TPHCM đã lập kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển du lịch đường thủy. Dự kiến trong năm 2020, TPHCM sẽ xây dựng bản đồ tuyến du lịch thủy cho ngành du lịch thành phố.
TPHCM sẽ nâng cấp các bến khách của tuyến buýt sông (Ảnh: Một bến đón trả khách của tuyến buýt sông trên địa bàn quận Thủ Đức). Ảnh: HÀ DỊU
Còn nhiều tiềm năng
Thời gian qua, hàng loạt tuyến kênh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm, Đôi - Tẻ... được đầu tư chỉnh trang, rất thuận lợi phát triển vận tải đường thủy và du lịch. Từ năm 2013, TPHCM đã đưa vào khai thác loại hình du lịch đường thủy, thu hút nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện tại TPHCM chỉ còn khoảng 19 DN với 100 phương tiện tham gia.
Điều này cho thấy tiềm năng phát triển du lịch đường thủy của TP chưa được khai thác hết. Theo các DN, thành phố chủ trương phát triển du lịch đường thủy nhưng phương tiện giao thông thủy chưa được xác định rõ nơi neo đậu, việc đầu tư hạ tầng chưa đủ, nhất là việc đóng cửa cảng Bạch Đằng (quận 1) và một số bến ở quận 4, khiến nhiều DN không có nơi đón khách, neo đậu nhà hàng nổi trên sông nên phải từ bỏ hoặc chuyển hướng kinh doanh. Sở Du lịch TP cũng nhận định, hệ thống cầu tàu, nhà chờ, bến đậu trên các tour khá thiếu và yếu về chất lượng. Chưa kể, việc nguồn nước ô nhiễm nặng, kênh rạch bị lấn chiếm nhiều, cảnh quan còn đơn điệu, độ tĩnh không thấp, khó cho tàu thuyền lưu thông… cũng kìm hãm quá trình phát triển loại hình này.
Trong khi vận tải đường bộ đang quá tải, chúng ta vẫn chưa có những dự án quy mô “đủ tầm” để thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy. Theo Sở GTVT TPHCM, hiện thành phố có 71 bến thủy nội địa phục vụ đưa - đón hành khách, nhưng đa số mang tính tạm thời, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong 5 năm gần đây, tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu giao thông đường thủy chỉ chiếm 4,3% so với mức đầu tư đường bộ, khoảng 1.200 tỷ đồng. Sở GTVT kiến nghị, trong điều kiện nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư bằng hình thức đối tác công - tư (PPP), tạo điều kiện dễ dàng cho các DN tham gia.
Đầu tư đồng bộ
Hiện tại, TPHCM có 4 tuyến du lịch đường thủy dưới 10km, trong đó tuyến đi Bình Quới có 24 DN khai thác. Đây là tuyến đã được đầu tư hoàn chỉnh với các bến: Cầu Mống - Nhà Rồng - Khánh Hội, Bạch Đằng, Tân Cảng, Thảo Điền, Bình Quới 1, Bình Quới 2; cùng dịch vụ du ngoạn, ngắm cảnh, thưởng thức ẩm thực phong phú, đa dạng, được nhiều du khách chọn lựa. Tuyến du lịch đi quận 7 cũng thu hút nhiều DN tham gia, như bến du thuyền thuộc dự án Evergreen (khu dân cư phức hợp đa chức năng phường Phú Mỹ, quận 7) của Công ty TNHH Thương mại Tài Nguyên; bến Ngôi Sao Việt (phường Tân Phong, quận 7) của Công ty cổ phần Ngôi Sao Việt; bến Nam Sài Gòn của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn; tuyến du lịch nội đô trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với 25 phương tiện có sức chở 7-40 người, lưu lượng khách tại mỗi đầu bến trung bình 1.000 lượt/ tháng… Tuyến đi Củ Chi với hệ thống bến thủy kết nối các khu du lịch được đầu tư khá hoàn chỉnh với điểm đến chính là Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, các khu du lịch sinh thái nhà vườn dọc sông Sài Gòn và kết hợp tham quan thêm một số điểm ở Bình Dương, Tây Ninh... Tuyến này hiện có khá nhiều DN khai thác, với số lượng khoảng 3.000 khách/tháng. Với tầm xa trên 60km, có một tuyến du lịch đường thủy duy nhất xuất phát từ trung tâm TPHCM đi các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và nối tuyến Châu Đốc - An Giang để du lịch qua Campuchia.
Trong thời gian qua, Sở Du lịch TPHCM phối hợp Sở GTVT, Sở Xây dựng hỗ trợ các DN kinh doanh du lịch thủy bằng việc quản lý đầu tư các bến thủy phục vụ du khách, làm phong phú thêm sản phẩm phục vụ khách tham quan tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè; xây dựng đề án “Phố ẩm thực Phan Xích Long” gắn với bổ sung bến thuyền tại khu Rạch Miễu (dự kiến khai trương trong năm nay). Nghiên cứu những đô thị có dịch vụ du lịch đường thủy phát triển cho thấy các bến cảng phục vụ tiếp nhận tàu nội địa và quốc tế đều nằm ở trung tâm thành phố (như Singapore, Amsterdam của Hà Lan, Helsinki của Phần Lan, Bangkok của Thái Lan...). Do vậy, nhiều chuyên gia đề xuất TPHCM tiếp tục quy hoạch khai thác cầu cảng Sài Gòn - Khánh Hội để tạo thêm sự hấp dẫn của khu đô thị gắn với sông Sài Gòn, thúc đẩy phát triển du lịch đường thủy. Đồng thời đưa vào khai thác cầu tàu số 3, số 4 bến Bạch Đằng, bến tàu tại quận 7; cũng như có chính sách thu hút, khuyến khích DN đầu tư khai thác các sản phẩm du lịch thủy.
Theo Sở Du lịch TPHCM, năm 2019, lượng khách du lịch đường thủy đạt 910.057 lượt, tăng 1,4% so với năm 2018 (gồm 767.895 lượt khách du lịch đường sông, 142.162 lượt khách du lịch đường biển). TPHCM hiện có 6 tàu nhà hàng, 72 tàu/ca nô du lịch và 6 tàu chở khách cao tốc, 4 tàu buýt thủy.
Quốc Hùng