Nét đột phá trong văn hóa cà phê tại Nhật bản, Hàn Quốc và Đài Loan
Cập nhật: 29/08/2019
Bên cạnh những mùa hoa lung linh, phong cảnh kỳ vĩ của thiên nhiên cùng nền ẩm thực đặc sắc, văn hóa cà phê tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan trở thành hiện tượng thu hút người yêu du lịch đến đây khám phá. Hãy cùng tìm hiểu nét đột phá đầy ấn tượng trong văn hóa cà phê của ba quốc gia này qua bài tổng hợp dưới đây.  

Nhật Bản – một trong những nền văn hóa cà phê hấp dẫn nhất thế giới

Nhật Bản là nơi có một trong những nền văn hóa cà phê thú vị nhất thế giới. Bạn có biết xứ sở hoa anh đào là một trong những nước nhập khẩu cà phê lớn nhất? Cà phê ban đầu được giới thiệu đến Nhật Bản thông qua các tàu giao dịch của Hà Lan vào những năm 1800. Và văn hóa cà phê bắt nguồn từ nhà cà phê truyền thống đầu tiên của Nhật Bản,tiếng địa phương gọi là Kissaten, xuất hiện năm 1888 mang tên Kachiichakan ở Tokyo. Thuở ban đầu Kissaten là môi trường gặp gỡ của những người thuộc giới nghệ sỹ sáng tạo như họa sỹ, nhà văn, nhà thơ… Dần dần cà phê được coi là một loại đồ uống thông thường hàng ngày của Nhật Bản kể từ đầu những năm 1900. Không giống như các mặt hàng nhập khẩu khác vốn phải trải qua giai đoạn tiếp cận thị trường chậm chạp, cà phê được chào đón nhanh chóng. Ngay sau đó là chuỗi quán cà phê đầu tiên trên thế giới, Paulista, được thành lập tại Tokyo và Osaka vào năm 1908. Trải qua thăng trầm của lịch sử, mãi đến năm 1960, cà phê Nhật Bản mới thực sự bùng nổ khi tiếp cận với văn hóa phương Tây. Bước đột phá đầu tiên đối với cà phê là vào năm 1965, khi Nhật Bản ra mắt sản phẩm cà phê đóng hộp đầu tiên có tên Mira Coffee. Năm 1973, máy bán đồ uống nóng và lạnh tự động được giới thiệu tại Nhật Bản và ngay lập tức trở thành một hiện tượng. Tiếp đến chuỗi cà phê Doutor mở cửa hàng đầu tiên vào năm 1980 và hình thành văn hóa cà phê tại Nhật Bản. Giữa những năm 1990, Starbucks bước vào thị trường của đất nước mặt trời mọc thu hút số lượng lớn khách hàng là người nước ngoài sinh sống và làm việc tại đây. Đối với người Nhật Bản, quán cà phê là không gian xã hội số một, thậm chí còn hơn cả quán bar hay quán bia. Ngày nay, những nhà cà phê truyền thống với cà phê pha bằng tay vẫn tồn tại song song bên cạnh quán cà phê hiện đại. Hãy tận hưởng sự giao thoa giữa nghệ thuật và truyền thống qua những ly cà phê được pha theo phương pháp siphon, chắc chắn đây sẽ là kỷ niệm du lịch Nhật Bản khó quên.

Hàn Quốc –văn hóa cà phê thầm lặng nhưng không kém phần đặc biệt

Nhắc đến Hàn Quốc là nhắc đến K-pop mê hoặc, ánh sáng rực rỡ từ khu Gangnam, và sự hoành tráng của tượng đài Samsung. Và ít ai biết đến văn hóa cà phê âm ỉ thầm lặng trong dòng chảy sôi động. Chuỗi cửa hàng cà phê đặc sản? Tăng trưởng theo cấp số nhân của quán cà phê? Số lượng tiêu thụ cà phê bao la? Hàn Quốc có tất cả những điều đó - và hơn thế nữa. Cà phê đã đi từng bước rất chậm để là một phần của văn hóa Hàn Quốc từ cuối thế kỷ 19, nhưng trong nhiều thập kỷ, nó vẫn là hình ảnh đại diện cho ảnh hưởng của phương Tây và sản phẩm chỉ dành cho giới thượng lưu. Nhờ sự hội nhập cùng phát triển công nghệ, cà phê ngày càng phổ biến đối với mọi tầng lớp và hình thành văn hóa cà phê đặc trưng của Hàn Quốc. Số lượng quán cà phê ở thủ đô Seoul hiện tại đã lên tới con số 18.000 – trở thành thành phố có số lượng quán cà phê bình quân đầu người cao nhất thế giới, vượt xa San Francisco tại Mỹ, tha hồ cho bạn khám phá khi du lịch Hàn Quốc. Tại Hàn Quốc, cà phê gắn liền với không gian và bầu không khí hơn là một thức uống, người dân dành thời gian nơi đây nhiều nhất có thể để học bài, gặp gỡ, ký hợp đồng, thảo luận... Vì lý do này, cà phê với thiết kế nội thất độc đáo rất phổ biến và thời gian mở cửa đến tận 11 giờ đêm. Bạn có biết người Hàn Quốc uống cà phê trung bình 12,3 lần mỗi tuần – thường xuyên hơn so với ăn kim chi?

Đài Loan – cà phê nổi tiếng không kém trà sữa

Đài Loan đã giành được danh tiếng toàn cầu cho trà sữa và các sản phẩm điện tử nhưng ít được biết đến về cà phê đang bùng nổ ở quốc đảo. Tại các thành phố của Đài Loan, quán cà phê xuất hiện ở khắp mọi nơi để bạn thoát khỏi những con đường đông đúc bên ngoài. Văn hóa cà phê của Đài Loan bắt nguồn từ quá khứ thuộc địa khi người Hà Lan xâm chiếm Đài Loan từ năm 1642 đến 1662, họ đã mang hạt cà phê đến Đài Loan và trồng cây cà phê. Khi người Nhật chiếm Đài Loan vào năm 1895, họ đánh giá khí hậu cận nhiệt đới vô cùng lý tưởng để trồng cà phê và quyết định lập đồn điền trên đồi Đài Loan để gửi cà phê bán trở lại ở Nhật Bản. Vào những năm 1990, với sự cất cánh kinh tế của Đài Loan và ra mắt các chuỗi cửa hàng cà phê, uống cà phê đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày bên cạnh trà là lựa chọn phổ biến của mọi người. Mặc dù khí hậu của Đài Loan phù hợp để trồng cà phê, do điều kiện không cho phép để sản xuất quy mô lớn, quốc đảo này chọn cách xây dựng và phát triển trang trại và khu nghỉ mát cà phê tập trung ở huyện Nam Đầu, chỉ phục vụ cà phê cho khách du lịch Đài Loan ở lại khu nghỉ mát. Song song bên cạnh đó là nhập khẩu phần lớn cà phê từ các quốc gia khác ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Hiện tại có khoảng 2.000 cửa hàng cà phê tại Đài Bắc, một nửa trong số đó là chuỗi cửa hàng như Starbucks, Dante, Barista, IS Coffee, Ikari và Mr Brown.

 

Công ty Du lịch TransViet

Địa chỉ: 170-172 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 6 Quận 3, TP. HCM

Điện thoại: (028) 7305 7939

Website: www.transviet.com.vn

 

Du lịch TransViet