Bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc Chăm
Cập nhật: 09/08/2018
Ngày 8/8, tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc Chăm tỉnh Ninh Thuận”, nhằm ghi nhận giá trị của di sản trong đời sống cộng đồng Chăm. Đồng thời, đưa ra các giải pháp định hướng cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc Chăm trong tương lai.

Các nghệ nhân dân tộc Chăm biểu diễn nhạc cụ Chăm tại Hội thảo.

Ninh Thuận hiện có hơn 82 nghìn người Chăm sinh sống, tập trung ở 35 thôn, khu phố thuộc 13 xã, thị trấn. Đồng bào Chăm nơi đây sở hữu một nền âm nhạc cổ truyền đặc sắc, nhất là âm nhạc nghi lễ gắn liền các lễ hội, phong tục của cộng đồng. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp căn cơ bảo tồn và phát huy thì di sản âm nhạc dân tộc Chăm dễ bị mai một.

Nghệ nhân Ưu tú, Thạc sĩ Đàng Quang Dũng, Hội Văn học các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi đã hoạt động hơn 40 năm trong nghề ca, múa, nhạc Chăm nên cũng nhiều trăn trở. Giờ đây, chúng ta phải tổ chức đào tạo lại cho thế hệ trẻ đam mê âm nhạc Chăm tất cả các nhạc cụ dân tộc Chăm thì mới mong công tác bảo tồn được tốt. Hiện tại, các nghệ nhân biểu diễn nhạc cụ cũng như múa các vũ điệu Chăm trên sân khấu chuyên nghiệp đều đã lớn tuổi. Trong khi đó, thế hệ kế thừa nghệ sĩ chuyên nghiệp là con em người Chăm rất ít. Vì vậy, rất khó bảo tồn âm nhạc Chăm nếu không có giải pháp căn cơ”.

Tại Hội thảo, các chủ đề: những giá trị di sản văn hóa Chăm; thực trạng tồn tại và vị trí của âm nhạc cổ truyền trong đời sống người Chăm; tình hình bảo tồn các di sản âm nhạc Chăm hiện nay tại Ninh Thuận được thảo luận sôi nổi.

Theo PGS, TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, việc bảo tồn âm nhạc Chăm tỉnh Ninh Thuận đến nay vẫn được duy trì, tuy nhiên vẫn còn hạn chế nhất định. Hội thảo lần này, các nhà khoa học đã chứng minh rằng, âm nhạc Chăm có giá trị vô vùng độc đáo, nét đặc sắc mang tính dân tộc, tính truyền thống và tính xã hội cao, rất cần được bảo tồn, lưu giữ, phát triển trong xu thế hội nhập.

Còn Nghệ sĩ Ưu tú, nhạc sĩ AMư Nhân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, muốn công tác bảo tồn và phát huy di sản đạt kết quả, cần in thành tập các bài nhạc có nốt và lời thường được biểu diễn trong lễ hội Chăm; các bài nhạc dân gian như dân ca và nhiều bài nhạc yêu thích có song ngữ Chăm – Việt để truyền tải sâu rộng trong cộng đồng Chăm tỉnh Ninh Thuận cũng như tại các tỉnh khác để thu hút thế hệ trẻ yêu nhạc cổ truyền dân tộc nói chung và âm nhạc Chăm nói riêng có điều kiện tiếp cận, tập luyện, giao lưu… thì mới nâng cao hiệu quả.

“Là nghệ sĩ sáng tác, tôi kiến nghị Viện Âm nhạc và Hội nhạc sĩ Việt Nam sớm thực hiện điều này. Tôi thấy viết một ca khúc mà chỉ dừng lại ở chỗ chỉ có lời mà không có nốt nhạc, thì ca khúc đó ít có giá trị và rất dễ mai một”, nhạc sĩ AMư Nhân bày tỏ quan điểm.

Một vũ điệu biểu diễn trong các lễ hội Chăm cùng hòa âm nhạc cụ dân tộc Chăm tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu âm nhạc cũng được thưởng thức các loại hình diễn xướng nghi lễ, hòa tấu nhạc cụ, dân ca do các nghệ nhân dân gian Chăm trình diễn: nghi lễ thỉnh mời Po Hanim Par và Po Tang Hó; kéo đàn Kanhi hát lễ trong các lễ hội truyền thống của người Chăm.

Với những luận điểm khoa học của các nhà nghiên cứu và những chia sẻ từ thực tiễn công tác của các nhà quản lý văn hóa địa phương; các đại biểu cùng nhận định, với sự độc đáo của âm nhạc Chăm, tuy việc bảo tồn và phát huy sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với mục tiêu giữ gìn và phát huy nét độc đáo của nền văn hóa cổ truyền dân tộc.

Hội thảo góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức, sự trân trọng và ý thức tham gia gìn giữ, phát triển di sản âm nhạc cổ truyền của cộng đồng người Chăm trong tương lai.

Bài, ảnh: Nguyễn Trung

nhandan.com.vn