Đồng Nai sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Cập nhật: 13/04/2020
Đồng Nai sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, khách sạn Đại Nam( tỉnh Bình Dương) dừng phối hợp sử dụng cơ sở lưu trú du lịch vào phục vụ cách ly phòng, chống dịch Covid- 19 có thu phí, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Charm Long Hải Resort & Spa là tin tức du lịch tại các tỉnh Đông Nam Bộ vừa qua

Đồng Nai sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thực hiện Kế hoạch số 118-KH/TU ngày 07/7/2017 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn (Kế hoạch số 118-KH/TU); sau 03 năm triển khai thực hiện, UBND tỉnh Đồng Nai đã đạt được những kết quả nhất định.

Ảnh minh họa - Nguồn: Trung tâm XTDL Đồng Nai

Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 10294/KH-UBND ngày 09/10/2017 của UBND tỉnh, trong đó xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm tổ chức thực hiện, trong đó xác định 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện để phát triển du lịch. Trên cơ sở đó các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa đã ban hành kế hoạch thực hiện phù hợp điều kiện và tình hình phát triển du lịch của địa phương; các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao đều có kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, tập trung các nhóm công tác như: Tuyên truyền nâng cao nhận thực về du lịch, đầu tư hạ tầng du lịch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường du lịch…

Ngành du lịch Đồng Nai trong những năm gần đây có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là sau khi thực hiện Kế hoạch số 118-KH/TU, sản phẩm du lịch ngày càng hoàn thiện hơn, công tác đầu tư hạ tầng du lịch, đặc biệt là tuyến đường dẫn vào các khu, điểm du lịch được tỉnh quan tâm thực hiện, lượt khách và doanh thu du lịch năm sau luôn cao hơn năm trước, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch (khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng…) ngày càng được phát triển. Công tác quản lý hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch được tăng cường, công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực du lịch được thực hiện thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở, trên nhiều mặt, từng bước khắc phục kịp thời những hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch; môi trường du lịch đảm bảo khá tốt. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án, hỗ trợ hoạt động kinh doanh du lịch được quan tâm đúng mức.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền quảng bá du lịch được tăng cường và nhiều hình thức (báo, đài, trang thông tin điện tử, ấn phẩm du lịch, pano…) và từng bước đi vào chiều sâu. Qua đó giới thiệu rộng rãi hơn về tiềm năng, đất nước và con người Đồng Nai đến với nhiều du khách trong và ngoài nước. Lượng khách đến với Đồng Nai tăng cao và thị trường khách du lịch được mở rộng hơn, doanh thu du lịch đạt được nhiều khả quan. Nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp du lịch về vai trò cũng như trách nhiệm với du lịch chuyển biến rõ nét hơn và đang từng bước hình thành thương hiệu du lịch của Đồng Nai, đó là du lịch sinh thái.

Thác Mai - Nguồn: Trung tâm XTDL Đồng Nai

Tuy nhiên, đồng hành với phát triển, ngành du lịch Đồng Nai vẫn còn tại những hạn chế. Đó là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái chưa được đầu tư đúng tầm để tạo điểm nhấn và thương hiệu du lịch của tỉnh. Các dịch vụ vui chơi giải trí hiện có tại các khu, điểm du lịch mặc dù được cải tạo, nâng cấp nhưng nhìn chung sản phẩm, dịch vụ chưa thật sự phong phú và tính hấp dẫn chưa cao. Đồng thời, một số dự án (Thác Mai - Bàu nước nóng, tuyến du lịch sông Đồng Nai, tuyến đường ven hồ Trị An, Đảo Ó – Đảo Đồng Trường, danh thắng quốc gia núi Chứa Chan…) là những dự án du lịch quan trọng để tạo sự đột phá cho du lịch Đồng Nai. Mặc dù được UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn và giải quyết, tuy nhiên do vướng mắc về quy hoạch đất rừng phòng hộ, đất lúa, đất quốc phòng… nên các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục đầu tư.

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ; các di tích văn hóa lịch sử phần lớn chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch. Nguồn nhân lực du lịch nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; thiếu đội ngũ quản lý kinh doanh du lịch giỏi, chuyên nghiệp. Chất lượng dịch vụ lữ hành, hướng dẫn du lịch chưa cao. Nhận thức về du lịch và trách nhiệm bảo đảm môi trường du lịch của dân cư sống ở các địa bàn du lịch nói chung chưa cao, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt còn nhiều tác động không tốt đến hoạt động du lịch như: Bỏ rác bừa bãi, giữ xe cao hơn quy định, lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh, tranh giành khách. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tuy đạt được một số kết quả nhất định nhưng chất lượng các hoạt động nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tiếp tục phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh - xã hội, tỉnh Đồng Nai phấn đấu thu hút lượt khách giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách tham quan và lưu trú đạt đạt 11%/năm trở lên. Doanh thu từ du lịch đạt 18%/năm trở lên. Đến năm 2025, thu hút khách tham quan và lưu trú khoảng 8.500.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế khoảng 185.000 lượt). Doanh thu du lịch đạt 3800 tỷ đồng.

Thủy Bích

Báo Tổ Quốc