Bộ GTVT đồng ý nâng cấp, mở rộng sân bay Phú Bài
Cập nhật: 26/03/2018
Việc đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài là yếu tố để Thừa Thiên – Huế tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, mở thêm đường bay, kết nối dịch vụ - du lịch… trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.  

Ngày 23/3/2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã có Kết luận số 143/TB-BGTVT về buổi làm với với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế về một số dự án, công trình giao thông trên địa bàn. Trong đó phải kể đến việc đồng tình đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (CHKQTPB) trong thời gian tới.

Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên - Huế).

Trong kết luận, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đồng tình với ý kiến đề xuất của tỉnh Thừa Thiên – Huế về tầm quan trọng và sự cần thiết đầu tư mở rộng CHKQTPB nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay cũng như tương lại.

Bộ GTVT cũng phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư năm 2018 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), trong đó có dự án “Xây dựng nhà ga hành khách T1, các hạng mục kết cấu hạ tầng đồng bộ và sân đỗ máy bay” của CHKQTPB. Đối với các hạng mục công trình khởi công trong năm 2018, Bộ GTVT đề nghị Thừa Thiên - Huế quan tâm phối hợp để việc triển khai thực hiện các hạng mục công trình của dự án được hoàn thành theo đúng tiến độ.

Kết luận nhấn mạnh, về lâu dài để CHKQTPB phát huy tốt hiệu quả, công tác đầu tư cần đồng bộ, thống nhất, yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với ACV. Mặt khác, thông qua căn cứ quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, CHKQTPB cần nghiên cứu bổ sung đường cất hạ cánh số 2, hệ thống đường lăn để kết nối với hệ thống sân đỗ và đường cất hạ cánh số 1 hiện tại với mục tiêu đảm bảo đáp ứng được yêu cầu hoạt động khai thác bình thường của Cảng hàng không khi triển khai nâng cấp, sửa chữa đường cất hạ cánh số 1;

Cần rà soát lại phạm vi mở rộng đường cất hạ cánh số 2 nhằm đảm bảo hoạt động của hai đường cất hạ cánh; kiểm tra lại phạm vi cần thiết để đáp ứng được việc triển khai kéo dài đường cất hạ cánh số 2 bao gồm cả vùng đệm đảo bảo khoảng không lưu an toàn; quy hoạch định hướng, định hình quy mô thiết kế nhà ga hành khách đảo bảo đồng bộ và mỹ quan; định hướng phát triển hệ thống sân đỗ, đường lăn, quản lý tĩnh không…

Tham mưu các cơ chế, chính sách để Bộ GTVT báo cáo Chính phủ cho phép ACV có thể sử dụng trước nguồn vốn hiện có của doanh nghiệp để đầu tư một số hạng mục công trình của khu bay tại Cảng hàng không, sân bay, trong đó có các hạng mục công trình tại CHKQTPB. Tăng cường quản lý hệ thống cọc mốc đã được cắm theo quy hoạch.

Khách du lịch đến Huế thông qua Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.

Theo số liệu Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên - Huế cung cấp, CHKQTPB hiện tại được thiết kế với công suất 1,5 triệu hành khách/năm, tuy nhiên đến năm 2017 thì lượng khách thông qua cảng đã đạt 1,75 triệu hành khách, vượt mức độ thiết kế.

Dự báo với mức tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 13 - 17% thì đến năm 2020 lượng hành khách qua cảng sẽ đạt 3 - 3,5 triệu và đến năm 2025 sẽ đạt 6,5 - 7 triệu hành khách/năm. Vì vậy việc đầu tư mở rộng CHKQTPB là điều cần thiết phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong thời gian tới.

Ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên Huế cho biết, đây là một hướng mới, tạo thuận lợi rất lớn cho tỉnh Thừa Thiên - Huế không chỉ trong vấn đề đi lại của nhân dân mà nó còn phục vụ đắc lực cho việc phát triển, kết nối dịch vụ - du lịch trong nước và quốc tế. Việc đầu tư, kết nối từ đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy một cách thuận lợi, an toàn sẽ thu hút nhiều du khách đến với Cố đô Huế hơn.

Lê Chung

 

toquoc.vn
Từ khóa:
sân bay Phú Bài,