8 viễn cảnh xê dịch hậu COVID-19: Giá phòng tụt dốc, những chuyến bay thưa người và du lịch bền vững
Cập nhật: 07/04/2020
Khi người dân trên toàn thế giới đang phải ở nhà, ngành du lịch thế giới gần như đóng băng hoàn toàn và không ai có thể tưởng tượng được, điều gì sẽ xảy ra sau đại dịch?

Sự u ám đang bủa vây toàn cầu, đặc biệt là ngành du lịch. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng du lịch sẽ hồi phục, như cách mà nền kinh tế không khói này đã từng vượt qua khủng hoảng trong quá khứ.

“Mọi người vẫn sẽ muốn đi du lịch, có điều họ sẽ cẩn thận hơn thôi”, Adam Blake, giáo sư kinh tế, đồng thời là trưởng khoa du lịch đại học Bournemouth, Anh chia sẻ. “Các công ty du lịch không chỉ phải thuyết phục du khách rằng mọi chuyện đã an toàn mà phải thực sự thay đổi cụ thể”.

Hiện tại, không ai biết chắc khi nào đại dịch sẽ qua. Tuy nhiên, khi tình hình thế giới tốt dần lên, du khách sẽ cần những cú hích về giá để có thể tìm lại được động lực đi du lịch. Nếu bạn đang có kế hoạch du lịch cuối năm hoặc đầu năm sau, đây là những điều cần lưu ý và có thể quan sát thấy.

Du thuyền và cuộc hạ giá đáng kể

Những du khách thích du thuyền sẽ có được món hời khi nhiều hãng tàu sẽ giảm giá đáng kể sau khi tái hoạt động, Christopher Anderson, giáo sư kinh tế tại khoa du lịch, đại học Cornell chia sẻ.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là làm sao để thu hút du khách mới với dịch vụ du thuyền - điều quan trọng cho sự sống còn của các công ty này. Sau những câu chuyện du khách mắc kẹt trên du thuyền vì virus Corona, tâm lý sợ du thuyền cũng xuất hiện.

Anderson khuyến nghị rằng, việc thiết kế những con tàu với phòng ngủ rộng, giảm mật độ du khách sẽ là cách tốt để thu hút du khách mới. Cắt giảm dịch vụ ăn buffet, chuyển sang các bữa ăn dạng a la carte cũng khiến du khách an tâm hơn khi không phải tiếp xúc với quá nhiều người.

Vấn đề vệ sinh sẽ được thực sự quan tâm

“Bất cứ ai, dù làm việc trên tàu, trong khách sạn sẽ phải thay đổi cách quản lý và vệ sinh sạch sẽ cơ sở vật chất và trao đổi với khách hàng để tăng sự tin tưởng, thoải mái của họ”, Anderson nói.

Các cơ sở du lịch sẽ phải đưa tới cho du khách một cảm giác rằng họ đang ở những nơi rất sạch sẽ. Đó có thể là việc để nước rửa tay ở nhiều nơi trong khách sạn, thường xuyên có nhân viên lau chùi bề mặt. Khách hàng cần được biết rằng khách sạn, du thuyền hay những cơ sở du lịch sạch sẽ như thế nào và được duy trì liên tục.

Giá phòng sẽ giảm sau đại dịch

Đây chắc chắn là một tin vui với những người có ý định sẽ đi du lịch trở lại sau đại dịch. Theo ông Freitag, phó chủ tịch phụ trách phân tích cơ sở lưu trú của công ty STR, cho biết giá phòng tại Mỹ đã giảm khoảng 30% trong tuần 3 của tháng 3. Chắc chắn giá cả sẽ còn giảm đáng kể trước khi có thể tăng trở lại.

Trong lịch sử, giai đoạn biến động sau vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ hay sau cuộc khủng hoảng 2009, người ta ước tính phải mất gấp đôi thời gian để giá phòng có thể bình ổn, so với thời gian để nó tụt xuống mức đáy về giá. Dịch vụ lưu trú sẽ là phân khúc có nhiều biến động lớn trong ngành du lịch sau khủng hoảng, cùng với hàng không.

Airbnb có thể “lép vế” hơn khách sạn

Anderson nhận định các khách sạn sẽ là lựa chọn được nhiều du khách tin tưởng hơn sau đại dịch so với các cơ sở lưu trú khác như Airbnb hay các khu thuê nghỉ dưỡng khi du khách sẽ được trao đổi rõ ràng và đánh giá được mức độ sạch sẽ, an toàn tại nơi mình ở.

“Tôi sẽ muốn có được sự an toàn khi ở những khách sạn có các chính sách, quy định vệ sinh sạch sẽ”, Anderson nói. Ông cũng dự đoán rằng Airbnb sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ trong tương lai gần sau đại dịch COVID-19.

Tìm kiếm những tấm vé máy bay rẻ hơn, chuyến bay ít người hơn

Du khách sẽ cảm thấy an toàn hơn khi bay trên những chuyến bay không kín chỗ, Anderson nhận định. “Nếu ngành hàng không thực sự muốn hồi phục, họ phải giãn cách hành khách hơn, ví dụ như để trống những ghế giữa , và giảm giá vé so với mùa hè năm ngoái”, ông nói.

Một vài hãng hàng không tuần trước đã thông báo kế hoạch bỏ dịch vụ ăn uống trên máy bay cũng như bỏ trống ghế giữa để giảm chi phí cũng như hạn chế sự tiếp xúc trên máy bay.

Với tình hình sau đại dịch, khả năng cao rằng những chuyến công tác sẽ được khôi phục lại đầu tiên, sau đó mới tới các chuyến bay du lịch nội địa. Khả năng cao sẽ mất dài thời gian hơn để các chuyến bay liên lục địa hồi phục.

Du lịch công vụ sẽ đem tới sự phục hồi cho ngành hàng không

Dù nhiều công ty và các thương gia có thể thấy thoải mái khi họp trực tuyến, Anderson kỳ vọng rằng những cuộc hội đàm trực tiếp sẽ là dấu hiệu đầu tiên để ngành hàng không hồi phục khi du lịch công vụ trở lại sau đại dịch.

“Tôi tin rằng mọi người cần có sự tương tác. Những chuyến công tác và họp mặt là một phần bắt buộc, không giống như việc đi du lịch và nghỉ dưỡng. Tôi kỳ vọng rằng du lịch công vụ sẽ mở màn cho sự hồi phục của các hãng hàng không khi mọi người trở lại với công việc nhiều hơn”.

Dịch vụ hàng không sẽ trở nên linh hoạt hơn

Một dự đoán khác được đưa ra là ngành hàng không sẽ đưa ra nhiều gói giá, hỗ trợ linh hoạt hơn cho khách hàng trong trường hợp dịch bệnh hay các biến cố khác xảy ra. Những chính sách như hủy vé, hoàn tiền, đổi lịch bay… chắc chắn sẽ dễ chịu hơn để thu hút khách du lịch.

Du lịch bền vững sẽ được chú trọng

Liệu có điểm sáng gì trong tình hình đại dịch này với ngành du lịch? Chúng ta nhìn thấy được vấn đề của việc quá tải du lịch đang đè nặng lên các thành phố hay môi trường. Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã kéo theo sự hồi phục của thiên nhiên, môi trường; người ta dường như thấy sự sống trở lại trên các con kênh ở Venice hay các thành phố đông đúc được “thở”.

“Chúng ta vẫn có thể hy vọng những điều kiện tương tự khi đại dịch qua đi với cách làm du lịch bền vững và hiệu quả hơn”, Peter Greenberg - một dẫn chương trình chuyên về du lịch chia sẻ.

Minh Đức/ Design: Trang Trim (Theo CNN)

 

 

 

 

 

Báo Tổ quốc