Du lịch Ninh Bình: Sẽ hình thành liên minh kích cầu
Cập nhật: 21/04/2020
Ngành du lịch Ninh Bình đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid - 19. Mục tiêu tạo đột phá trong vai trò chủ nhà đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2020 của địa phương đứng trước nhiều thách thức.

Tôi còn nhớ như in ngày mùng 3 Tết âm lịch vừa qua, bà Loan (54 tuổi) – lái đò bến thuyền Tràng An đầy hồ hởi khi đón khách tham quan di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An. Bà bảo, nhiều kỳ vọng cho một năm bận rộn, thu nhập sẽ tăng hơn vì Ninh Bình đăng cai Năm du lịch quốc gia. Nhưng, mọi dự định của bà Loan đã bị dập tắt khi dịch Covid - 19 xuất hiện, gây ra khủng hoảng lớn cho du lịch.

Ninh Bình sẽ tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch ngay sau khi dịch kết thúc

Từ ngày thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid - 19, khu di sản Tràng An tạm đóng cửa, bà Loan rơi vào cảnh thất nghiệp đột ngột đúng thời kỳ cao điểm đón khách du lịch của Ninh Bình. Đến nay, không chỉ những lái đò như bà Loan, mà các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú tại Ninh Bình cũng khó khăn chưa từng có.

Khi chưa kịp tăng tốc để tận dụng cơ hội Năm Du lịch quốc gia, quý I/2020, lượng khách du lịch đến Ninh Bình đã sụt giảm mạnh, chỉ đón được 1,238.029 triệu lượt khách, đạt 35,43%; doanh thu ước đạt 687,317 triệu đồng, bằng 49,91% so với cùng kỳ năm 2019.

Thiệt hại về kinh tế là rất lớn, song ưu tiên hàng đầu của địa phương vẫn là đẩy lùi dịch bệnh. Theo đại diện Sở Du lịch Ninh Bình, thời gian qua, sở đã tăng cường nhiều giải pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động và khách du lịch; chỉ đạo các đơn vị, cơ sở kinh doanh thực hiện khai báo sức khỏe du lịch bắt buộc đối với khách du lịch nội địa và quốc tế; phối hợp với các đơn vị liên quan vận động được 8 khách sạn, với tổng 676 phòng ngủ, 1.110 giường đăng ký cung cấp cơ sở lưu trú làm nơi cách ly tập trung phòng, chống dịch; đồng thời duy trì công tác thông tin, xúc tiến du lịch, hỗ trợ du khách và hợp tác quốc tế; hỗ trợ phiên dịch cho khách nước ngoài trong thời gian cách ly và thuê phương tiện đi sân bay; phối hợp cùng Hiệp hội du lịch tỉnh tổ chức đánh giá thiệt hại, bàn biện pháp khắc phục hậu quả do dịch Covid-19 đối với các đơn vị kinh doanh lưu trú, Ban quản lý khu, điểm du lịch và đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn...

Ông Bùi Văn Mạnh – Phó giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình - cho biết, tới đây, ngành du lịch tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tập trung tăng cường quản lý nhà nước về du lịch và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; tăng cường theo dõi, nắm bắt, giám sát chặt chẽ tình hình khách du lịch đến từ các vùng dịch lưu trú lại trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn khách du lịch trong phòng, chống dịch tại các trạm hỗ trợ khách.

Bên cạnh đó, để kích cầu, giữ vững thương hiệu du lịch Ninh Bình trong Năm Du lịch quốc gia, Sở Du lịch sẽ chỉ đạo các cơ sở kinh doanh, lưu trú nâng cao chất lượng dịch vụ; tranh thủ đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, hỗ trợ làm tăng sản phẩm du lịch. Đặc biệt, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới, thu hút khách du lịch đến từ các nước châu Âu, châu Mỹ, Australia...; tích cực tham gia ký kết các chương trình xúc tiến du lịch giữa tỉnh với các địa phương khác, để tạo thêm liên minh kích cầu phát triển du lịch sau đại dịch.

Thời gian qua, du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ, các sản phẩm, loại hình du lịch đổi mới, chất lượng dịch vụ nâng cao. Đặc biệt, hoạt động quảng bá, xúc tiến ngày càng có quy mô, đầu tư về nội dung, chiều sâu.

Hoa Quỳnh

Báo Công Thương