa các dòng thác lớn với nhiều dòng thác nhỏ phun từ kẽ đá như vòi hoa sen rắc mưa bụi xuống hoa lá đầy vẻ quyến rũ thanh bình, cùng với bầu không khí trong lành mát mẻ, càng tạo lên vẻ đẹp hoang sơ của một nàng Sơn nữ với bản nhạc rừng chỉ có ở thác... Mưa Rơi.

Di tích khảo cổ Thần Sa

Khu di tích Thần Sa nằm gọn trong địa phận xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, cách thác Nậm Rứt 5 cây số về phía đông bắc. Nơi đây với những dãy núi đá vôi dày đặc thuộc phần cuối cùng của sơn hệ Bắc Sơn và những dải thung lũng hẹp dọc theo đôi bờ sông Thần Sa là nét đặc trưng của địa hình Thần Sa. Nơi con người xuất hiện hậu kỳ thời đại đồ đá cũ, có niên đại 40.000 - 23.000 năm cách ngày nay. Mái đá Ngườm với hố khai quật, di vật đá, hòn nghè, mảnh tước, rừu đá... của tổ tiên loài người với các tầng văn hoá khảo cổ vỏ ốc suối dầy hàng mét. Leo hang miệng hổ (Phiêng Tung) nơi trú ngụ của người xưa, còn ngày nay người dân nơi đây đãi cát tìm vàng bằng tời trên bè tre dọc sông thần xa.
Di tích khảo cổ Thần Sa đã được xếp hạng bảo tồn quốc gia ngày 24/12/1982. Đến với Thần Sa du khách đến với vùng núi đá vôi thiên nhiên đẹp hùng vỹ, non xanh nước biếc, khách xem và suy ngẫm về cuộc sống người xưa và nay, đến Thần Sa để được ngắm những nét đẹp sinh hoạt văn hoá của các dân tộc thiểu số và kiến trúc nhà sàn của dân tộc Tày, Nùng mà du khách chỉ có thể thấy được ở nơi này.
www.thainguyentrade.com.vn