Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Cập nhật: 29/11/2017
(TITC) – Ngày 28/11/2017, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ VHTTDL thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu khai mạc hội nghị

Hội nghị diễn ra với sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, có sự tham dự của Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch; đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành ở các điểm cầu, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, thời gian qua du lịch đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của đất nước. Trong 11 tháng qua, Việt Nam đã đón khoảng 11,7 triệu lượt khách quốc tế, dự kiến con số này sẽ đạt 12,8 triệu lượt vào cuối năm nay. Năm 2017 dự kiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng khoảng 28% so với năm 2016 và tăng gần 60% so với năm 2015.

Ngành Du lịch đang được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, nhiều địa phương đang triển khai rất tốt và trở thành điểm sáng về du lịch. Bộ trưởng cho rằng du lịch Việt Nam trong thời gian tới cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, và để rút ngắn khoảng cách, bắt kịp với các nước phát triển về du lịch trong khu vực.

Giới thiệu về nội dung Nghị quyết 08-NQ/TW, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho biết đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết riêng về du lịch với nội dung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Đây là văn kiện mang ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển của ngành Du lịch, khẳng định vị thế mới của du lịch trong nền kinh tế.

Tổng cục trưởng cũng nhấn mạnh quan điểm mang tính đột phá của Nghị quyết đó là “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”. Đây là cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển du lịch quốc gia và của các vùng, địa phương trong cả nước trong kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Thu hút từ 17-20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 35 tỉ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại hội nghị

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Nghị quyết số 08-NQ/TW đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: Ðổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; Cơ cấu lại ngành Du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Hoàn thiện thể chế, chính sách; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; Tăng cường xúc tiến, quảng bá; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; Phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 08-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ nêu rõ, các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cần tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết, đặc biệt là quan điểm mới của Đảng về bản chất của ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng; vị trí, vai trò động lực của ngành du lịch thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Về nhiệm vụ cơ cấu lại ngành du lịch, cần chú trọng nguồn lực cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính và nguồn lực con người; cơ cấu lại sản phẩm du lịch; thị trường du lịch; và việc phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch, chú trọng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch. Đồng thời bổ sung, hoàn thiện công tác thống kê du lịch để xác định rõ vị trí của ngành du lịch trong tổng thể phát triển của nền kinh tế quốc dân và của các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch.

Về nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, chính sách, cần ban hành những chính sách tạo thuận lợi cho phát triển du lịch, trong đó cần có chính sách ưu đãi về thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án du lịch; thành lập và có cơ chế quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho biết, Quỹ sẽ được hình thành từ 3 nguồn chính gồm có ngân sách nhà nước hỗ trợ hàng năm, một phần trích từ nguồn thu lệ phí visa và một phần trích từ nguồn thu phí tham quan tại các địa phương. Quỹ sẽ được dành cho triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng chính sách, đào tạo nhân lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước…

Về việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, cần tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng tại các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch. Tổng cục trưởng thông báo ngày 23/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1861/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016 – 2020. Đây cơ sở quan trọng giúp phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại bảo đảm các điều kiện kỹ thuật, góp phần tạo thuận lợi cho du khách cũng như thu hút đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các khu du lịch quốc gia, đặc biệt các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch, khu vực vùng sâu, vùng xa nhưng có tiềm năng du lịch nhằm hình thành các khu du lịch có tầm cỡ khu vực và thế giới, có sức cạnh tranh cao, góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Cùng với đó Chương trình hành động của Chính phủ cũng đề ra các giải pháp cụ thể để triển khai các nhiệm vụ về công tác xúc tiến quảng bá, bảo đảm môi trường du lịch, đào tạo nhân lực và quản lý nhà nước về du lịch.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn điểm qua các nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch hành động của Bộ VHTTDL thực hiện Nghị quyết 103/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW; và nghe Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương giới thiệu về những điểm mới của Luật Du lịch 2017.

Qua phần thảo luận về các vấn đề liên quan tới việc triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, lãnh đạo các tỉnh, thành phố từ các điểm cầu đã thống nhất nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của Nghị quyết đối với sự nghiệp phát triển du lịch trong giai đoạn mới; khẳng định vai trò và vị trí của du lịch trong phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất các ý kiến liên quan tới các vấn đề như: cần sớm điều chỉnh Chiến lược, Quy hoạch du lịch quốc gia, từ đó tạo cơ sở điều chỉnh phù hợp đối với Quy hoạch vùng và địa phương; sớm ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch 2017. Các đại biểu cũng đề nghị Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách đặc thù để phát triển du lịch, trong đó có chính sách ưu đãi đầu tư, thuế…; hỗ trợ địa phương trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Các ý kiến cũng cho rằng cần tập trung hơn nữa thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như: sân bay, bến cảnh, đường sá… để nâng cao năng lực đón khách du lịch. Hỗ trợ địa phương tính toán tác động lan tỏa du lịch trong phát triển kinh tế địa phương; đổi mới cơ chế tài chính nhằm tạo thuận lợi cho các công tác xúc tiến quảng bá; củng cố tổ chức bộ máy quản lý về du lịch ở địa phương để đảm bảo năng lực phát triển du lịch theo mục tiêu đã đề ra…

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu từ các điểm cầu, đề nghị Tổng cục Du lịch tổng hợp, chọn lọc tiếp thu các ý kiến để tiếp tục đưa vào xây dựng, hoàn thiện các đề án, nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới. Thứ trưởng nhấn mạnh, cơ chế, chính sách phát triển du lịch về cơ bản đã được hoàn thiện, bây giờ điều quan trọng nhất là hành động của cả ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương với quyết tâm chính trị và ý thức trách nhiệm cao trước sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.

Thực hiện: Thanh Tâm, Truyền Phương