Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 10: Thúc đẩy du lịch bền vững và toàn diện trong thời đại số tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cập nhật: 04/06/2018
(TCDL) - Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 10 (TTM10) đã diễn ra tại thủ đô Port Moresby, Papua New Guinea từ ngày 01-02/6/2018 với sự điều hành của Ngài Emil Tammur, Nghị sĩ, Bộ trưởng Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Papua New Guinea. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng, các quan chức du lịch cao cấp từ 17 nền kinh tế APEC. Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị do Đồng chí Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch dẫn đầu theo sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bộ trưởng Du lịch, trưởng đoàn các nền kinh tế APEC tham dự họp báo

Trước bối cảnh chuyển đổi số, các nhà lãnh đạo du lịch APEC thống nhất đánh giá: Sự chuyển đổi của công nghệ đã thay đổi đáng kể năng suất và hiệu quả của công việc và hoạt động kinh doanh trong khu vực. Nền kinh tế số, trong đó có dữ liệu lớn,đang cách mạng hóa các quy trình kinh doanh, đặc biệt trong ngành du lịch. Dữ liệu lớn tạo cơ hội cho ngành du lịch tiếp cận với thông tin cần thiết kịp thời để theo kịp nhu cầu của du khách và xu hướng mới trong ngành du lịch. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang ở giai đoạn bản lề, khi mà sức mạnh của công nghệ số đã mang lại nhiều cơ hội tuyệt vời, tạo cơ hội chuyển đổi cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như “nền kinh tế chia sẻ” và đi lại không giới hạn. Do đó, Hội nghị khuyến khích các nền kinh tế APEC chia sẻ các bài học điển hình về hiện đại hóa chính sách du lịch và các phương pháp điều tiết sẽ kích thích tăng trưởng thông qua việc tận dụng đổi mới và công nghệ; khuyến khích các nền kinh tế phát triển các chính sách bao trùm mà có xem xét đến các tiến bộ công nghệ trong ngành du lịch.

Hội nghị thống nhất cho rằng du lịch có tác động đáng kể trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế của khu vực và ủng hộ, khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh du lịch, doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ tiếp cận với tài chính để kinh doanh, sáng tạo và tạo việc làm. Hội nghị cũng nhất trí đánh giá du lịch có tiềm năng lớn trong mở rộng và tạo cơ hội trong chuỗi cung ứng cho phụ nữ, thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ và tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ được trao quyền để đóng góp cho các hoạt động kinh tế trong ngành du lịch. Theo số liệu của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới năm 2017, đóng góp trực tiếp của ngành du lịch và lữ hành vào GDP là 3,8%; du lịch tạo ra khoảng 2,9 triệu việc làm trong khu vực; thu hút hơn 8 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư.

Trong khi nhấn mạnh yếu tố công nghệ như nhân tố kích thích tăng trưởng du lịch trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các nhà lãnh đạo du lịch APEC vẫn cho rằng cần duy trì, đảm bảo du lịch phát triển bền vững. Hội nghị hoan nghênh ”Hướng dẫn của APEC cho Nhà cung cấp Dịch vụ” với hy vọng các nguyên tắc tự nguyện này sẽ thực thi vai trò như thước đo chuẩn cho các nhà cung cấp dịch vụ. Các hướng dẫn này được xây dựng dựa trên tính bền vững, tính toàn diện, sự tôn trọng, trách nhiệm, sự cởi mở, sáng tạo và quan hệ đối tác. Các nguyên tắc hướng dẫn sẽ góp phần phát triển các cơ chế hợp tác và phối hợp được cải thiện nhằm tối ưu hóa lợi ích của du lịch cho tất cả mọi người. Đồng thời, các nhà lãnh đạo du lịch APEC tái khẳng định sẽ nỗ lực phối hợp để hiện thực hóa mục tiêu đón 800 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến các nền kinh tế APEC vào năm 2025.

Tham gia thảo luận tại Hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam đã thông báo về những kết quả du lịch nổi bật của Ngành Du lịch trong năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018; các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16/01/2017, Luật du lịch 2017 được Quốc hội thông qua tháng 6/2017 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai Luật; điều chỉnh Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050; tiếp tục triển khai các  chính sách tạo thuận lợi đi lại cho du khách như miễn visa, cấp thị thực điện tử; xem xét cơ cấu lại ngành du lịch, áp dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến du lịch, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Việt Nam cam kết thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương với các nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế trong đó có Diễn đàn APEC; đồng thời hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ tích cực từ các nền kinh tế APEC trong tiến trình hội nhập.    

Tuyên bố của các Bộ trưởng Du lịch APEC về "Thúc đẩy du lịch bền vững và toàn diện trong thời đại số tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương”.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Toàn cảnh Hội nghị

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu tại Hội nghị

Trưởng đoàn các nền kinh tế APEC chụp ảnh lưu niệm

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu trao đổi quà tặng với Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Papua New Guinea

Thực hiện: Vụ Hợp tác quốc tế