“Tinh hoa Bắc Bộ” thêm sức hút cho du lịch Thủ đô
Cập nhật: 25/05/2018
Khi các tour du lịch quen thuộc tìm hiểu các di tích, danh thắng vùng nội thành đang dần quá tải. Nhiều sản phẩm du lịch độc đáo ở ngoại ô đã trở thành lựa chọn mới cho du khách, góp phần nâng tầm du lịch Hà Nội.

"Tinh hoa Bắc Bộ" là vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam và là sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo của Hà Nội.

Dấu ấn mới cho du lịch Hà Nội

Khi vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” đưa vào khai thác sử dụng ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai( Hà Nội) vào tháng 11/2017, nhiều người làm du lịch hoan hỉ bởi nó góp phần đưa diện mạo du lịch Thủ đô thêm sức sống mới. Với tiềm năng du lịch còn chưa khai thác hết cùng bề dày văn hoá xứ Đoài, việc Công ty Cổ phần Tuần Châu thực hiện vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” với mức kinh phí lên đến hàng chục triệu đô la Mỹ được xem là sự “nhìn xa trông rộng” và cũng là cách làm mang tính tiên phong cho loại hình sân khấu thực cảnh tại Việt Nam.

Theo đạo diễn Hoàng Nhật Nam, người thực hiện dàn dựng vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ”, ở nhiều quốc gia du lịch phát triển, việc thực hiện những vở diễn thực cảnh không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh văn hoá, khoe nét đẹp của địa phương mà nó còn là sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn để thu hút du khách xa gần. Ngay trong khu vực Châu Á, rất nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… từ nhiều năm nay đã thực hiện những vở diễn thực cảnh lớn với sự tham gia của nhiều đạo diễn tên tuổi lớn như Trương Nghệ Mưu, Phùng Tiểu Cương… để hấp dẫn khách du lịch. Đó được xem là một trong những cách làm nghệ thuật kết hợp du lịch khéo léo, khôn ngoan.

Ngay khi ra mắt, vở diễn thu hút nhiều người xem bởi sự lộng lẫy của sân khấu

Tại Việt Nam, “Tinh hoa Bắc Bộ” được xem là vở thực cảnh đầu tiên, mở ra nhiều hướng đi mới cho phát triển du lịch của Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung. Vì là tiên phong nên vở diễn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả giới làm nghệ thuật lẫn những đơn vị khai thác du lịch.

Ngay khi ra mắt, “Tinh hoa Bắc Bộ” khiến nhiều người xem, trong đó có cả người dân đang sinh sống tại Thủ đô lẫn du khách từ phương xa đến Hà Nội đều ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy, hoành tráng của “nhà hát ngoài trời” được xây dựng trên diện tích 1,75ha với đầy đủ các hạng mục như: Khán đài 2500 chỗ ngồi, phần “cánh gà” là những rặng tre, trúc được trồng bao quanh. Điều đặc biệt của “nhà hát” thiên nhiên này là sân khấu nước có diện tích 4.300m2 có thể di chuyển được theo từng màn diễn. Khán giả hoàn toàn được thả hồn với thiên nhiên để cảm nhận rõ mùi đồng quê đậm đặc của hương đồng gió nội, tiếng côn trùng rả rích. Hơn hết, điều mà vở diễn khiến nhiều người thích thú là những tinh hoa văn hoá đậm nét của đồng bằng Bắc Bộ được “bày biện” tinh tế trong “bữa tiệc” văn hoá hoành tráng và sự hồn hậu của gần 200 diễn viên mà phần lớn là những người nông dân đang sống ở chùa Thầy.

Cảnh diễn trên sân khấu nước rộng 4.300m2

Chị Nguyễn Thị Hà (37 tuổi), một  nông dân xã Sài Sơn tham gia vở diễn cho biết, bên cạnh  du khách trong nước, lượng khách nước ngoài đến xem vở diễn cũng ngày một nhiều lên. Những tràng vỗ tay và nụ cười thân thiện của họ đã trở thành sự cổ vũ, động lực cho chị cùng các diễn viên ngày một tự tin để lan tỏa văn hóa cộng đồng.

Trao đổi với HNMO, chị Lê Thị Thuỷ, đại diện công ty du lịch AtravelMate nhận định, nhiều hãng lữ hành đã coi vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" như một giải pháp giúp họ giải tỏa băn khoăn khi lựa chọn "buổi tối xem gì" cho khách du lịch ở Hà Nội. Với không gian đậm chất đồng quê, cùng những nét văn hoá đặc trưng của mảnh đất Tràng An kết hợp với văn hoá xứ Đoài đã khiến nhiều du khách thêm hài lòng và yêu Hà Nội hơn.

Nâng tầm văn hoá Việt vào sản phẩm du lịch

Cùng với Quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được TP Hà Nội thông qua năm 2012, ngày 26/6/2016, TP Hà Nội ban hành thêm Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo". Nghị quyết đề ra bảy nhiệm vụ trọng tâm gồm: Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với thương hiệu Thủ đô, đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, xây dựng những chính sách hỗ trợ du lịch... Nghị quyết đã tạo xung lực mới trong hoạt động du lịch, thể hiện cụ thể là các ban, ngành, đơn vị trên địa bàn đã tích cực xây dựng, đổi mới các sản phẩm du lịch thể hiện đặc thù của địa phương.

Thực tế, Hà Nội giàu tiềm năng du lịch, nhưng lâu nay, sản phẩm du lịch vẫn chỉ quẩn quanh với các tour tham quan một số di tích, địa chỉ văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn vẫn chưa xứng tầm. Khắc phục nhược điểm này, Sở Du lịch Hà Nội tích cực phối hợp các cơ quan, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xây dựng, đổi mới các sản phẩm du lịch mang thương hiệu văn hóa của Thủ đô. Vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" là một thí dụ điển hình.

Nhiều diễn viên tham gia là những  nông dân đang sinh sống tại xã Sài Sơn, Quốc Oai.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam, những sản phẩm văn hoá thể hiện được hồn cốt của dân tộc, đặc trưng của địa phương thường chạm được tới trái tim của người xem. Vở thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” sở dĩ không chỉ được giới làm nghệ thuật ngợi khen về tính thẩm mỹ mà còn được nhiều đơn vị du lịch “chấm điểm” cao khi tư vấn cho du khách, là bởi sản phẩm này đã khoe được nét đẹp tinh tế của người Hà Nội trên một tổng thể sân khấu hoành tráng cả về phần nhìn lẫn phần nghe. 

Làm thế nào đưa được nét đặc trưng văn hoá truyền thống vào sản phẩm nghệ thuật để hấp dẫn khách du lịch, đó là bài toán không dễ với những nhà đầu tư. Thực tế, đã có không ít sản phẩm văn hoá truyền thống của Hà Nội nỗ lực duy trì nhiều năm nay nhưng vẫn rơi vào cảnh “ế ẩm”. Chia sẻ về vấn đề này, đạo diễn Hoàng Nhật Nam cho biết, anh đã phải trăn trở rất nhiều trước câu hỏi: “Nên khai thác chất liệu gì trong kho tàng tinh hoa Bắc bộ rộng lớn?” Cuối cùng, anh nhận thấy rằng, làm văn hoá và du lịch hiệu quả là cần phải gắn với cộng đồng dân sinh. Anh quyết định chọn hình ảnh thiền sư Từ Đạo Hạnh - một  vị trong Tứ bất tử của tín ngưỡng Việt Nam và cũng là “ông tổ” của nghề rối nước ở xứ Đoài để làm tâm điểm xuyên suốt vở, để từ đó phát triển thành 6 phần nội dung: “Thi ca”, “Cõi Phật”, “Hoài cổ”, “Nhạc họa”, “An vui” và “Ngày hội”. Ở mỗi trường đoạn là những hình ảnh đẹp được chắt lọc trong di sản văn hoá Hà Nội như múa rối nước, hát chầu văn, hình ảnh sĩ tử lều chõng đi thi, tố nữ trong tranh… và không thể thiếu cảnh lao động bình dị của người nông dân xứ Đoài.

Hiện nay vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” duy trì trung bình 3 buổi diễn/tuần, mỗi suất diễn đón trung bình 300 – 400 khách, vào những ngày cuối tuần con số này còn cao hơn. Có thể là vội vàng khi nói đến sự thành công về doanh thu của vở diễn, nhưng với nhiều nhận định tốt về chất lượng của vở, giới làm du lịch tin tưởng rằng, đây là sản phẩm nghệ thuật, du lịch độc đáo, tương xứng với bề dày văn hoá và tiềm năng của du lịch Hà Nội.

Hoàng Lân

hanoimoi.com.vn