Quảng Nam: Đề án hỗ trợ phát triển một số điểm du lịch cộng đồng - Thời cơ trước mắt, lợi ích dài lâu
Cập nhật: 23/11/2020
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, mọi quyết sách hỗ trợ ngành du lịch đều phải cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu được hỗ trợ kịp thời, phát triển bài bản thì giá trị lan tỏa của du lịch cộng đồng (DLCĐ) không chỉ gói gọn trong lợi ích kinh tế.

Du lịch cộng đồng là loại hình mang tính lâu dài và sản phẩm được bồi tụ qua thời gian. Trong ảnh: Một góc làng Đại Bình (Nông Sơn). Ảnh: Q.T

Xem xét tính khả thi

Trước khi bị “đóng băng” bởi dịch Covid-19, DLCĐ tại Quảng Nam đã phát triển rất mạnh mẽ trong giai đoạn từ năm 2017 đến  2019, với gần 1,7 triệu lượt khách tham quan (năm 2019) các điểm đến DLCĐ. Tuy nhiên, phải đến hơn 95% lượng khách trên chỉ tập trung vào hai điểm đến làng gốm Thanh Hà và làng du lịch cộng đồng Cẩm Thanh (TP.Hội An) trong khi rất nhiều điểm đến giàu tiềm năng khác hầu như vẫn bỏ ngỏ. Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Xuất phát từ thực trạng đó việc xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển một số điểm DLCĐ trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Đề án) đến năm 2025 là rất cần thiết để lan tỏa mạnh mẽ hơn DLCĐ; đồng thời tránh sự đầu tư dàn trải trong bối cảnh khó khăn hiện nay”.

Theo dự thảo Đề án, phương án 1 sẽ có 9 điểm DLCĐ được hỗ trợ. Bao gồm: Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, làng sinh thái Hương Trà (Tam Kỳ); làng DLCĐ xã đảo Tam Hải, làng du lịch sinh thái cộng đồng hố Giang Thơm và vườn cây ăn trái thôn Tú Mỹ (Núi Thành); làng DLCĐ Triêm Tây (Điện Bàn); làng DLCĐ Đại Bình (Nông Sơn); làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước) làng DLCĐ Mô Chai (Nam Trà My); làng DLCĐ Ta Lang (Tây Giang) còn phương án 2 sẽ chỉ còn 6 điểm mà không có làng cổ Lộc Yên, làng DLCĐ Đại Bình và làng DLCĐ Mô Chai. Ông Nguyễn Thanh Hồng thông tin, việc phát triển DLCĐ ở Hội An đã tương đối bài bản, khởi sắc nên dự thảo lần này tập trung hỗ trợ các điểm đến ở địa phương khác đang manh nha phát triển và nó cũng phù hợp với định hướng lan tỏa du lịch về phía nam và phía tây của tỉnh.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh), qua nghiên cứu thì có đến 15/32 nội dung dự thảo Đề án trùng lắp với các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 47 hỗ trợ các điểm du lịch miền núi trên địa bàn tỉnh nên tính hiệu quả cũng như khả thi cần phải xem xét lại. Ngoài ra, DLCĐ xác định người dân là chủ thể quan trọng nhất nên cần tính toán để họ có trách nhiệm, gắn bó lâu dài một khi tiếp nhận các chính sách hỗ trợ, nếu không chỉ sau vài tháng không đón được khách sẽ bỏ bê rất lãng phí nguồn lực.

Nhìn về tương lai

Tồn tại lâu nay của ngành du lịch Quảng Nam nằm ở việc đón lượng khách tăng trưởng mạnh qua từng năm nhưng số ngày lưu trú bình quân của khách chỉ dao động trên dưới 2 ngày. Thực trạng này sẽ được cải thiện phần nào một khi dòng khách đông đảo từ Đô thị cổ Hội An và vùng đông Quảng Nam có thêm lựa chọn cho những điểm du lịch vệ tinh độc đáo để kéo dài hành trình trải nghiệm. Và DLCĐ chính là giải pháp giải quyết vấn đề trên nếu hình thành được một mạng lưới điểm đến DLCĐ đặc sắc, đậm hơi thở bản địa.  

Các điểm đến DLCĐ dự kiến nằm trong danh sách hỗ trợ của Đề án này hiện đều sở hữu tài nguyên du lịch đặc trưng, nổi trội; có sự quyết tâm của chính quyền địa phương; nguyện vọng, khát khao làm du lịch của cộng đồng. Một số điểm đến còn có lợi thế nằm gần sân bay, trung tâm du lịch hoặc quốc lộ. Tuy nhiên, cả 9 điểm đến này đều cùng chung điểm yếu về hạ tầng, dịch vụ còn nghèo nàn, tự phát, từ đó khó lòng phát triển du lịch một khi không có các cơ chế hỗ trợ thiết thực. Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, chia sẻ: “Việc phát triển DLCĐ rất cần tư vấn từ các chuyên gia, doanh nghiệp. Ngoài ra, DLCĐ là loại hình mang tính lâu dài bồi đắp qua thời gian mới ra sản phẩm hoàn chỉnh hoặc phát sinh sản phẩm mới phù hợp nên không thể nóng vội”.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhận định, việc phát triển DLCĐ quan trọng ở cách làm và rất cần sự kiên trì, chấp nhận rủi ro khi có thể một số điểm đến được thí điểm hỗ trợ không thành công nhưng vẫn phải sớm hành động để nắm bắt thời cơ. “Ở đây không quan trọng là 6 điểm đến hay 9 điểm đến mà có thể nhiều hơn nhưng phải đúng và có tiềm năng thành công thực sự. Ý nghĩa của DLCĐ không chỉ giải quyết sinh lợi mà còn chuyển đổi, tạo ra ý thức cho người dân về việc bảo tồn giá trị thiên nhiên - văn hóa - lịch sử của vùng đất đó” - ông Lê Trí Thanh nói.

 Quốc Tuấn

Báo Quảng Nam