Khai thác hang động: Cần có chiến lược để phát triển du lịch
Cập nhật: 04/10/2020
Du lịch hang động là một lĩnh vực mới mẻ, nhưng đầy triển vọng ở Việt Nam. Hiện nay, ngoài những hang động nổi tiếng đã được công nhận là di sản ở các cấp đang thu hút khách du lịch trong và ngoài nước khám phá, thăm quan thì du lịch hang động cũng đang được nhiều địa phương quan tâm khai thác, bước đầu đạt được kết quả nhất định.

Hang Thẳm Bua (tiếng Thái) ở Nghệ An chưa được nhiều khách du lịch biết đến.

Tuy nhiên, để tiềm năng này không bị lãng phí, cần có sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn trong lĩnh vực và địa phương quan tâm phối hợp để có được những sản phẩm du lịch ấn tượng…

Thực tế đã chứng minh, tại một số địa phương như: Quảng Ninh, Quảng Bình, Ninh Bình, Lạng Sơn đã khai thác, phát huy tốt tiềm năng kinh tế du lịch của hang động khi đưa vào khai thác các loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, cộng đồng...

Minh chứng như Quảng Bình có 25 sản phẩm du lịch là điểm đến, thì có 15 điểm đến du lịch khám phá, trải nghiệm hay du lịch mạo hiểm đã được tổ chức tại vùng Phong Nha - Kẻ Bàng. Năm 2019, doanh thu tuyến du lịch “Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới” đạt trên 55 tỷ đồng, và đang ngày càng khẳng định thương hiệu du lịch hang động, du lịch mạo hiểm trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Theo PGS.TS Tạ Hòa Phương, chuyên gia về địa chất, hang động, tại Việt Nam, đá vôi chiếm gần 20% diện tích lãnh thổ phần đất liền, tức là khoảng 60.000km2. Hang động tập trung hầu hết ở miền Bắc như: Hoà Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang… Thế nhưng, nhìn nhận thẳng thắn rằng, nhiều tỉnh miền núi dù sở hữu nhiều hang động kỳ vĩ nhưng tiềm năng này vẫn còn đang “ngủ yên”.

Một ví dụ điển hình khác như tại Nghệ An, vùng đá vôi tạo ra những hang động hấp dẫn với vẻ đẹp lung linh của không gian bên trong, cùng hệ thống thạch nhũ với nhiều hình dáng, kích thước không kém gì những hang động nổi tiếng. Đó là di chỉ khảo cổ học, có dấu tích của người Việt cổ như Đồng Trương (Anh Sơn), Thẩm Hoi (Con Cuông); là nơi gắn với sự tích khai bản lập mường như hang Tạo Nọi (Quế Phong); gắn với sự nghiệp cách mạng và chiến công đánh đuổi giặc ngoại xâm như hang Rú Ấm (Nghĩa Đàn), hang Hỏa Tiễn (thị xã Hoàng Mai), Thẩm Lạn, hang Phỉ (Kỳ Sơn).

Thời gian qua, dù không được đầu tư, quảng bá bài bản, các điểm du lịch hang động này vẫn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước ghé đến vì những chứng tích, vẻ đẹp độc đáo riêng. Tuy nhiên, hầu hết là hoạt động tự phát mà chưa có sản phẩm du lịch mang tính thương mại, hàng hóa.

Tour du lịch mạo hiểm Hang Sơn Đoòng đem về doanh thu “khủng” cho tỉnh Quảng Bình.

Nguyên nhân những “mỏ vàng” đang bị thờ ơ là bởi các hang động nằm ở vị trí xa xôi, giao thông không thuận tiện, chúng thường nằm đơn lẻ. Dù hang động có được sự đa dạng trong hoạt động du lịch sinh thái; tuy nhiên, hệ thống cơ sở dịch vụ và hạ tầng phát triển chưa đồng đều; Hơn nữa việc thiếu sự liên kết chặt chẽ với các công ty, doanh nghiệp khai thác du lịch; công tác truyền thông, quảng bá các “địa chỉ đỏ” cũng chưa được nhiều địa phương quan tâm, chú trọng,... nên phần lớn các hang động chưa thể phát huy, tạo được nguồn thu nhập ổn định hiệu quả để tự thân phát triển, chưa nói tới việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đây là lý do nhiều địa phương có tiềm năng về hang động có thể khai thác du lịch, nhưng vẫn chưa tạo thành một điểm đến, với xu hướng phát triển thành một nghề kinh tế, tăng thu nhập cho người dân và tạo nguồn thu cho địa phương được.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia địa chất cũng đã lưu ý, nếu không quan trắc, nghiên cứu kỹ lưỡng mà khai thác hang động tự phát như trang trí đèn, chiếu sáng quá mức,… sẽ khiến điều kiện tự nhiên thay đổi, các nhũ đá suy thoái dần, đe dọa thế giới sinh học ở những vùng này.

Thế nên để khai thác triển vọng du lịch hang động ở miền núi, vùng Dân tộc thiểu số (DTTS), thì mỗi địa phương sở hữu di sản cần có chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch và đầu tư bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình bền vững. Ví vụ như kết hợp sản phẩm du lịch mạo hiểm khám phá hang động, bảo tồn sinh thái với mô hình Homestay, Farmstay, dã ngoại, thăm quan nghỉ dưỡng, gắn với việc khai thác bản sắc văn hóa của cộng đồng DTTS…

Hồng Phúc

Báo Dân tộc và phát triển