Cụm liên kết du lịch Đồng bằng sông Cửu Long: Định hình cách làm mới
Cập nhật: 11/12/2019
Để phát huy lợi thế, nét đặc trưng về du lịch của mỗi địa phương cũng như cả vùng, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã hình thành cụm liên kết phát triển, mang lại những chuyển biến và bứt phá mới. 

Với hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan đặc sắc, hấp dẫn được hình thành trên điều kiện tự nhiên về sinh thái, sông nước, đồi núi, biển đảo; cùng với đó là sở hữu nền văn hóa vùng miền độc đáo… ĐBSCL có rất nhiều dư địa để phát triển du lịch. Tuy nhiên, thực tế, tốc độ tăng trưởng khách du lịch đến với ĐBSCL vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, do các sản phẩm trong vùng chưa tạo được khác biệt, đi một tỉnh là biết cả vùng.

Khách du lịch đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng trưởng mạnh

Trăn trở trước thực trạng phát triển của du lịch, thời gian qua, các địa phương trong khu vực đã quyết tâm xây dựng và triển khai nhiều giải pháp để tìm hướng đi mới. Đặc biệt, các tỉnh đã chủ động bắt tay liên kết vùng, liên kết tỉnh để khai thác thế mạnh riêng có của nhau. Trong đó, việc hình thành cụm hợp tác, liên kết đã mang lại những hiệu quả nhất định. Chỉ sau một thời gian bắt tay hình thành Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây (Cụm), các tỉnh, thành phố gồm: Sóc Trăng, TP. Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang đã tập trung triển khai nhiều giải pháp mới, đồng bộ; tạo mối quan hệ chặt chẽ, hiệu quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước cũng như công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Mặt khác, chương trình hợp tác giữa các tỉnh, thành trong Cụm rất thiết thực, đi vào chiều sâu và phù hợp với tình hình phát triển du lịch của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, từng địa phương đã tranh thủ huy động mọi nguồn lực tập trung phát triển du lịch. Nhất là việc xây dựng quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng, liên kết hợp tác, định hướng xây dựng sản phẩm du lịch, xây dựng các khu, điểm du lịch tại địa phương; triển khai và củng cố xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi địa phương, phát huy tối đa các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển.

Nhờ đó, chỉ riêng 7 tháng năm 2019, tổng lượt khách du lịch đến các địa phương trong Cụm đạt khoảng 19,79 triệu lượt khách, tăng 9,1% so cùng kỳ năm 2018, chiếm 74,84% tổng lượt khách du lịch đến ĐBSCL. Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 781 nghìn lượt, tăng 21% so với cùng kỳ. Doanh thu đạt trên 13,553 tỷ đồng, tăng 27,9% so với cùng kỳ, chiếm 82,02% trong tổng doanh thu du lịch vùng ĐBSCL.

Bà Cao Xuân Thu Vân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, Cụm trưởng Cụm liên kết phát triển du lịch phía Tây - chia sẻ, quá trình hợp tác, liên kết các địa phương đã nỗ lực phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, lan tỏa được vẻ đẹp của từng địa phương tới thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, như: Các địa phương trong Cụm chủ yếu chú trọng đến quảng bá, xúc tiến, còn các hoạt động quản lý du lịch chưa tăng cường kết nối với nhau. Việc hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa có sự tham gia hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp địa phương…

Để phát huy hiệu quả liên kết, theo đề xuất từ Cụm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần hỗ trợ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư về du lịch tại vùng ĐBSCL cũng như các tỉnh trong Cụm liên kết; quan tâm đến công tác lập quy hoạch du lịch ĐBSCL trong tổng thể quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, chú trọng đến lập quy hoạch các khu du lịch quốc gia. Tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố thường xuyên tham gia hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Đối với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cần phát huy hơn nữa vai trò "cầu nối" liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh vùng nói chung và các tỉnh, thành phố nói riêng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển du lịch vùng ĐBSCL; đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để góp phần thúc đẩy du lịch của vùng ngày càng phát triển…

Hoa Quỳnh

congthuong.vn