Lễ hội đình làng Trà Cổ hấp dẫn du khách gần xa
Cập nhật: 16/07/2018
Đình Trà Cổ thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh từ lâu vẫn được coi như cột mốc văn hóa nơi biên ải. Đến hẹn lại lên, vào ngày 1/6 âm lịch hàng năm, người dân miền biển nơi địa đầu Đông Bắc lại nô nức trẩy hội đình Trà Cổ.  

Nằm giữa làng, ngôi đình gần 600 năm tuổi mang đậm phong cách kiến trúc Việt như cột mốc khẳng định chủ quyền văn hóa, sừng sững nơi biên cương của Tổ quốc. Một ngôi đình cổ kính, trầm mặc ‘trơ gan cùng tuế nguyệt” từng là cảm hứng để Nhạc sĩ Nguyễn Cường viết nên ca khúc nổi tiếng “Mái đình làng biển”.

Đình Trà Cổ được xây dựng từ thời Hậu Lê, thờ 6 vị Thành Hoàng đã có công lập nên xã Trà Cổ xưa. Đình được dựng theo kiểu chữ câu, mái lợp ngói vẩy, 4 góc đao cong vút, mái đình hướng ra biển Đông như truyền thống đình làng người Việt. Bên cạnh những giá trị đặc sắc về nghệ thuật, Đình Trà Cổ còn lưu giữ được những hiện vật quý giá và 12 sắc phong của các triều vua thời Nguyễn phong cho các vị thần thờ tại đình…

“Ngày xưa 12 ông đắm thuyền bị dạt vào đây. 6 ông khi về Đồ Sơn (Hải Phòng) có nói rằng: “Ở đây ăn bổng lộc gì/Lộc sung thì chát lộc si thì già”. 6 ông ở lại đã động viên nhau bằng câu nói: “Ở đây vui thú non tiên/Rạng ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau”” (nghĩa là hàng ngày là mang lưới, chài ra cắm cá). Với chất giọng chân chất, đặc trưng của người dân vùng biển, cụ bà Đoàn Thị Cư, 87 tuổi kể về những vị tiên công lập ra làng Trà Cổ xưa kia bằng những câu thơ quen thuộc như vậy.

Ngày nay, người Trà Cổ vẫn còn lưu truyền câu ca “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn” để nhớ về gốc gác của mình… Và dù mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng khi tiếng trống hội đình làng Trà Cổ vang lên, những bậc cao niên lại cùng con cháu đến đình làng thắp nén nhang tri ân những bậc tiền nhân.

Ngay từ 30/5 âm lịch, đình làng Trà Cổ đã rộn ràng với hội thi ông voi. Đó là cuộc thi giữa 12 chú lợn được 12 ông đám chăm sóc và nuôi nấng như vật linh mà mọi người vẫn gọi một cách thành kính là “ông voi”. Cai đám phải là những người trung tuổi, khoẻ mạnh, biết làm ăn, có đạo đức và lối sống lành mạnh, gia đình thuận hoà, không vướng tang ma.

Sau lễ tế gia tiên, các cai đám sẽ dùng cũi sơn đỏ có mái che nắng rước “ông voi” ra xếp thành hai hàng trước sân đình để chầu thần. Sau lễ tế cáo yết thần, Ban Tổ chức lễ hội sẽ chấm chọn “ông” nào thân dài nhất, vòng cổ to nhất, đẹp nhất sẽ đoạt giải và được mổ tế thần.

Vừa hoàn thành nhiệm vụ trong năm qua, ông đám Nguyễn Tuấn Tài, người đoạt giải Nhất hội thi ông voi năm 2018 với trọng lượng kỷ lục 188kg cho biết, chế độ ăn uống của ông voi là ăn ngon, thực phẩm sạch, không ăn thừa. Khi được nhận giải thấy rất vinh dự bởi công sức đã được đền đáp làm vẻ vang cho làng, cho nước.

Ở hội đình làng Trà Cổ, đám rước đi từ đình ra miếu Đôi, làm lễ cáo yết thành hoàng rồi quay trở lại đình. Dọc hai bên đường đám rước đi qua, các gia đình bày các mâm quả, sản vật biển như tôm, cua... thắp hương thành kính để tỏ lòng biết ơn trời đất, thần linh và tổ tiên năm qua đã phù hộ cho mạnh khoẻ, cuộc sống ấm no, đi khơi đánh bắt được nhiều tôm cá. Các nghi lễ tế thần được tiếp diễn trong các ngày hội còn lại. Trong những ngày hội thường có một số trò chơi được tổ chức như cướp cờ, kéo co, đi cà kheo, hội thi nấu ăn và nhiều trò chơi dân gian khác.

Ông Nguyễn Đình Cư người dân thành phố Móng Cái và bà Đinh Thị Phượng, du khách đến từ Hải Phòng cảm nhận, lễ hội là truyền thống từ đời xa xưa để lại, nên đời này phải tiếp tục duy trì  và mọi người dân phải có Tâm mới gìn giữ và phát triển di sản văn hóa này.

“Lễ hội năm nay đông vui nhưng trật tự. Các ông voi được nuôi to, đẹp, sạch sẽ hơn năm ngoái. Năm nay cũng có nhiều đoàn và du khách nước ngoài đến đây quay phim, chụp ảnh”, ông Cư cho biết.

Lễ hội đình Trà Cổ diễn ra từ ngày 29/5 – 3/6 âm lịch. Ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch UBND phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái cho biết, cùng với mũi Sa Vĩ, bãi biển Trà Cổ, chùa Nam Thọ, mũi Ngọc…, đình Trà Cổ đã trở thành thành điểm đến hấp dẫn của hàng nghìn du khách gần xa. “Chính quyền địa phương cùng với thành phố sẽ bảo tồn, phát huy giá trị của di tích đồng thời duy tu, tôn tạo để nơi đây trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn vùng biên ải của Tổ quốc”, ông Phương khẳng định.

Đến với lễ hội đình Trà Cổ, thăm mái đình làng biển, mỗi người như được sống lại không gian trong các lễ hội truyền thống với những phong tục độc đáo đặc trưng cho nền văn minh lúa nước sông Hồng.

Về với vùng đất biên cương cực Ðông Bắc này, du khách gần xa  kính cẩn thắp một nén nhang thơm dưới mái đình làng biển. Sự vươn lên mạnh mẽ của vùng đất và con người Trà Cổ cùng với những giá trị văn hóa không thể phủ nhận là minh chứng rõ ràng nhất về sự trường tồn và lớn mạnh của đất nước./.

 

VOV