Ngành du lịch các địa phương triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát dịch nCoV
Cập nhật: 02/02/2020
Trong những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã liên tục ban hành các văn bản và áp dụng nhiều biện pháp triển khai công tác phòng, chống, ngăn chặn và kiểm soát dịch viêm phổi cấp do chủng Coronavirus (nCoV). Trên cơ sở đó, nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là nơi có đông khách du lịch đều đã triển khai công tác phòng, chống và xây dựng các phương án phù hợp với từng cấp độ tại địa phương mình.

Kiểm tra thân nhiệt đối với hành khách ở sân bay Tân Sơn Nhất

Nhiều biện pháp ngăn chặn dịch

Liên quan đến dịch viêm phổi cấp do chủng Coronavirus (nCoV), ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Tp. HCM cho biết, Sở Du lịch đã ban hành công văn gửi các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế trên địa bàn Tp. HCM khuyến cáo về việc tổ chức các chương trình du lịch liên quan đến Trung Quốc trong bối cảnh tình hình bệnh viêm phổi cấp do chủng Coronavirus (nCoV) mới diễn biến phức tạp. Đồng thời, khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCov đến các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thành phố theo Công văn 76/TCDL-LH của TCDL.

Trước đó, ngày 30/01, Sở VHTTDL Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp triển khai công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus nCov. Ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở VHTTDL Bình Thuận cho biết, “chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh nCoV, đồng thời, có văn bản đề nghị Hiệp hội Du lịch tỉnh, các công ty du lịch hủy tour, gói du lịch, không tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có người dịch, có người mắc bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch đến Bình Thuận”. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp theo dõi chặt chẽ lịch trình, tình hình sức khỏe và khuyến nghị hạn chế di chuyển du khách Trung Quốc hiện đang ở Bình Thuận.


Cả ngành du lịch đang cùng chung tay để kiểm soát dịch và đảm bảo an toàn cho khách du lịch

Trong khi đó, tại Phú Quốc (Kiên Giang) đã có nhiều biện pháp ngăn chặn dịch. 100% khách đến từ những vùng ảnh hưởng dịch bệnh khi đến tỉnh Kiên Giang đều phải qua kiểm tra thân nhiệt. Tương tự, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã có công văn hỏa tốc gửi các sở, ngành, địa phương, khẩn trương xây dựng phương án đối phó với dịch bệnh.

Tại Hà Nội, Sở Du lịch cũng đã có Công văn số 56/SDL-QLCSLT đề nghị các doanh nghiệp lữ hành quốc tế trên địa bàn tạm dừng tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có dịch, có người nhiễm bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch. Đối với khách du lịch đang thực hiện chương trình du lịch tại Hà Nội, các công ty lữ hành trên địa bàn thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, theo dõi chặt chẽ lịch trình, tình hình sức khỏe, các khuyến nghị hạn chế di chuyển theo cơ quan y tế. Sở Du lịch Hà Nội cũng yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn chú trọng phòng, chống dịch liên quan đến khách du lịch; nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh cần chủ động phối hợp với các cơ sở y tế địa phương thực hiện cách ly theo đúng quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngày 29/01, Sở Du lịch Quảng Ninh đã có văn bản số 97/SDL-LH về việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Virus Corona. Đến ngày 01/2, Sở Du lịch ban hành tiếp văn bản số 116/SDL-CSLT về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona gửi tới các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh. Sở Du lịch Quảng Ninh yêu cầu các khách sạn không đón khách du lịch đến từ các vùng có dịch bệnh; tổ chức khu vực lưu trú riêng cho khách đến từ vùng có dịch đã lưu trú tại khách sạn và thông báo cho cơ quan y tế để phối hợp quản lý; tổ chức tuyên truyền, quán triệt hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh…


GenCasa Huế triển khai tặng miễn phí hơn 50.000 khẩu trang y tế (ảnh sdl.thuathienhue.gov.vn)

Ngoài việc yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh tuân thủ nghiêm quy định, khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ quan chức năng về việc đảm bảo phòng chống lây nhiễm virus nCoV, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã tổ chức cuộc vận động triển khai các biện pháp phòng chống dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đến các doanh nghiệp khách sạn và lữ hành trên địa bàn tỉnh. Hiện đã có nhiều khách sạn đã tổ chức đặt khẩu trang, nước sát khuẩn tại quầy lễ tân và khu vực công cộng phục vụ khách. Ngay trong sáng nay 02/02, Văn phòng Tổng Đại lý GenCasa Huế - Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Generali Việt Nam triển khai tặng miễn phí hơn 50.000 khẩu trang y tế cho tất cả mọi người có nhu cầu. Cùng với số khẩu trang y tế này, Hội Lữ hành và Hội Hướng dẫn viên phối hợp với Hiệp hội Du lịch đã vận động được trên 5000 khẩu trang y tế để chuyển đến sân bay Phú Bài và ga Huế phát miễn phí cho khách du lịch khi đến Thừa Thiên Huế kể từ ngày 3/02.

Ngày 01/02, UBND Tp. Đà Nẵng đã có Thông báo 07/TB-UBND về tình hình phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Corona (nCoV) trên địa bàn Thành phố. Trong đó, ngoài việc thông tin về tình hình dịch bệnh, UBND Tp. Đà Nẵng đã tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch bệnh và khuyến nghị các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có hành vi ứng xử văn minh, không phân biệt đối xử đối với khách du lịch (trên địa bàn Thành phố hiện có khách du lịch đến từ Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Malaysia… là những thị trường sử dụng ngôn ngữ tiếng Hoa).  

Sân bay – cảng tàu kiểm soát chặt chẽ

Hiện nay, các sân bay, nhà ga, cảng tàu cũng đã có các phương án để kiểm soát dịch. Ngoài việc ngừng các chuyến bay đi và đến các vùng có dịch bệnh theo Chỉ thị của Bộ GTVT, hầu như tất cả các sân bay đều đã lắp đặt máy đo thân nhiệt. Điển hình tại sân bay như Tân Sơn Nhất, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế luôn giám sát chặt chẽ và thực hiện tờ khai y tế đối với các hành khách đến từ vùng dịch. Trường hợp phát hiện hành khách có triệu chứng rõ rệt, chuyển ngay về bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để điều trị, xét nghiệm theo quy trình Bộ Y tế. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Tp.HCM cho biết, “tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đã triển khai nhiều máy đo thân nhiệt, tổ chức giám sát chặt chẽ thân nhiệt hành khách quốc tế nhập cảnh. Trung tâm đã yêu cầu Cảng vụ hàng hải, Biên phòng cửa khẩu Cảng, các Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn và các công ty, đại lý tàu biển tăng cường giám sát hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc, đặc biệt là từ Vũ Hán đến các cảng Tp. HCM”.


Khuyến cáo phòng chống dịch nCoV

Tương tự, tại cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) trung bình mỗi ngày có từ 200 – 300 lượt tàu thuyền ra vào các cảng cũng đã lên các phương án phòng chống dịch bệnh. Nhất là trong tình hình có hơn 15% các tàu đến từ Trung Quốc nên nguy cơ lây nhiễm bệnh từ hành khách, thủy thủ đoàn qua đường cảng biển là rất lớn. Ngành y tế địa phương đã yêu cầu đội ngũ nhân viên làm công tác kiểm dịch y tế biên giới phải nắm chắc tất cả số lượng thủy thủ, danh sách thuyền viên ngay khi tàu cập cảng, nhất là với những tàu, thuyền đến từ vùng dịch hoặc quá cảnh vùng dịch.

Phong Vân

Báo Du lịch