Hỗ trợ khách du lịch nước ngoài phòng, chống dịch Covid-19
Cập nhật: 29/02/2020
Mỗi ngày, Hà Nội đón hàng chục nghìn khách du lịch nước ngoài, chưa kể số người nước ngoài sống, làm việc trên địa bàn, trong đó, có nhiều người đến từ các nước có dịch Covid-19. Hỗ trợ cộng đồng người nước ngoài phòng, chống dịch Covid-19 là nhằm bảo đảm an toàn, sức khỏe cho khách, cho xã hội, đồng thời, góp phần củng cố thương hiệu du lịch Thủ đô “An toàn, thân thiện và chất lượng”.

Lực lượng chức năng kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các khách sạn có nhiều người nước ngoài lưu trú trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Ngay khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, TP Hà Nội triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ phòng, chống dịch cho cộng đồng người nước ngoài trên địa bàn. Đầu tháng 2, Sở Du lịch Hà Nội yêu cầu tất cả các cơ sở lưu trú, các điểm du lịch phải có bảng hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh, bố trí nước sát khuẩn; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tăng cường khử trùng phòng ốc, phương tiện di chuyển, tập huấn cho cán bộ, nhân viên. Các doanh nghiệp phải theo dõi chặt chẽ sức khỏe của khách trong suốt hành trình tại Việt Nam. Khi dịch bệnh lây lan nhanh tại Hàn Quốc, Nhật Bản, I-ta-li-a, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố đã họp đột xuất, yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện phải chủ động ứng phó với mọi tình huống; tuyên truyền, rà soát các khu chung cư có người ở các nước có dịch sinh sống để thực hiện biện pháp phòng, chống dịch.

Chính quyền các quận, huyện phối hợp lực lượng chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh đến toàn bộ các cơ sở lưu trú, cộng đồng người nước ngoài theo tiêu chí “gõ từng nhà, rà từng người”, nhất là đối với các du khách đến từ các nước có dịch. Với 741 cơ sở lưu trú, quận Hoàn Kiếm là địa bàn tập trung nhiều khách sạn nhất của Thủ đô. Số khách nước ngoài lưu trú thường xuyên trên địa bàn trong thời gian gần đây là khoảng 10.000 người/ngày. Trong hai ngày 24 và 25/2, lực lượng liên ngành đã rà soát, tuyên truyền phòng, chống dịch tại tất cả các cơ sở lưu trú có người nước ngoài trên địa bàn. Qua kiểm tra, các cơ sở đều thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Các khách sạn: Grand Citytel (số 13 phố Tông Đản), Sofitel Legend Metropole (số 15 phố Ngô Quyền), Apricot (136 phố Hàng Trống)… đã bố trí nước rửa tay sát khuẩn tại vị trí thuận lợi, dán các tờ hướng dẫn về phòng, chống dịch bằng nhiều thứ tiếng; tăng cường công tác vệ sinh; tập huấn công tác phòng, chống dịch cho các nhân viên. Buổi tối, lực lượng chức năng đến các quán bar, quán ka-ra-ô-kê để đôn đốc công tác phòng, chống dịch cho khách nói chung, khách quốc tế nói riêng. Từ ngày 24/2, quận Hoàn Kiếm chính thức dừng thí điểm kinh doanh đến 2 giờ sáng để phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết: “Thành phố triển khai khai báo nhập cảnh điện tử với khách quốc tế. Thông tin này được chia sẻ liên thông với các cơ quan liên quan. Lực lượng chức năng, trong đó có ngành du lịch nắm rõ số lượng khách của từng quốc gia, vùng lãnh thổ đến Hà Nội. Kết hợp với việc các doanh nghiệp kinh doanh du lịch theo dõi chặt chẽ diễn biến suốt hành trình, việc phòng, chống dịch cho khách được bảo đảm; nếu khách có biểu hiện mắc bệnh sẽ được phát hiện và kiểm soát kịp thời.

Những ngày qua, thành phố tập trung tuyên truyền phòng, chống dịch cho cộng đồng người nước ngoài hiện đang sinh sống trên địa bàn. Theo thống kê, các quận: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Ba Đình, Cầu Giấy... là những địa bàn có đông người Hàn Quốc, Nhật Bản sinh sống, lao động, học tập. Chính quyền các quận tích cực hỗ trợ cộng đồng người nước ngoài phòng, chống dịch bệnh trên tinh thần không kỳ thị, tôn trọng quyền cá nhân, bảo vệ sức khỏe của chính người nước ngoài. Trên địa bàn quận Thanh Xuân hiện có hơn 3.100 người nước ngoài sinh sống, trong đó nhiều nhất là người Hàn Quốc với hơn 1.400 người. Công an quận phối hợp UBND các phường giám sát người nước ngoài đang cư trú trên địa bàn, nhất là những người đến từ vùng có dịch. Đối với các trường hợp nhập cảnh tại Hàn Quốc về Việt Nam từ ngày 10/2 đến nay, các đơn vị xem xét các biểu hiện về dịch tễ và vấn đề liên quan để cách ly. Đến ngày 25/2, trên địa bàn quận Thanh Xuân chỉ còn bốn trường hợp cách ly y tế tại cộng đồng.

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết: “Quận sẽ tiếp tục tăng cường quản lý cư trú, cập nhật, nắm lộ trình di chuyển, sức khỏe những người đi về từ vùng có dịch, cũng như người có quốc tịch nước ngoài đến địa bàn quận từ vùng có dịch, nhằm giám sát nguồn lây bệnh. Khi phát hiện các trường hợp đến địa bàn quận từ vùng có dịch hoặc quá cảnh qua vùng có dịch trong vòng 14 ngày, cơ quan y tế quận thực hiện cách ly giám sát y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định”.

Sáng 27/2, có mặt tại phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm), địa bàn có khoảng 2.800 người nước ngoài đăng ký tạm trú, trong đó có gần 50 người Trung Quốc và hơn 2.200 người Hàn Quốc, chủ yếu sống tại chung cư Goldmark City, chúng tôi thấy công tác phòng, chống dịch được thực hiện nghiêm túc, bài bản từ tuyên truyền đến thực hiện các biện pháp hỗ trợ. Chủ tịch UBND phường Phú Diễn Nguyễn Ngọc Lương cho biết: “Hai đêm nay, các lực lượng chức năng của phường hầu như không nghỉ để lên các phương án phòng ngừa dịch trên địa bàn. Các đơn vị chức năng đã phối hợp tuyên truyền để 8 công dân Hàn Quốc nhập cảnh sau ngày 19/2 cách ly tại nhà. UBND phường làm việc với ban quản trị các tòa nhà để bố trí nhân lực cung ứng lương thực, thực phẩm bảo đảm đời sống cho các công dân này”.

Quận Cầu Giấy có gần 5.900 người nước ngoài, trong đó khoảng 400 người Trung Quốc và hơn 2.800 người Hàn Quốc. Hiện tất cả các phường chủ động, tích cực trong các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục tuyên truyền, thuyết phục, giúp một số công dân Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Xin-ga-po và các trường hợp đi từ vùng dịch về thực hiện các biện pháp cách ly, giám sát.

Quận Hà Đông cũng là địa bàn có nhiều người Hàn Quốc, Nhật Bản thuê nhà sinh sống. Tại chung cư The Pride, phường La Khê, công tác phòng, chống dịch được triển khai từ cuối tháng 1. Đại diện ban quản trị chung cư cho biết: Từ sau Tết Nguyên đán, ban quản trị chủ động liên hệ với Trạm Y tế phường phun thuốc khử khuẩn tại khu vực công cộng. Công tác tuyên truyền trên hệ thống loa nội bộ được đẩy mạnh. Ban quản trị khuyến cáo toàn bộ cư dân đeo khẩu trang, sử dụng nước rửa tay khô và hạn chế nói chuyện trong thang máy, khu vực công cộng. Hiện tại khu chung cư có một số người Hàn Quốc sinh sống, ban quản trị đã phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, từ năm 2018 đến nay, sở cấp phép cho khoảng 23 nghìn lao động người nước ngoài làm việc tại Hà Nội. Trong đó, lao động đến từ Hàn Quốc là gần 10.000 người, lao động Nhật Bản hơn 5.000 người, lao động Trung Quốc hơn 1.000 người. Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sở tiếp tục thống kê danh sách lao động nước ngoài đang làm việc trên địa bàn thành phố, nhất là những người đến từ quốc gia, vùng có dịch để làm cơ sở cho các ngành, địa phương hướng dẫn người lao động chủ động phòng, chống dịch; yêu cầu các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài đến từ vùng có dịch, rà soát, báo cáo những thông tin liên quan để sàng lọc, khoanh vùng những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh.

Những biện pháp đồng bộ, quyết liệt giúp Hà Nội đến thời điểm này vẫn giữ vững được hai mục tiêu. Đó là bảo đảm an toàn cho khách, an toàn cho cư dân thành phố, tạo môi trường cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư trên địa bàn Thủ đô diễn ra bình thường.

PVTT Hà Nội

Báo Nhân Dân