Cuộc vận động thiết kế áo dài chủ đề “Tự hào Áo dài Việt”
Cập nhật: 15/04/2020
Nhằm tăng cường quảng bá rộng rãi và tôn vinh Áo dài Việt Nam, nâng tầm vị thế và ý nghĩa Áo dài - Di sản văn hóa của Việt Nam trong đời sống xã hội, Hội LHPN Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức phát động Cuộc vận động thiết kế áo dài với chủ đề “Tự hào Áo dài Việt” trong chuỗi các hoạt động “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam”.

Cuộc vận động góp phần xây dựng nguồn tư liệu về Áo dài - di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia; tạo môi trường sáng tạo cho các nhà thiết kế, các nghệ nhân và người yêu Áo dài trong nước; khuyến khích các tác giả/nhóm tác giả đăng ký sở hữu trí tuệ về các thiết kế, nhãn hiệu… theo Luật Sở hữu trí tuệ; biểu dương, tôn vinh tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Áo dài Việt Nam.

Đối tượng tham dự: Người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở Việt Nam, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, dân tộc, bao gồm: Các nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp: Các nghệ nhân, các nhà thiết kế thời trang, sinh viên chuyên ngành thiết kế thời trang; Những người thiết kế không chuyên nghiệp: thợ may, người yêu áo dài…

Yêu cầu về tác phẩm: Các tác phẩm tham dự phải là bản gốc và do chính tác giả thực hiện. Các tác phẩm chưa từng tham dự trong các cuộc thi về sáng tạo và thiết kế Áo dài trong và ngoài nước.

Thể loại tác phẩm: Trang phục Áo dài dành cho phụ nữ và trẻ em gái thuộc mọi lứa tuổi, vừa mang tính hiện đại, vừa thể hiện được bản sắc, nét đẹp truyền thống của Áo dài Việt Nam. Tác phẩm tham gia có kiểu dáng phù hợp với văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; chất liệu vải, mẫu thiết kế do nhà thiết kế tùy ý lựa chọn, ưu tiên các tác phẩm thể hiện các nét đặc trưng, giá trị văn hóa của Việt Nam (các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các di sản của Việt Nam, các danh lam thắng cảnh, nét độc đáo của văn hóa các dân tộc Việt Nam…); chất liệu truyền thống như: tơ, lụa, thổ cẩm, các kỹ thuật thêu đính thủ công truyền thống…

Số mẫu tham dự: Mỗi tác giả tham dự 05 mẫu (là bản phác thảo hoặc ảnh chụp tác phẩm).

Đăng ký, xét chọn và chấm giải: Ban tổ chức nhận mẫu phác thảo dự thi từ 8/3/2020 đến hết ngày 30/6/2020. Các mẫu vào vòng chung kết thể hiện trên chất liệu vải gửi về Ban Tổ chức từ ngày 15/7/2020 đến hết ngày 15/9/2020.

Thiết kế tham gia được tuyển chọn và chấm qua 2 vòng:

Vòng sơ khảo diễn ra từ ngày 01 - 10/7/2020. Vòng này, Ban Tổ chức xét chọn khoảng 60 bộ tác phẩm trong số các mẫu phác thảo tham dự để tác giả tiếp tục thực hiện mẫu thật.

Vòng Chung kết diễn ra từ 05 – 15/10/2020. Ban Tổ chức xét chọn trong số 60 bộ tác phẩm để trao giải thưởng.

Ban Tổ chức đăng tải 60 bộ tác phẩm đã được lựa chọn vào vòng chung kết và tổ chức bình chọn trực tuyến mẫu thiết kế được đông đảo người dân yêu thích từ 20 – 30/9/2020. Kết quả bình chọn là một kênh tham khảo cho Ban Giám khảo Vòng Chung kết khi chấm giải.

Cơ cấu giải thưởng: Gồm 2 hạng mục giải thưởng: dành cho nhà thiết kế chuyên nghiệp và nhà thiết kế không chuyên nghiệp. Mỗi hạng mục gồm: 01 giải Nhất; 02 giải Nhì; 03 giải Ba; 04 giải Khuyến khích. Ngoài ra còn có các giải chuyên đề: giải Sáng tạo, giải Thiết kế trên chất liệu đặc trưng, giải Nhà thiết kế trẻ, giải Nhà Triển vọng, giải được khán giả yêu thích nhất.

Lễ trao giải và trình diễn các tác phẩm đạt giải được tổ chức trong dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/2020) tại Hà Nội.

Địa chỉ nhận tác phẩm: Trung tâm Phụ nữ và Phát triển - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 20 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội. ĐT: 024.37 286 548, 0986 896 888. Email: luunguyetminh81@gmail.com

 Thanh Hiền

vtr.org.vn