Hà Nội: Làm tốt công tác quảng bá du lịch
Cập nhật: 24/06/2020
Dịch Covid-19 làm ngành du lịch Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tổng thu từ khách du lịch đến Hà Nội trong năm tháng đầu năm chỉ đạt 16.639 tỷ đồng, giảm 59,3% so cùng kỳ năm ngoái. Thực hiện nhiệm vụ kép: phát triển kinh tế và phòng, chống dịch bệnh, Hà Nội đang “làm mới” ngành du lịch, vừa nâng cao chất lượng phục vụ, đổi mới sản phẩm, vừa hạ giá thành để kích cầu du lịch trong nước.

Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò quảng bá điểm đến tại phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm

Tối 19-6, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (Haraco) và Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức Lễ phát động Kích cầu du lịch bằng đường sắt. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lĩnh vực vận tải hành khách cũng bị ảnh hưởng theo. Tính đến hết tháng 5-2020, sản lượng vận tải đường sắt của Công ty Haraco chỉ đạt 32% so cùng kỳ năm 2019. Thúc đẩy du lịch, trong đó có du lịch bằng đường sắt sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn mà công ty gặp phải. Công ty đã đưa vào hoạt động các toa xe chất lượng cao, nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống trên tàu, tổ chức các đoàn tàu có hành trình riêng theo yêu cầu của khách, hỗ trợ khách hàng đặt phòng, phương tiện từ nhà ga đến điểm du lịch… Công ty Haraco cũng hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tua du lịch bằng tàu hỏa đến các điểm du lịch nổi tiếng như: Huế, Đà Nẵng, Lào Cai… và giảm tới 25% giá vé với những nhóm khách từ năm người trở lên. Những hoạt động này được khối doanh nghiệp lữ hành hết sức ủng hộ và kích thích nhu cầu du lịch của người dân.

Lễ phát động kích cầu du lịch bằng đường sắt là hoạt động mới nhất trong chuỗi sự kiện nhằm phục hồi ngành du lịch của Thủ đô. Trong tháng 5, du lịch Hà Nội đã bắt đầu có tín hiệu khả quan khi đón 258 nghìn lượt khách trong nước. Số khách quốc tế đạt khoảng 12 nghìn người, hầu hết là đối tượng khách công vụ, hoặc người nước ngoài đến Hà Nội chưa thể trở về vì dịch Covid-19. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: “So với cùng kỳ năm ngoái, Hà Nội “mất” một lượng khách rất lớn, khách nội địa giảm tới 87,7%, lượng khách du lịch giảm sút đã khiến hàng nghìn cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành ngừng hoạt động”. Sau khi dừng giãn cách xã hội, cùng lúc thực hiện phát triển kinh tế và phòng, chống dịch, Hà Nội khẩn trương dồn lực khôi phục ngành du lịch. Đầu tháng 6-2020, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 2171/UBND-KGVX yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung các giải pháp phát triển du lịch nội địa trên địa bàn Hà Nội. Công văn nhấn mạnh vào một số nội dung như: Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về điểm đến, các chương trình khuyến mại, danh sách các cơ sở kinh doanh du lịch tham gia kích cầu du lịch; xây dựng các tua kích cầu du lịch; chủ động hợp tác liên kết với các địa phương để xây dựng các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, thật sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch… Đây là kịch bản quan trọng để ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, lữ hành, các khu tham quan, vui chơi, giải trí thực hiện các giải pháp thu hút khách.

Đối với mảng lữ hành, khách sạn, các doanh nghiệp trên địa bàn đã tung nhiều gói kích cầu thị trường trong nước, điển hình như: Công ty Du lịch Hanoi Redtour giảm giá từ 30 đến 35% các tua du lịch biển; Công ty Vietravel Hà Nội, Công ty Du lịch AZA Travel cũng đưa ra nhiều “gói” du lịch mới, mức giảm tối đa lên đến 50%... Nhiều khách sạn như: Mường Thanh Grand Hà Nội, Movenpick Hà Nội… cũng đưa ra các hoạt động khuyến mại hấp dẫn.

Đối với việc xây dựng, làm mới các sản phẩm du lịch, Hà Nội tiếp tục khai thác lợi thế của du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, vận động các doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch mới, nâng cấp sản phẩm cũ. Theo đại diện lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội, có hai địa điểm du lịch của Thủ đô chưa được khai thác hết tiềm năng là khu thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) và khu vực núi Ba Vì, nơi có các di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh và nhiều cảnh quan đẹp. Tại đây, khách du lịch chỉ tập trung vào lễ hội đầu năm. Các tháng còn lại trong năm rất vắng khách. Do đó, Sở Du lịch đang phối hợp UBND các huyện Mỹ Đức, Ba Vì tìm các giải pháp thu hút khách du lịch vào mùa thấp điểm du lịch. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung tổ chức nhiều lễ hội văn hóa từ nay đến cuối năm, thí dụ như: Lễ hội văn hóa dân gian đương đại tại không gian đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm; Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội, ba miền Bắc - Trung - Nam và quốc tế; Liên hoan du lịch làng nghề - phố nghề Hà Nội 2020... Cuối tháng 6, thành phố sẽ tổ chức Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu đồ uống không cồn đặc trưng của Hà Nội tại không gian phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm. Dự kiến sẽ có 50 gian hàng của các công ty lữ hành, khách sạn, hàng không, câu lạc bộ, hiệp hội du lịch; 30 gian hàng giới thiệu các món chè, đồ uống đặc trưng của Hà Nội như: trà sen Tây Hồ, cà-phê Giảng, kem Tràng Tiền, chè hạt sen long nhãn, hoa quả dầm và các loại đồ uống giải khát mùa hè. Cùng với đó, các điểm du lịch quan trọng như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò… đều có những đổi mới để nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút khách.

Mới đây, Sở Du lịch Hà Nội đã cụ thể hóa hoạt động liên kết bằng chương trình khảo sát du lịch miền Trung tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình với sự tham gia của 60 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, hoạt động này giúp các đơn vị tìm kiếm điểm đến mới, tăng cường sự trao đổi giữa các địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ. Với những hoạt động nêu trên, khách đến và đi từ Hà Nội đều kỳ vọng có một mùa du lịch “rẻ mà chất”. Qua đó, giúp du lịch Thủ đô từng bước phục hồi.

Giang Nam

Báo Nhân dân