Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái Vườn quốc gia Phước Bình
Cập nhật: 04/12/2017
Vườn quốc gia Phước Bình (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) có hệ sinh thái đa dạng, phong phú với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu khoa học và phát triển các loại hình du lịch sinh thái.

Đa dạng sinh học

Cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 60 km theo hướng Tây Bắc, Vườn quốc gia Phước Bình có khí hậu mát mẻ quanh năm như cao nguyên Langbiang. Với địa hình trải dài từ độ cao 300 đến gần 2.000 mét so với mực nước biển, Vườn quốc gia Phước Bình có cảnh quan tự nhiên và hệ động, thực vật rất phong phú. 

Vườn quốc gia Phước Bình, Ninh Thuận.

Theo thống kê, Vườn quốc gia Phước Bình hiện có 1.321 loài thực vật, trong đó có tới 75 loài thực vật quý hiếm, 36 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 58 loài được ghi trong Danh lục đỏ thế giới (IUCN). Hệ động vật của vườn cũng đa dạng và có giá trị cao với 327 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó 50 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 29 loài ghi trong Danh lục đỏ (IUCN). 

Đặc biệt, tại đây có 4 loài thú đặc hữu Đông Dương đang được thế giới quan tâm là vượn má hung, chà vá chân đen, cầy vằn bắc và mang lớn. Ngoài ra, Vườn quốc gia Phước Bình được công nhận là một trong 63 vùng chim quan trọng tại Việt Nam, khu có số lượng bò tót và nai nhiều nhất so với các Vườn quốc gia, các khu bảo tồn trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam.

Từ lợi thế này, Vườn quốc gia Phước Bình đã đưa vào khai thác nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như du lịch mạo hiểm, cắm trại qua đêm ở trong rừng với các hoạt động: Chèo thuyền trên suối ngắm cảnh, khám phá các kiểu rừng nhiệt đới, quan sát một số loài linh trưởng, lan rừng ở các điểm: Vườn thực vật, thác Đá Bàn, thác Gia Non, thác Đá Đen, suối Gia Nhông, hầm Xe lửa, trang trại bò tót lai lớn nhất Việt Nam.

Trên chuyến đi du khách có thể tham quan, tìm hiểu những nét văn hóa cồng chiêng, đàn Chapi của dân tộc Raglai, Churu và thưởng thức nét ẩm thực dân tộc bản địa với cơm lam, lợn đen nướng ống tre, mướp đắng rừng, măng rừng, gà nướng, rượu chuối hột “Chivas Phước Bình” nổi tiếng. Sau khi tham quan, du khách có thể nghỉ dưỡng ngay tại cơ sở lưu trú của vườn quốc gia hoặc có thể ngủ qua đêm tại nhà sàn của đồng bào, tìm hiểu các hoạt động sản xuất, đời sống văn hóa tinh thần của người dân tộc bản địa.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế Vườn quốc gia Phước Bình cho biết: Vườn quốc gia Phước Bình có tài nguyên sinh thái phong phú, nơi nào cũng có cảnh đẹp núi non, sông suối hùng vĩ cùng với nền văn hóa bản địa đặc sắc đang là những tài nguyên quan trọng có thể khai thác để phát triển du lịch. Hiện nay, đơn vị đang tiếp tục đánh giá các giá trị về tài nguyên sinh thái trên cơ sở đó phân vùng tiềm năng để phục vụ cho việc quy hoạch và tổ chức phát triển du lịch.

Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái

Vườn quốc gia Phước Bình là một trong những điểm có nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch sinh thái của tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, hoạt động du lịch nơi đây mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự phát triển, chưa có chiến lược quy hoạch cụ thể nên hiệu quả kinh tế từ hoạt động du lịch còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. 

Việc đầu tư phát triển du lịch tại Vườn quốc gia Phước Bình thành điểm du lịch hấp dẫn sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự giao lưu văn hóa của địa phương, thu hút các dự án trong nước cũng như nước ngoài để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng lõi cũng như vùng đệm, tạo việc làm cho người dân địa phương; nâng cao ý thức về bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực. 

Với tiềm năng tài nguyên tự nhiên và nhân văn hiện có, tỉnh Ninh Thuận cần có kế hoạch nghiên cứu xây dựng thêm nhiều loại hình du lịch gắn với sinh thái đa dạng, hấp dẫn khác để thu hút du khách, các nhà khoa học, học sinh, sinh viên đến thực tập và tham quan, nghiên cứu. Du lịch sinh thái phát triển sẽ tạo cơ hội tăng thêm nguồn thu cho đơn vị để tái đầu tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Có nguồn thu từ hoạt động du lịch đời sống của người dân được nâng lên sẽ giảm thiểu các tác động tiêu cực ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên trong vùng lõi của vườn quốc gia.

Theo ông Phạm Ngọc Hoàn, Giám đốc Trung tâm giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng Vườn quốc gia Phước Bình: Thời gian tới, để phát triển du lịch sinh thái gắn với giáo dục môi trường, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức các đợt tuyên truyền về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, luật pháp và chính sách nhà nước về bảo vệ rừng tại các thôn, làng, qua đó nâng cao ý thức cộng đồng người dân bản địa để cùng tham gia bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

Tiềm năng là rất lớn, tuy nhiên để khai thác có hiệu quả các lợi thế trên, tỉnh Ninh Thuận cần quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi hơn đến vườn quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái, đồng thời nghiên cứu đưa vào khai thác các loại hình du lịch mới, nâng cao chất lượng phục vụ du khách; tăng cường các hoạt động xúc tiến du lịch giới thiệu hình ảnh của Vườn quốc gia Phước Bình tới các địa phương trong và ngoài nước.

Bài và ảnh: Nguyễn Thành

TTXVN