Kom Tum: Du lịch canh nông ở Kon Plông - hướng đi đã mở
Cập nhật: 31/01/2020
Cao nguyên Kon Tum - địa phương được thiên nhiên ban tặng nhiều vùng đồi núi với khí hậu phù hợp để phát triển du lịch, nhất là du lịch canh nông. Phát huy thế mạnh đó, trong những năm trở lại đây, nhiều chính sách phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã và đang chứng minh định hướng phát triển du lịch ở nhiều địa phương trong tỉnh Kon Tum đã đi đúng hướng.

"Đà Lạt thứ hai" ở Tây Nguyên

Huyện Kon Plông - được xem là "Đà Lạt thứ hai" ở Tây Nguyên, trong những năm trở lại đây, Kon Plông đã xác định được cho mình hướng đến du lịch sinh thái bền vững kết hợp với phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, từ khi được Chính phủ thống nhất đưa khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông) vào quy hoạch du lịch Việt Nam, nhiều chính sách “mở lối” cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực du lịch canh nông đã mang tính đột phá trong cơ cấu nền kinh tế của huyện Kon Plông.

Đến với Kon Plông, du khách không chỉ được đến với biệt danh “vùng đất 7 hồ 3 thác” tuyệt đẹp với thác Đăk Ke, Pa Sỹ, Lô Ba; hồ Toong Đam, Toong Zơri, Toong Pô mà còn được trực tiếp tham quan, trải nghiệp với các vườn cây, trái, rau hoa đầy hấp dẫn.

Du khách tham quan mô hình trồng dâu tây ở Khu du lịch sinh thái Măng Đen. Ảnh: Văn Phương

Chị Lê Thị Kim Loan, du khách từ thành phố Hồ Chí Minh rất thích thú với những cánh đồng rau, hoa xanh mướt ở Măng Đen (Kon Plông). Sau những ngày tháng mệt nhoài với công việc, được tận hưởng không khí trong lành, tĩnh lặng, cùng trải nghiệm với các vườn cây trái giữa rừng núi bao la khiến bao mệt mỏi tan biến. “Được thong thả dạo chơi dưới tán rừng thông xanh mát, rồi đi hái cam, cà chua, dây tây ở các nhà vườn… khiến bao mệt mỏi, áp lực công việc nơi cuộc sống ồn ào của tôi tan biến hẳn. Ấn tượng nhất với tôi chính là các vườn rau hoa, vườn cây ăn trái và khung cảnh tĩnh lặng nơi đây. Thật không dễ gì kiếm tìm được những giây phút thư thái, yên bình như ở Măng Đen này”, chị Loan chia sẻ.

Rời xa thủ đô Hà Nội đông đúc, chật hẹp của những ngày cuối năm, vợ chồng chị Lê Thị Thu Hương cũng chọn về với núi rừng, thiên nhiên xanh mướt và tĩnh lặng để cùng lưu giữ những kỷ niệm đáng nhớ sau 23 năm chung sống. Chị Hương chia sẻ: Hà Nội bây giờ bụi mù mịt, công việc không ngơi nghỉ được chút nào nên phải tranh thủ từng giờ một mới sắp xếp được chuyến đi chơi hôm nay. Đến với Măng Đen, được thảnh thơi thả hồn mình vào tiếng thông reo vi vu, hay thư thái dạo chơi trong các vườn cà chua, dưa leo khiến thời gian trôi qua một cách nhẹ nhàng, thư thái. Mình như được refresh lại đầu óc, xốc lại tinh thần để tiếp tục trở về với cuộc sống, công việc hàng ngày”

Tháo gỡ rào cản về chính sách

Khi đã xác định được hướng đi rõ ràng, huyện Kon Plông đã có tập trung đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến cuối năm 2019, huyện Kon Plông đã thành lập được một Khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 170ha; xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận một vùng nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, hoa, củ, quả, cá nước lạnh với diện tích 3.271ha; triển khai dồn đổi tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “Cánh đồng lớn” phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Huyện đã có một doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được công nhận; xây dựng được một Nhà máy chế biến Rượu Sim và nước giải khát dược liệu; hai cơ sở Vườn ươm cây giống tại Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen. Đồng thời hình thành 6 chuỗi liên kết: Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ gạo đỏ Măng Bút; Chuỗi liên kết trồng cây Ngô lấy thân làm thức ăn chăn nuôi gia súc; Chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ cây dược liệu Đảng Sâm, Đương Quy; Chuỗi liên kết nuôi và chế biến mật ong rừng; Chuỗi liên kết trong và tiêu thụ cà phê xứ lạnh; Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ quả Bí Nhật.

Khi những rào cản về chính sách được tháo gỡ, công tác thu hút dự án đầu tư vào huyện Kon Plông trở nên hấp dẫn. Đến năm 2019, huyện Kon Plông đã thu hút được 42 dự án của các tổ chức, doanh nghiệp; 14 dự án hộ gia đình và một dự án thu hút dân cư vào Vùng quy hoạch phát triển rau, hoa, củ quả xứ lạnh và các loại cây trồng khác với nguồn vốn đăng ký đầu tư khoảng 7,4 tỷ đồng.

Với sự đầu tư về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách mạnh mẽ đã thúc đẩy ngành du lịch của huyện Kon Plông khởi sắc. Trong năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến địa bàn hơn 160.000 lượt, đem lại nguồn doanh thu khoảng 34 tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng tại các điểm kinh doanh dịch vụ lưu trú khoảng 70%.

Tiếp tục thực hiện những bước đột phá trong phát triển du lịch canh nông, ông Đặng Thanh Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung làm tốt công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý khai thác, sử dụng các tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường, đặc biệt là gìn giữ và phát triển rừng thông hiện có.

Huyện tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và các hình thức du lịch nghỉ dưỡng; liên kết, phối hợp với các công ty lữ hành thiết lập các tour, tuyến và hướng dẫn các đoàn tham quan tại điểm du lịch trên địa bàn. Đồng thời tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm về du lịch, in ấn và phát hành các tập gấp, tờ rơi trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá và thu hút khách du lịch đến tham quan...

Hy vọng với những định hướng sẵn có cùng sự quyết tâm của chính quyền và nhân dân huyện Kon Plông, ngành du lịch ở nơi “7 hồ 3 thác” sẽ tiếp tục có những bước đột phá. Xứng đáng với kỳ vọng xây dựng Măng Đen - Kon Plông thành một trong 46 khu du lịch Quốc gia của cả nước.

Quang Thái

Báo Dân tộc Miền núi