Quy hoạch Tượng đài Quốc tổ Hùng Vương
Cập nhật: 09/05/2018
Cần thống nhất hình tượng về Quốc tổ Hùng Vương, chỉ một số địa phương được xây dựng tượng đài Quốc tổ…

Đó là những ý kiến chủ đạo của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý tại Hội thảo Nhiệm vụ, mục tiêu, tiêu chí quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035 do Bộ VHTTDL tổ chức sáng 8/5 tại Hà Nội.

Cần nhận diện được Vua Hùng

Theo báo cáo của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) hiện tại, chưa có công trình tượng đài Hùng Vương được xây dựng ở trong nước. Tuy nhiên, tại một số địa phương, có xây dựng tượng Vua Hùng tại các đền thờ và một số không gian văn hóa công cộng. Điểm chung của các tượng này đều do tư nhân tự làm, chưa có sự thẩm định của các cơ quan chuyên môn, chân dung chưa thể hiện được sự uy nghi, kiên định, tinh thần và vị thế của Vua Hùng.

Hội thảo về quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương

Trên thực tế, theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, Vua Hùng là một biểu tượng được tôn sùng. Nhưng ngay cả đối với những người làm sử cũng còn phải đặt ra câu hỏi Vua Hùng là ai?. Là một biểu tượng của nhân dân Việt Nam và việc tôn sùng là cần thiết. Nhưng, hình tượng hóa Vua Hùng như thế nào thì theo ông Dương Trung Quốc, cần phải có sự chuẩn bị kỹ.

“Theo tôi nghĩ, cần xây dựng được hệ thống đền thờ để duy trì được Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương, phát huy du lịch. Nhưng làm tượng đài phải hết sức cẩn trọng. Nhu cầu của nhân dân có, nhưng những nhu cầu đó được cụ thể hóa như thế nào thì lại là chuyện khác. Đây là một thách thức không hề nhỏ”- Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định.

Đồng quan điểm này, GS Phạm Mai Hùng, Hội Khoa học Lịch sử học Việt Nam cho biết: “Cho đến thời điểm này chúng ta chưa có đầy đủ tư liệu về nhân chủng học nhận diện Hùng Vương như thế nào. Dù nhiều địa phương muốn xây dựng tượng đài Hùng Vương".

GS Phạm Mai Hùng cũng băn khoăn vì trong lịch sử không có nhận diện về Vua Hùng. Vì vậy, việc làmtượng Vua Hùng cần được quản lý. “Nếu không quản lý được thì sẽ có rất nhiều ông Vua Hùng mà không biết ông nào là chính, ông nào là Quốc tổ, ông nào đời thứ bao nhiêu…”- GS Phạm Mai Hùng nhận định.

Đề án Quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương sẽ được hoàn thiện trong quý IV/2018

Quy định các tỉnh được xây dựng tượng Vua Hùng

Ngoài việc quan trọng nhất là nhận diện được Vua Hùng thì việc quy định tỉnh xây dựng tượng đài Vua Hùng được nhiều đại biểu quan tâm.

Theo Bộ VHTTDL, đề án Quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035 nhằm mục tiêu kiểm soát số lượng, chất lượng các công trình tượng đài Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035. Xác định vị trí, địa điểm xây dựng tượng đài đảm bảo tiêu chí về nội dung và địa điểm xây dựng. Đề án quy định 4 tiêu chí gồm: Tiêu chí nội dung; Tiêu chí địa phương, địa điểm xây dựng; Tiêu chí nghệ thuật; Tiêu chí kỹ thuật. Trong đó, tiêu chí địa phương, địa điểm được quan tâm nhất, yêu cầu địa phương, địa điểm đáp ứng 1 trong các tiêu chí: Đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ); địa phương có vị trí địa lý đặc biệt, tiêu biểu, thể hiện ý chí đại đoàn kết toàn dân tộc; địa phương có dấu ấn lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Theo ông Nguyễn Đắc Thủy- Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ, các tiêu chí này cần rõ ràng hơn. Bởi trong dấu ấn lịch sử dựng và giữ nước của Việt Nam, hầu như địa phương nào cũng có dấu ấn lịch sử giữ nước.

Tuy nhiên, theo nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, nên chăng chỉ có 1 tượng đài Hùng Vương ở Đất Tổ để có sự hành hương, chiêm bái. Nếu không thì quy hoạch tượng đài Hùng Vương theo tính vùng, miền. Mỗi vùng, miền có 1 tượng đài đại diện.

Các mẫu tượng Hùng Vương hiện vẫn chưa thống nhất 

Theo ông Phạm Nam Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thì mục đích xây dựng tượng đài khác với mục đích xây dựng khu tưởng niệm về một sự kiện lịch sử hay thờ cúng tín ngưỡng Hùng Vương. “Mục đích của một tượng đài Hùng Vương là để tuyên truyền, thông báo, giáo dục, tôn vinh về sự kiện ra đời của nhà nước/dân tộc Việt Nam, góp phần và mang lại ý nghĩa cho các sự kiện hình thành lịch sử dân tộc, gợi nhớ về nguồn gốc từ đó định hình cho tương lai”- ông Thanh cho biết.

Vì vậy, theo ý kiến ông Thanh, cần xác định tượng đài Hùng Vương chỉ là tượng đài tưởng niệm danh nhân (cá nhân hình tượng vua Hùng) hay gợi nhắc sự kiện lịch sử. Mỗi loại tượng đài có cách ứng xử khác nhau. Nếu coi Hùng Vương là Nhân vật Quốc tổ thì tượng đài lại có ý nghĩa khác với việc ghi nhận lại những sự kiện văn hóa, sự kiện dựng nước, giữ nước thời kỳ Hùng Vương - Văn Lang.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mối liên hệ giữa tượng đài và địa phương xây dựng tượng đài Hùng Vương cần được đặt trong bối cảnh xã hội và cảnh quan cụ thể, đồng thời liên quan đến các di tích, công trình xung quanh. Tượng đài Hùng Vương khi được xây dựng ở địa phương đó là phần thêm vào lịch sử, thể hiện sức sống liên tục của cộng đồng và địa phương. Các tượng đài cần được xác nhận sự liên quan với quá khứ cộng đồng và địa phương nên cần xem xét những tác động của tượng đài đến cuộc sống của người dân và sự kiện phát triển địa phương trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cho rằng, quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương là vấn đề lớn của ngành, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đây là vấn đề lớn, vừa thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, vừa phải phù hợp với hiện đại vì tác động đến cảnh quan, môi trường. Bởi vậy, Bộ VHTTDL mong muốn tập trung trí tuệ của các nhà khoa học ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực để có tầm nhìn dài hơi trong quy hoạch. Những ý kiến tại Hội thảo giúp Ban soạn thảo có cơ sở để chấp bút hoàn thiện quy hoạch. 

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại hội thảo ngày 8/5 tại Hà Nội và ngày 10/5 tại TP Hồ Chí Minh, Ban soạn thảo Đề án của Bộ VHTTDL sẽ xây dựng đề án, làm việc với các nhà khoa học để hoàn thiện. Dự kiến đề án Quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương sẽ được Bộ VHTTDL trình Chính phủ trong quý IV năm 2018./.

toquoc.vn