Ngày xuân về thăm đền Cờn – ngôi đền linh thiêng xứ Nghệ
Cập nhật: 19/03/2018
(TITC) - “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Mã, tứ Chiêu Trưng” là câu nói nhằm tôn vinh 4 di tích lịch sử nổi tiếng của xứ Nghệ, trong đó có đền Cờn– ngôi đền linh thiêng thuộc thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Nằm ở vị trí cận biển, liền sông, sát núi với phong cảnh hữu tình, hàng năm, đền Cờn thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương về tham quan, chiêm bái, cầu phúc, cầu may.  

Du khách thắp hương tại đền Cờn Trong

Di tích đền Cờn gồm hai đền là đền Cờn Trong và đền Cờn Ngoài. Theo một số tài liệu lịch sử, năm Thiệu Bảo thứ nhất (1279), do quân Tống thất bại trong trận chiến Tống - Nguyên, Vua Tống Đế Bính cùng quan quân đã nhảy xuống biển tự vẫn. Từ Hy Thái hậu Dương Nguyệt Quả cùng 2 công chúa Triệu Nguyệt Khiêu, Triệu Nguyệt Hương và bà nhũ mẫu cũng tự vẫn trên biển. Thi thể họ trôi dạt vào cửa Càn (Nghệ An). Dân làng thấy thi thể những phụ nữ vẫn giữ nét mặt hồng tươi, xiêm y quý tộc, đặc biệt tỏa ra mùi thơm như lan như quế nên lấy làm kỳ lạ, bèn chôn cất và lập miếu thờ. Từ đó về sau, dân làng mỗi khi ra khơi đều đến đây cầu khẩn và thấy linh nghiệm.

Nơi đây còn gắn liền với sự nghiệp bình Chiêm của hai bậc minh quân là Vua Trần Anh Tông (năm 1311) và Lê Thánh Tông (năm 1470) khi đều được sự phù hộ, linh báo của các vị thần đền Cờn. Sau khi thắng giặc trở về, đã cho xây dựng mở rộng đền.

Đền Cờn Trong

Đền Cờn Trong nằm trên gò Diệc, bên bờ sông Mai uốn khúc, thờ Tứ vị Thánh Nương cùng hai linh vật thiêng là khúc gỗ và vỏ hạt lúa - biểu tượng của cư dân làm nghề đánh cá và nghề nông. Được xây dựng vào thời Trần, phát triển quy mô lớn ở thời Lê, trùng tu nhiều ở thời Nguyễn, bởi vậy, di tích mang đậm phong cách văn hóa cuối Lê đầu Nguyễn với các hạng mục kiến trúc như Nghi môn, Chính điện, Trung điện, Hạ điện và tòa ca vũ. Toà ca vũ với ba gian chính và hai gian phụ, có đề tài trang trí tứ linh đa dạng. Đền Cờn Trong tuy không lớn nhưng hội tụ nhiều nét văn hoá đặc sắc, từ vật liệu xây dựng cho đến các đường nét chạm khắc, tạo hình… cho thấy tay nghề điêu luyện của các nghệ nhân xưa. Tại đây còn lưu giữ 142 hiện vật quý giá. Ngoài các loại bằng sắc, câu đối, đại tự, đồ tế khí như: kiệu, tàn lọng, đồ ngà, đồng..., còn có bia đá 2 mặt cao 1,6m, rộng 1,2m dựng năm 1665, chuông đồng đúc năm Cảnh Hưng (1752) nặng 300kg, 28 pho tượng đá và nhiều tượng gỗ thời Lê.

Đền Cờn Ngoài

Nằm cách đền Cờn Trong khoảng 1km là đền Cờn Ngoài tọa lạc trên điểm cao nhất của dãy núi Thằn Lằn, sát cửa biển Lạch Cờn. Đền được xây dựng vào năm Hồng Đức thứ 11 (1470). Tại đền thờ Vua quan nhà Tống là: Tống Đế Bính, Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu. Ngôi đền hiện nay có kết cấu mặt bằng hình chữ Đinh, gồm ba gian nhỏ và một hậu cung ở phía sau. Đền còn lưu giữ được hệ thống tượng đá khá phong phú bao gồm một đôi rồng đá chạy bám theo thành bậc tam cấp phía trong Nghi môn, hai tượng quan hậu, hai con nghê đá, hai tượng Chăm (tượng phỗng quỳ dâng rượu), hai tượng hổ đá, một đôi voi đá nằm chầu ngay sau Nghi môn và một vài cột đá để cắm tàn, lọng, cờ.

Lễ hội đền Cờn diễn ra từ ngày 20 – 21 tháng Giêng âm lịch hàng năm và là dịp để người dân trong vùng cũng như du khách thập phương đến chiêm bái, tưởng nhớ công ơn của Tứ vị Thánh Nương. Các hoạt động văn hóa được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội như: chạy ói, diễn trận thủy chiến giả gắn với truyền thuyết dựng đền, đu tiên, đấu vật, đánh cờ người, đua thuyền rồng, hát tuồng, chèo, chầu văn... luôn đem lại nhiều điều thú vị cho du khách.

Trải qua nhiều thăng trầm, đền Cờn đã tích hợp các giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng theo chiều dài lịch sử, chiều sâu của đời sống tâm linh, chiều rộng của sự phát triển xã hội, tạo nên giá trị đặc sắc không chỉ của thị xã Hoàng Mai mà của cả khu vực Bắc Trung bộ. Đền Cờn không chỉ nổi tiếng là nơi phát tích của Tứ vị Thánh Nương, một tín ngưỡng dân gian phổ biến của cư dân vùng sông nước, ven biển mà càng trở nên đặc biệt khi gắn liền với sự nghiệp bình Chiêm của hai bậc minh quân Trần Anh Tông và Lê Thánh Tông khi đều được sự phù hộ, linh báo của các vị thần đền Cờn. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh đặc sắc, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đền Cờn đã được quan tâm thường xuyên về phương diện nghiên cứu lẫn công tác tu bổ, tôn tạo cơ sở vật chất và tổ chức lễ hội.

Ngày 29/1/1993, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận đền Cờn là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Bài: Lam Phương; ảnh: Vũ Trình

Từ khóa:
đền Cờn, Nghệ An,