Xây dựng sản phẩm đặc trưng để thu hút khách du lịch đến Tây Bắc
Cập nhật: 22/06/2020
Tây Bắc có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa để phát triển du lịch. Thời gian gần đây, Tây Bắc ngày càng quan tâm đến môi trường đầu tư du lịch, có những chính sách, cơ chế thông thoáng thu hút nhà đầu tư, xây dựng hạ tầng phục du lịch…, song đến nay, du lịch vùng Tây Bắc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Tây Bắc là một vùng đất có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển du lịch. Sự độc đáo về địa hình, khí hậu, sự thuần khiết của thiên nhiên hoang sơ, núi non hùng vĩ tạo ra những cảnh quan tuyệt đẹp và hệ sinh thái hết sức phong phú. Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch nơi đây. Tây Bắc là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc thiểu số với một không gian văn hóa rộng lớn và phong phú, những phong tục tập quán đa dạng và đầy màu sắc, hầu như còn giữ được nguyên vẹn các giá trị sinh hoạt truyền thống.

Bên cạnh đó, ẩm thực Tây Bắc cũng mang những nét đặc trưng, khác biệt hẳn so với các vùng khác. Các món ăn như gà mọ, thắng cố, cá suối nướng úp, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, xôi nếp nương… là tiềm năng du lịch hấp dẫn cho những du khách thích khám phá và trải nghiệm.

Ngoài ra, những giá trị văn hóa, lịch sử thiêng liêng như Khu Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến; Quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ (Di tích Quốc gia đặc biệt); Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La…

Với tiềm năng sẵn có, lượng du khách đến Tây Bắc tăng hàng năm. Năm 2019 tổng lượng khách đến với khu vực Tây Bắc ước đạt gần 35 triệu lượt khách, tăng 70,5%, trong đó khách quốc tế đạt gần 5 triệu lượt, tăng 52%, doanh thu ước đạt gần 53.000 tỷ đồng, tăng 30,6%. Tuy nhiên, ngoài thế mạnh về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, Tây Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế khiến du lịch của vùng này chưa phát triển xứng tầm. Hệ thống đường giao thông lẫn phương tiện di chuyển rất hạn chế, gây khó khăn và hoang mang cho du khách cùng các hãng lữ hành.

 Xây dựng sản phẩm đặc trưng để thu hút khách du lịch đến Tây Bắc. (Ảnh: HT)

Bên cạnh đó, các cơ sở dịch vụ như cơ sở lưu trú, nhà hàng tại đây sơ sài và chất lượng thấp. Dịch vụ du lịch, mua sắm hay vui chơi chưa thật sự đáp ứng đủ nhu cầu của khách. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng của ngành "công nghiệp không khói" này tại các tỉnh Tây Bắc còn khá khiêm tốn, chưa đạt như kỳ vọng.

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết, ngày thường, các cơ sở lưu trú vẫn đủ đáp ứng nhu cầu của du khách, nhưng khi đến các dịp nghỉ lễ, Lào Cai nói riêng và các cơ sở lưu trú ở Tây Bắc nói chung thường rơi vào tình trạng quá tải. Theo ông Hà Văn Thắng, hiện Lào Cai cũng đã có giải pháp để hạn chế tình trạng này, trong đó tập trung thu hút đầu tư phát triển cơ sở lưu trú đạt chất lượng, cũng như các tỉnh Tây Bắc liên kết phát triển cả vùng, tổ chức các tour chợ phiên kéo dài vòng cung Tây Bắc để giảm tải cho một số điểm đến.

Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng

Là một trong những đơn vị tiên phong triển khai nhiều bộ sản phẩm Tây Bắc, ông Nguyễn Hữu Tân, đại diện Công ty Du lịch Vietravel (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Nhắc đến Tây Bắc nhiều du khách sẽ nghĩ ngay tới đỉnh Fansipan (Lào Cai), Ruộng mâm xôi Tú Lệ, Mù Cang Chải (Yên Bái); chiến trường xưa Điện Biên với điểm nhấn là Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, Khu Sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng, Khu du lịch hồ Pá Khoang; hay Cao Nguyên rộng lớn bốn mùa hoa khoe sắc tại Mộc Châu (Sơn La)… nhưng nếu tính ra, ngoài Sapa (Lào Cai) thì các sản phẩm Tây Bắc chủ yếu dựa vào tài nguyên văn hóa tự nhiên, và do đặc thù địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng nhau nên nhiều sản phẩm du lịch sinh thái thường trùng lặp nhau.

Chính bởi vậy, ông Nguyễn Hữu Tân cho rằng mỗi tỉnh trong vùng Tây Bắc phải lựa chọn 2-3 sản phẩm đặc trưng và lợi thế nhất của địa phương để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch tại địa phương đó trước. Từ điểm đến đó, kết nối với vùng lân cận hoặc một số điểm đến phụ trợ khác, để du khách dành nhiều thời gian chi tiêu tại khu vực này.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên, Giám đốc Công ty Vietpromotion (Khánh Hòa) cho biết, các tỉnh Tây Bắc đều có tiềm năng phát triển du lịch nhưng chưa có sự thống nhất và liên kết giữa các sản phẩm chung, mỗi tỉnh đều làm theo tự phát, chưa hoạch định phát triển du lịch ở địa phương nào, chưa có sự đồng bộ giữa các tỉnh Tây Bắc.

Theo ông Nguyên, Lào Cai phát triển với tuyến Đông Bắc và Thủ đô Hà Nội, đây là tuyến cơ bản từ trước đến giờ. Tây Bắc mới chỉ khai thác du lịch về nguồn tại Điện Biên kết hợp văn hóa cộng đồng. Do vậy, hiện nay tuyến du lịch Tây Bắc khá là kém, chưa được truyền thông đến du khách, đó cũng là khó khăn để du lịch Tây Bắc phát triển. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông các tỉnh Tây Bắc còn thiếu sót, chưa được đồng bộ từ tỉnh này qua tỉnh khác, gây sự mệt mỏi cho du khách. Hệ thống giao thông lên Tây Bắc chủ yếu vẫn là đường bộ độc đạo, trong đó có nhiều đoạn đường hẹp, đèo dốc quanh co, hiểm trở; đặc biệt là mùa mưa có hiện tượng sụt lở, ách tắc gây ảnh hưởng tới những chuyến đi của du khách.

Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn ít và năng lực hạn chế thường bị động hoặc phụ thuộc. Nhiều tỉnh chưa có đơn vị lữ hành quốc tế. Vì vậy, việc khai thác thị trường thu hút khách vẫn trông chờ vào các hãng lữ hành ngoài tỉnh và các trung tâm khác gửi khách đến vùng.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty Vietworld Travel cho rằng: Sản phẩm du lịch Tây Bắc đều có một điểm tương đồng với nhau, đó là du lịch cộng đồng, khai thác homestay. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sơn, các tỉnh hiện nay chỉ chú trọng đến các sản phẩm du lịch của địa phương mà chưa có sự liên kết vùng miền.

Để phát triển Tây Bắc, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của các Trung tâm xúc tiến du lịch, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các địa phương vùng Tây Bắc cần xây dựng và phát triển những sản phẩm đặc thù riêng. “Các tỉnh Tây Bắc cần ngồi lại với nhau để thống nhất xây dựng sản phẩm đặc thù mang màu sắc riêng, hình thành chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu từng nhóm du khách nhất định. Đồng thời cần có sự liên kết giữa các tỉnh, chứ hiện nay “mạnh ai nấy làm” mà chưa có sự kết nối để tạo ra tuyến du lịch dài” – Ông Nguyễn Văn Sơn khẳng định.

Hà Thảo

dangcongsan.vn