Văn hóa Việt sẵn sàng "tỏa sáng" trong lòng nước Nga
Cập nhật: 21/05/2019
Những nét văn hóa đặc trưng nhất của nền văn hóa Việt đa dạng, giàu bản sắc đã sẵn sàng "tỏa sáng" trong lòng nước Nga trong khuôn khổ Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga.

Ngày văn hóa Việt Nam tại Nga sẽ diễn ra từ 21-28/5/2019

Trong các ngày từ 21-28/5/2019, Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga sẽ giới thiệu đến nhân dân Nga, cộng đồng người Việt tại Nga và bạn bè quốc tế những đặc trưng văn hóa Việt Nam. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Năm Việt Nam tại Nga, Năm Nga tại Việt Nam và chào mừng chuyến thăm Nga của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga sẽ diễn ra ở hai thành phố lớn của xứ sở Bạch Dương là Moscow và St.Petersburg. Với 03 chương trình nghệ thuật; 03 triển lãm; Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga hứa hẹn là cây cầu nối tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Nga đồng thời mở ra cơ hội tìm hiểu nhiều hơn nữa về văn hóa Việt Nam cho nhân dân Nga và bạn bè quốc tế.

Huyền bí những nền văn hóa cổ Việt Nam

Cùng với các hoạt động nghệ thuật, triển lãm các hiện vật văn hóa với chủ đề "Những nền văn hóa cổ Việt Nam" diễn ra tại Bảo tàng quốc gia Hermitage, St.Petersburg từ tháng 5 năm 2019 đến tháng 9 năm 2019. Triển lãm trưng bày khoảng 200 hiện vật, cổ vật, bảo vật quốc gia Việt Nam. Triển lãm do Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam phối hợp với Bảo tàng quốc gia Nga Hermitage tổ chức.

Giới thiệu nền văn hóa cổ Việt Nam trong khuôn khổ Ngày văn hóa Việt Nam tại Nga (ảnh minh họa)

Triển lãm giới thiệu đến công chúng một hình ảnh Việt Nam thống nhất đa sắc tộc, đa văn hóa ngày nay có nguồn gốc từ các nền văn hóa lâu đời trải dài khắc 3 miền Bắc - Trung - Nam với các khung niên đại khác nhau.

Với những hiện vật đặc trưng nhất của 3 trung tâm văn hóa nối tiếng của Việt Nam vào thời điểm trước, sau Công Nguyên, đó là: Đông Sơn ở miền Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và Đồng Nai - Óc Eo ở miền Nam.Đặc biệt, nhiều hiện vật còn thể hiện được mối giao lưu văn hóa giữa 3 trung tâm này: khuyên tai hai đầu thú của văn hóa Sa Huỳnh được tìm thấy tại Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh - địa bàn của văn hóa Đồng Nai.

Dựa vững chắc trên nền tảng của một xã hội nông nghiệp lúa nước, lại nằm trên con đường buôn bán quốc tế bằng đường biển, giai đoạn này quan hệ giao thương, buôn bán đã khá phát triển. Nhiều hiện vật có nguồn gốc hay kỹ thuật từ những nền văn minh lớn: Trung Hoa, Ấn Độ, Ba Tư, Ả Rập đã xuất hiện tương đối phổ biến ở giai đoạn này: Ví dụ đồ thủy tinh, kỹ thuật khắc axit trên đá quý, gốm văn in, đồ thiếc...

Các đỉnh cao văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo chính là cơ sở để hình thành những nhà nước cổ đại đầu tiên trên đất Việt Nam.

Phần trưng bày văn hóa Đông Sơn giới thiệu đến nhân dân hai nước Việt, Nga tập trung chủ yếu vào một số loại hình di vật tiêu biểu thuộc giai đoạn Đông Sơn điển hình. Bộ sưu tập, hiện vật được triển lãm gồm: Vũ khí: rìu, giáo, lao, dao găm, búa, mũi tên, hộ tâm, qua, đinh ba; Nông cụ: rìu, lưỡi cày, cuốc, nhíp; Đồ dùng sinh hoạt: thạp, thố, muôi, thìa, đèn...; Nhạc khí: chuông đồng, trống đồng, sưu tập trống đồng minh khí; Đồ gốm: nồi, bình, thạp, chõ...; Đồ trang sức: vòng tay bằng đá, đồng, hạt chuỗi; Rìu có họng tra cán hình đuôi cá (đặc trưng Làng Vạc), lẫy nỏ...; Muôi đồng, muôi cán có tượng voi; Mộ táng: Mộ thuyền...

Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, những tài liệu tại phần triển lãm góp phần quan trọng phản ánh sức sống Đông Sơn trong những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc đồng thời khẳng định văn hóa Đông Sơn là cội nguồn, là nền tảng vững chắc của sức sống văn hóa Việt Nam. Triển lãm cũng làm rõ, cho đến những thế kỷ đầu Công nguyên, văn hóa Đông Sơn vẫn được bảo tồn, phát triển, bên cạnh việc tiếp thu những yếu tố văn hóa mới từ những tinh hoa của nền văn hóa Trung Hoa.

Sau văn hóa Đông Sơn ở khu vực miền Bắc, dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh là bản sắc đậm nét của khẳng định sự lâu đời của nền văn hóa Việt khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

Xuất hiện cách nay khoảng 3.000 năm và kết thúc vào khoảng thế kỷ thứ I văn hóa Sa Huỳnh kéo dài từ thời hậu kỳ đồ đá mới đến đầu thời đại đồ sắt trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Bình đến các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Trong khuôn khổ triển lãm "Những nền văn hóa cổ", phần trưng bày văn hóa Sa Huỳnh tập trung giới thiệu một số chum mai táng - đặc trưng và dấu hiệu nhận biết của văn hóa Sa Huỳnh, đồ gốm, đặc biệt là sưu tập đồ trang sức bằng đá quý, mã não được tìm thấy trong các ngôi mộ.

Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga sẽ giới thiệu đến nhân dân hai nước những đặc trưng văn hóa của Việt Nam

Nhắc đến nền văn hóa Việt Nam đa dạng, không thể không kể đến đặc trưng của văn hóa Óc Eo. Nền văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa cổ trên châu thổ sông Cửu Long từ thế kỷ I đến thế kỷ VII. Trong các di tích còn thu thập một khối lượng lớn cổ vật mang đặc trưng phát triển các ngành nghề sản xuất thủ công nghiệp như: nghề làm gốm, luyện đồng, luyện sắt, luyện thiếc và nghề kim hoàn với nghệ thuật khắc mịn trên đá, ngọc rất tinh tế; nghệ thuật tạc tượng cũng khá tinh xảo. Ngoài ra còn có số lượng lớn các loại hạt chuỗi, vật đeo bằng đá quý, thủy tinh, mã não, vàng, thiếc.... minh chứng cho nền văn hóa Óc Eo cũng sẽ được giới thiệu tại Triển lãm.

Khám phá sơn mài- di sản văn hóa Việt

Sơn mài là một trong các chất liệu hội họa độc đáo của Việt Nam. Đây là kết quả tìm tòi sáng tạo của các sinh viên trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương từ những năm 1930 của thế kỷ 20. Đó là bước ngoặt phát triển kỹ thuật nghề sơn ta thủ công truyền thống của Việt Nam thành chất liệu sáng tác của nghệ thuật hội họa tranh sơn mài.

Đầu thập niên 1930, những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi phát hiện thêm các vật liệu khác như vỏ trứng, vỏ ốc, cật tre... và đặc biệt đưa việc mài tranh với nước tạo nên kỹ thuật làm tranh độc đáo để sáng tác những tác phẩm hội họa sơn mài. Nghệ thuật tranh sơn mài còn đặc biệt trong cách vẽ nhiều lớp, tranh có thể được vẽ rồi mài với nước nhiều lần tới khi đạt hiệu quả mà họa sĩ mong muốn. Kỹ thuật vẽ đặc biệt này có tính ngẫu hứng mang lại hiệu quả bất ngờ sau mỗi lần mài tranh.

Nhân dân Nga háo hức khám phá, thưởng thức văn hóa Việt tại Nga

Các thế hệ họa sĩ Việt Nam nối tiếp nhau vẫn luôn luôn tìm cách khai thác các thế mạnh của loại chất liệu, từ nội dung cho đến cách biểu hiện. Đi tiên phong trong việc áp dụng kỹ thuật sơn cổ truyền với các sắc đen, đỏ, vàng, bạc... để tạo nên các tác phẩm hội họa hiện đại là họa sĩ họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Phạm Hậu, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Phan Kế An…

Sự hấp dẫn của chất liệu độc đáo, vừa bền lại vừa có vẻ đẹp sang trọng, lộng lẫy vàng son này đã thu hút các thế hệ họa sĩ Việt Nam nghiên cứu tìm tòi, khai thác mọi khả năng biểu hiện của chất liệu sơn cổ truyền để áp dụng vào trong nghệ thuật tạo hình hiện đại, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam. Bên cạnh những mảng đề tài truyền thống các họa sĩ trẻ còn mạnh dạn đưa ngôn ngữ tạo hình đương đại trên chất liệu sơn mài truyền thống tạo nên hiệu quả thú vị.

Triển lãm tranh sơn mài Việt Nam trong khuôn khổ Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga nhân dịp Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam trưng bày 30 tác phẩm nhằm giới thiệu về giá trị thẩm mỹ đặc biệt của tranh sơn mài Việt Nam. Đó là những tác phẩm tranh sơn mài có vẻ đẹp kỳ diệu ẩn sâu dưới lớp sơn, vừa sang trọng, vừa lộng lẫy, và rất đằm thắm, tinh tế như tâm hồn người Việt.

Các tác phẩm sơn mài trong Triển lãm sẽ giúp người xem thêm hiểu về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, đó là tình yêu lao động, yêu thiên nhiên, ý chí vươn lên, tinh thần lạc quan.

Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga đang đến gần, những "tinh hoa" văn hóa Việt đã sẵn sàng để tỏa sáng, giới thiệu đến với nhân dân Nga, cộng đồng người Việt tại Nga về thông điệp hãy đến với Việt Nam, đất nước của những giá trị văn hóa ngàn năm văn hiến, có truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, đất nước của lòng nhân hậu và mến khách, yêu chuộng hòa bình, đất nước với nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc./.

bvhttdl.gov.vn