Lan tỏa tinh thần "Tự hào áo dài Việt"
Cập nhật: 09/10/2020
Lấy cảm hứng từ những danh lam thắng cảnh, nét đặc trưng của văn hóa mỗi vùng miền, các tác giả tham dự Cuộc vận động thiết kế “Tự hào áo dài Việt” đã khai thác khéo léo những giá trị văn hóa Việt Nam để chuyển tải vào những bộ sưu tập áo dài mang đậm sắc màu truyền thống...

Tối 07/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức vòng chung kết và trao giải cuộc vận động thiết kế “Tự hào áo dài Việt”. 

Phát biểu khai mạc, bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh, từ lâu, áo dài đã trở thành tác phẩm nghệ thuật, một di sản văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là hình ảnh gắn bó với người phụ nữ Việt Nam. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, tà áo dài không ngừng biến đối nhưng vẫn mang trong mình nét truyền thống, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng của những người phụ nữ Việt, để lại những ấn tượng vô cùng đẹp đẽ trong lòng người dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Một trong 60 bộ sưu tập áo dài lọt vào vòng chung khảo cuộc vận động thiết kế “Tự hào áo dài Việt” - Ảnh: Cẩm Nhung. 

Nhằm tôn vinh, nâng tầm vị thế áo dài trong đời sống xã hội, đồng thời tạo sân chơi sáng tạo cho các nhà thiết kế, các nghệ nhân, những người yêu áo dài, Hội LHPN Việt Nam đã phát động cuộc vận động thiết kế “Tự hào áo dài Việt" từ tháng 3/2020. Sau hơn nửa năm, Ban tổ chức đã nhận được 102 hồ sơ tham dự với 534 tác phẩm của các tác giả ở các lứa tuổi, ngành nghề từ 37 tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động với chủ đề “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam" do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; là sự kiện nối tiếp các hoạt động liên quan đến áo dài đã diễn ra sôi nổi khắp các tỉnh/thành trên phạm vi cả nước trong suốt năm 2020 như: Tuần lễ áo dài với các cuộc đồng diễn áo dài ở các địa phương trong tháng 3, Triển lãm và Hội thảo khoa học về giá trị của áo dài, các cuộc trình diễn áo dài tại Hà Nội, Quảng Nam cùng với các hoạt động phong phú khác ở các địa phương để tôn vinh áo dài Việt Nam đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam. 

Bằng các hoạt động này, Hội LHPN Việt Nam mong muốn được góp một phần công sức để các giá trị của áo dài sẽ được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thế cấp quốc gia. Trong tiến trình đó, Hội LHPN Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các ngành, các địa phương, các nhà thiết kế và sự hưởng ứng của người dân để áo dài ngày càng khẳng định được vị thế của mình không chỉ ở trong nước mà cả trên trường quốc tế, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa chia sẻ.

Bà Hà Thị Nga (thứ hai từ phải qua), Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam trao giải Nhất cho thí sinh Lê Thị Thủy với bộ sưu tập Hoàng thành Thăng Long - Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN 

Lấy cảm hứng từ những danh lam thắng cảnh, nét đặc trưng của văn hóa mỗi vùng miền, các tác giả đã khai thác khéo léo những giá trị văn hóa Việt Nam để chuyển tải vào những bộ sưu tập áo dài mang đậm sắc màu truyền thống. 60 bộ sưu tập áo dài xuất sắc lọt vào vòng chung khảo từ đường kim mũi chỉ, màu sắc, chất liệu vải, hình ảnh… đều thể hiện sự đầu tư công phu, tìm tòi sáng tạo. 

Trong đêm chung kết và trao giải, 150 bộ áo dài nằm trong bộ sưu tập được chọn trao giải và trình diễn trước công chúng một lần nữa khẳng định và tôn vinh vẻ đẹp văn hóa của tà áo dài. Ban tổ chức đã quyết định trao 13 giải thưởng (trong đó 01 giải Nhất thuộc về bộ sưu tập Hoàng thành Thăng Long của tác giả Lê Thị Thủy cùng 02 giải Nhì, 03 giải Ba và 07 giải phụ) dành cho các thí sinh./.

Cẩm Nhung

dangcongsan.vn