Kinh tế về đêm – “Mỏ vàng” của ngành Du lịch Việt Nam, Kỳ 3
Cập nhật: 11/12/2019
Kỳ 3: Cởi trói tư duy, xây dựng chiến lược và tạo sản phẩm đặc trưng
Theo các chuyên gia về kinh tế và du lịch nhìn nhận, kích thích phát triển kinh tế ban đêm là một chính sách rất tổng thể, đòi hỏi việc lên kế hoạch cẩn thận và sắp xếp toàn diện. Để thực thi được nền kinh tế đêm gắn với phát triển du lịch, cần phải có những quyết sách về hành lang pháp lý, về nguồn lực, về tư duy và sản phẩm đặc sắc.
 
Cởi trói tư duy
 
Những lợi ích về kinh tế - xã hội như tăng GDP, giải quyết việc làm, tăng sản phẩm cung ứng cho các dịch vụ du lịch... của kinh tế đêm ai cũng có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, để triển khai mô hình kinh tế đêm gắn với phát triển du lịch cần phải có những giải pháp chiến lược và chi tiết trong từng giai đoạn cụ thể. 
 
 
Du khách quốc tế trải nghiệm phố đêm ở Hà Nội
 
“Cần phải tạo điều kiện một cách toàn diện để phát triển kinh tế đêm gắn với phát triển du lịch. Trước hết, luật lệ, thể chế phải được mở ra để tạo điều kiện thu hút nhiều người tham gia, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Mấu chốt ở đây là cởi trói tư duy thì kinh tế ban đêm gắn với khai thác du lịch mới phát triển được”– đó là nhìn nhận của ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
 
“Hoạt động kinh tế về đêm rất cần thiết cho các thành phố, đáp ứng nhu cầu du lịch về đêm của cả khách du lịch trong nước và quốc tế. Đây là một lĩnh vực mới, sắp tới Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đánh giá để có chính sách hỗ trợ phù hợp”- ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết.
 
Bàn về vấn đề “hành lang pháp lý” cho nền kinh tế ban đêm, các chuyên gia đều cho rằng bên cạnh việc “cởi trói” về chính sách từ phía Chính phủ, các cơ quan chức năng cũng cần tạo thêm cơ chế, đặc thù riêng. PGS. TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch cho rằng, để quản lý được các hoạt động kinh tế ban đêm có nhiều cách, trong đó có cách quy hoạch thành một khu riêng như một số nước trên thế giới. “Tôi đã có đề xuất trong rất nhiều quy hoạch và ý tưởng phát triển, ngay kể cả Đà Nẵng về việc quy hoạch riêng khu kiểu như downtown để cung cấp dịch vụ về đêm gồm mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí... Đây sẽ là khu vực riêng để khách du lịch đến vui chơi về đêm. Điều này sẽ giúp thuận lợi hơn trong quản lý”, PGS. Phạm Trung Lương bày tỏ.
 
Chiến lược phù hợp
 
Với kinh nghiệm nhiều năm làm du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel cho rằng, nếu có thể xây dựng được chiến lược phù hợp, với sự phong phú và đa dạng hơn về các loại dịch vụ thì việc tăng chi tiêu của khách du lịch từ những hoạt động ban đêm là điều không khó. “Khách du lịch đi tour ban ngày có thể trả tiền tour 150 USD, thì ban đêm họ cũng có thể trả con số tương tự, hoặc hơn. Chúng ta phải thay đổi quan điểm, phải hướng tới nhu cầu của họ. Nếu không, chúng ta sẽ bị cái gọi là du lịch lòng máng, tức là vào rồi trượt đi luôn chứ không thẩm thấu vào nền kinh tế và người dân địa phương”. Chia sẻ về vấn đề này, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, kinh tế ban đêm là một nội dung cần có nghiên cứu sâu. Tuy nhiên, việc tạo điều kiện cho khách du lịch có cơ hội trải nghiệm dịch vụ ban đêm, chi trả nhiều hơn ngoài giá tour là việc rất đáng khuyến khích. TCDL đang nghiên cứu và sẽ có đề án chi tiết cho vấn đề này.
 
 
Để phục vụ cho du khách, Đại Nội Huế đã mở cửa ban đêm
 
Gần đây, các tỉnh/thành phố trọng điểm về du lịch đã và đang có kế hoạch phát triển phố chuyên doanh ẩm thực về đêm nhằm thu hút khách du lịch. Đó cũng là hướng để phát triển nền kinh tế đêm. Chợ đêm và phố đi bộ đang được xem là sản phẩm phù hợp với môi trường, địa phương và thói quen mua sắm của du khách. Tuy nhiên, một số nơi phát triển thiếu quy hoạch hợp lý nên chưa tạo được sức hút. Từ thực tế đó cần phải xác định khu vực, địa bàn, trên cơ sở xác định tuyến đường, từ đó tổ chức quy hoạch gắn với cơ chế, chính sách cho các hoạt động dịch vụ. Những chính sách này phải đi trước và công bố minh bạch để doanh nghiệp chủ động tham gia. Mặt khác, cần tăng cường công tác quản lý để tránh những biến tấu, tệ nạn phát sinh.
 
Vui chơi, giải trí về đêm là một nhu cầu có thực của khách du lịch và cần một cơ chế để hỗ trợ các ngành dịch vụ phát triển. Trong đó an ninh, an toàn là một trong những quan tâm được nhiều du khách nhắc đến khi tham gia hoạt động du lịch đêm. Do đó, muốn tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế về đêm trước hết cần bảo đảm an ninh trật tự cho kinh doanh dịch vụ ban đêm. Một môi trường an ninh tốt rất quan trọng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định, đặc biệt với kinh tế ban đêm. Việc đảm bảo để các hình thức này phát triển một cách an toàn và nghiêm túc chính là góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo văn hóa Việt Nam, tạo cơ sở xây dựng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách.
 
Xây dựng sản phẩm dựa trên yếu tố văn hóa bản địa
 
Đón một lượng khách inbound lớn, Vietrantour đang triển khai nhiều các sản phẩm tour lồng ghép hoạt động trải nghiệm từ cung giờ từ 9h đến 12h đêm, hoặc từ 3h đêm đến rạng sáng. Nổi bật có thể kể đến là trải nghiệm “Vespa Tour” ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh; dạo đêm trên xích lô xuyên qua những cây cầu Tràng Tiền, cầu Rồng, ngắm sông Hương, sông Hàn thơ mộng về đêm; ngồi thuyền tham quan chợ nổi buổi sớm… “Với những tour này sẽ có mức phí nhỉnh hơn so với tour truyền thống, nhưng tạo nên điểm nhấn và tính độc đáo cho các sản phẩm tour và nhận được đánh giá cao từ du khách” - bà Ngô Hoàng Anh, phụ trách truyền thông Vietrantour cho biết.
 
Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Đặng Đông Hà nhìn nhận, các hoạt động dịch vụ, kinh tế ban đêm đem lại nhiều lợi ích cho cả du khách và người dân địa phương. Cùng với các hoạt động dịch vụ ban ngày, không chỉ có du khách mà cả những người dân bình thường, đặc biệt trong các đô thị có không gian để vui chơi, giao lưu văn hóa, thưởng thức ẩm thực, mua sắm quà lưu niệm, tham gia các trò chơi dân gian… về đêm. Một ví dụ đang mang lại hiệu quả tích cực là Dự án “Sáng và sống” tại Huế, trong đó đã đưa vào hoạt động hệ thống chiếu sáng kỳ đài, phố đi bộ tại Huế. Đây là một sản phẩm du lịch gắn với kinh tế đêm đang rất hiệu quả của Vietravel khai thác. Ông Nguyễn Như Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Vietnam Travelmart cho rằng, các hoạt động du lịch đêm cho du khách rất cần thiết cho những thành phố đang phát triển mạnh về du lịch. Việc tăng cường du lịch vào ban đêm sẽ khuyến khích du khách ở lại Việt Nam lâu hơn, từ đó sẽ thúc đẩy tiêu dùng vào ban đêm. Rõ ràng, khi có thêm các hoạt động dịch vụ vào ban đêm sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng. Và từ đó sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào cơ sở vui chơi giải trí, mua sắm…, dẫn tới các đơn vị lữ hành sẽ có nhiều phương án kéo dài thời gian lưu trú cho du khách, các tour dài ngày hơn, du khách ở lại dài hơn sẽ chi tiêu nhiều hơn.
 
Theo chia sẻ của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), muốn phát triển kinh tế ban đêm, phải có cách làm đa dạng về dịch vụ và sản phẩm, đặc biệt là tạo điểm nhấn theo đặc trưng địa phương. Để thực hiện được điều này, trước hết phải có nghiên cứu để các dịch vụ, mặt hàng “đảm bảo tính địa phương tốt nhất” bởi chỗ nào cũng karaoke, cũng bar, chợ đêm, phố ẩm thực... thì sau một thời gian du khách sẽ chán.
 
 “Chúng ta kinh doanh du lịch, là sản phẩm tại chỗ nên phải tận dụng tối đa mọi nguồn lực và thời gian có thể khai thác. Để một khu chợ đêm tồn tại lâu dài thì ẩm thực mang đậm chất địa phương là mấu chốt. Bên cạnh đó còn phải có các mặt hàng lưu niệm phong phú nữa mới đủ sức níu chân du khách” – bà Ngô Hoàng Anh bày tỏ.
 
​Đoàn Hoa - Nguyễn Nam
Báo Du lịch