Bảo tàng Hà Nội tiếp nhận gần 1.000 hiện vật quý
Cập nhật: 18/09/2018
Bảo tàng Hà Nội vừa tổ chức Lễ phát động và tiếp nhận hiện vật do các tổ chức, cá nhân hiến tặng. Đáng chú ý, trong một thời gian ngắn Bảo tàng Hà Nội đã vận động, tiếp nhận đưa về bảo tàng gần 1.000 hiện vật trong tổng số 1.065 hiện vật còn thiếu so với thiết kế và đề cương kịch bản trưng bày.

Sở VHTT Hà Nội trao bằng khen, kỷ niệm chương cho các cá nhân, tổ chức đã hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội

Hành trình từ trái tim đến trái tim của những người Hà Nội yêu di sản

Bảo tàng Hà Nội được đầu tư xây dựng với tổng số vốn hơn 2.300 tỉ đồng gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1: Xây dựng tòa nhà, khuôn viên Bảo tàng Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2010. Giai đoạn 2: Bao gồm phần nội dung kịch bản thuyết minh, giải pháp trưng bày; thiết kế và thi công… Bắt đầu từ tháng 8.2017, UBND thành phố Hà Nội đã chính thức giao Bảo tàng Hà Nội làm chủ đầu tư giai đoạn 2 của dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội. Trong năm 2018, trên cơ sở Đề cương tổng quát và phân bổ không gian; Đề cương trưng bày chi tiết và Kịch bản thuyết minh nội dung, giải pháp trưng bày điều chỉnh đã được phê duyệt, Bảo tàng Hà Nội đã triển khai kế hoạch tuyên truyền vận động hiến tặng tài liệu, hiện vật rộng khắp tới các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng tổ chức các nhóm làm việc chủ động khảo sát, thu thập và tiếp nhận sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân tâm huyết, trách nhiệm với bảo tàng và di sản Thủ đô. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác sưu tầm để kịp thời phục vụ cho thiết kế chi tiết trưng bày thường xuyên và thi công trong năm 2019.

Điều đáng mừng là tính từ đầu năm đến tháng 8.2018, Bảo tàng Hà Nội đã vận động, tiếp nhận đưa về bảo tàng gần 1.000 hiện vật trong tổng số 1.065 hiện vật còn thiếu so với thiết kế và đề cương kịch bản trưng bày. Nhóm hiện vật sưu tầm được đợt này chủ yếu là những hiện vật liên quan đến văn hóa tín ngưỡng, cuộc sống của người Hà Nội đầu thế kỷ XX, hiện vật thời kỳ kháng chiến và thời kỳ bao cấp. Các hiện vật về làng nghề, phố nghề cũng được tập trung triển khai sưu tầm, đặc biệt là những nghề truyền thống của Thăng Long - Hà Nội xưa. Toàn bộ những hiện vật, tư liệu mà Bảo tàng Hà Nội tiếp nhận được trong đợt này có giá trị văn hóa, tinh thần, minh chứng cho sự phát triển của Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử.

Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội khẳng định: “Hành trình những hiện vật này đến với Bảo tàng Hà Nội là hành trình từ trái tim đến trái tim của những người yêu di sản văn hóa của thủ đô. Xác định Bảo tàng Hà Nội là ngôi nhà chung của di sản văn hóa thủ đô, Bảo tàng sẽ nỗ lực để kết nối các hiện vật, tư liệu với nhau, kết nối những ký ức thành những câu chuyện có giá trị…”. Thực tế, mỗi hiện vật, tài liệu quý đều gắn với những kỷ niệm, ký ức thân thương của mỗi người dân, mỗi con người, thậm chí là của một dòng họ. Việc hiến tặng các hiện vật quý này cho Bảo tàng Hà Nội là một nghĩa cử đẹp nhằm xây dựng ngôi nhà chung của di sản. Bên cạnh sự đóng góp của người dân thủ đô, trong thời gian qua Bảo tàng Hà Nội cũng đã nỗ lực “gõ cửa” nhiều địa chỉ đỏ như Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, Thư viện Hà Nội, Viện Khảo cổ VN và tìm đến nhiều nước trên thế giới để tìm kiếm, gom về các hiện vật quý nhằm đẩy nhanh tiến độ trưng bày dự án Bảo tàng Hà Nội.

Những hiện vật biết nói

Ông Đặng Minh Vệ, Trưởng phòng Trưng bày – tuyên truyền của Bảo tàng Hà Nội cho biết: “Trong quá trình sưu tầm hiện vật, chúng tôi chứng kiến nhiều câu chuyện thú vị và ý nghĩa chất chứa sau những hiện vật”. Đó có thể là bộ sưu tập đồ ăn trầu của bà Nguyễn Thị Hiền ở phố Hàng Bồ Hà Nội. Sinh năm 1920, bà Hiền sinh sống ở Hàng Bồ từ năm 1942 và từ thủa đó bộ đồ ăn trầu đã gắn bó với cuộc sống của bà ở thủ đô. Phố phường nhiều đổi thay, cuộc sống và tuổi tác của bà cũng thay đổi theo năm tháng nhưng bộ ăn trầu vẫn gắn bó với bà như hình với bóng. Hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội, đồ ăn trầu của bà Hiền được kết nối với các vật dụng liên quan đến tục ăn trầu của ông Nguyễn Văn Tiêm ở huyện Thường Tín và các hiện vật nồi đồng điếu của ông Nguyễn Huy Giang ở huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc thành bộ sưu tập hiện vật liên quan đến tục ăn trầu độc đáo của người Việt nói chung và của thủ đô Hà Nội nói riêng.

Hành trình những hiện vật này đến với Bảo tàng Hà Nội là hành trình từ trái tim đến trái tim của những người yêu di sản văn hóa của thủ đô. Xác định Bảo tàng Hà Nội là ngôi nhà chung của di sản văn hóa thủ đô, Bảo tàng sẽ nỗ lực để kết nối các hiện vật, tư liệu với nhau, kết nối những ký ức thành những câu chuyện có giá trị…(Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội).

Những phố nghề, làng nghề… của Hà Nội xưa cũng ùa về Bảo tàng Hà Nội qua những hiện vật, tài liệu mà người dân hiến tặng đợt này. Ông Phạm Văn Nên, thợ chụp ảnh lâu năm ở làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức Hà Nội hiến tặng Bảo tàng Hà Nội bộ ảnh tư liệu của gia đình khi làm nghề chụp ảnh. Ông Nguyễn Danh Tú, một thợ làm bạc lâu năm ở phố Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội tặng Bảo tàng một bộ dụng cụ làm bạc đầy đủ được sử dụng từ trước khi ông tham gia HTX và sau khi HTX giải thể. Đó là bộ dụng cụ đầy đủ từ bàn thợ đến các kìm, đục, khò, kéo… đã được gìn giữ từ hàng chục năm nay. Những cổ vật, những sản phẩm tiêu biểu của làng gốm Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm Hà Nội cũng hội tụ về với Bảo tàng Hà Nội dịp này qua nhóm hiện vật mà ông Hà Văn Lâm, Trưởng ban quản lý làng nghề gốm Bát Tràng vận động người dân, các xưởng gốm hiến tặng hay những sản phẩm Bát Tràng cổ của ông Nguyễn Văn Mạnh ở làng Bát Tràng hiến tặng; những sản phẩm gốm của cố nghệ nhân Lê Văn Cam tạo tác do ông Lê Văn Thụ tặng lại Bảo tàng Hà Nội…

Nhiều hiện vật, tài liệu quý được các người dân hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội đợt này thực sự là những kỷ vật vô giá của chính họ và gia đình họ. Đó là những hiện vật thuộc nhóm hiện vật theo chủ đề gia đình trong thời kỳ bao cấp ở Hà Nội. Gia đình cụ Trương Ất, thôn Tảo Khê, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa Hà Nội là một gia đình có truyền thống cách mạng, yêu nước. Đây là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng giai đoạn tiền khởi nghĩa đã từng nuôi giấu các đồng chí Đỗ Mười, Hoàng Quốc Việt… GS.TS Trương Quốc Bình là con trai của cụ Ất tặng Bảo tàng Hà Nội chiếc đài Vec 206, một đồ dùng quý giá của gia đình được mua theo tiêu chuẩn phân phối thời bao cấp. Từ những năm 1960, Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng là một trong những đơn vị sản xuất nổi tiếng của cả nước. Những máy móc sản xuất, những sản phẩm của nhà máy đã trải qua nhiều thay đổi, ngày càng tân tiến, hiện đại hơn nhưng những máy móc, sản phẩm thời kỳ đầu của Công ty này vẫn được gìn giữ làm truyền thống giáo dục các thế hệ cán bộ công nhân suốt nhiều thập kỷ qua. Hưởng ứng cuộc vận động của Bảo tàng Hà Nội, Công ty đã hiến tặng nhiều tư liệu, hiện vật quý giá này cho “ngôi nhà chung của di sản thủ đô”.

Bài, ảnh: Phúc Nghệ

baovanhoa.vn