Điều tra hiện trạng du lịch homestay tại khu vực Tây Bắc
Cập nhật: 04/12/2018
(TITC) - Với những lợi thế, tiềm năng vốn có và những kết quả đã đạt được của du lịch vùng Tây Bắc, việc phát triển loại hình du lịch homestay đã và đang là hướng đi đúng hiện nay. Để định hướng phát triển mô hình du lịch này một cách bền vững, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) đã tiến hành điều tra hiện trạng phát triển du lịch homestay tại khu vực Tây Bắc, để từ đó đề xuất chính sách nhằm hỗ trợ cộng đồng trong việc phát triển loại hình du lịch này.

Thăm mô hình homestay tại bản Hua Tạt (Mộc Châu - Sơn La) - Ảnh: Thanh Tâm

Từ những năm giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX, ở vùng Tây Bắc đã sớm hình thành  loại hình du lịch homestay, tiêu biểu là của người Thái ở bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình); đến năm 2000 xuất hiện thêm mô hình du lịch homestay của người Tày ở bản Dền, xã Bản Hồ (Sapa, Lào Cai)… Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay các mô hình du lịch homestay ở vùng Tây Bắc đã được xây dựng thành công ở một số bản của người Thái, Tày, Dao, Mông tại Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái… Nhiều điểm du lịch homestay trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước như: bản Tả Van, Tả Phìn, Cát Cát (Sapa, Lào Cai), bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình), bản Áng (Mộc Châu, Sơn La), bản Thái Mù Cang Chải (Yên Bái)… thu hút hàng vạn du khách mỗi năm, chiếm giữ vị trí quan trọng trong chương trình xóa đói, giảm nghèo, tạo nguồn sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Tuy nhiên, việc định hướng phát triển du lịch nói chung và mô hình du lịch homestay nói riêng theo hướng bền vững đang trở thành cơ hội và cũng là thách thức đối với cả nước, trong đó có vùng Tây Bắc. Hiện nay, nhiều địa phương trong vùng đang phát triển mô hình du lịch homestay một cách tự phát, không có quy hoạch, không theo tiêu chuẩn, điều này dẫn đến chất lượng dịch vụ bị hạn chế, không còn sức hút đối với khách du lịch.

Việc thực hiện điều tra hiện trạng du lịch homestay được triển khai tại 6 tỉnh Tây Bắc gồm: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái, trong giai đoạn từ 2011-2017.

Kết quả điều tra gồm các nội dung chính như: đánh giá hiện trạng phát triển du lịch homestay về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch homestay, hoạt động kinh doanh, hiện trạng về sản phẩm du lịch, khách du lịch và công tác xúc tiến quảng bá… Trên cơ sở đó, nhóm nghiêm cứu đề xuất một số định hướng và giải pháp phát triển du lịch homestay tại khu vực Tây Bắc phục vụ chính sách hỗ trợ sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch.

Tham dự buổi hội thảo lấy ý kiến do Viện NCPT du lịch tổ chức, các đại biểu cho rằng, để phát triển du lịch homestay bền vững đòi hỏi các địa phương cần chú trọng giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, cần có quy hoạch cụ thể để không làm phá vỡ các giá trị văn hóa bản địa; xây dựng sản phẩm mang tính đặc thù, phù hợp với điều kiện của từng địa phương trong vùng; quan tâm tới việc chia sẻ lợi ích cộng đồng. Bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương và khách du lịch về việc bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa tại các điểm du lịch homestay; kết hợp với công tác quảng bá, xúc tiến để tối ưu hóa cơ sở vật chất, hạ tầng đã đầu tư cho mô hình du lịch này.

Thanh Tâm