Định hướng xây dựng tuyến du lịch đường thủy kết nối 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng
Cập nhật: 20/11/2017
(TITC) – Ngày 17/11/2017, tại TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đã diễn ra Hội nghị định hướng, giải pháp xây dựng tuyến du lịch đường thủy trên địa bàn 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.

Ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành phát biểu tại hội nghị

Tham dự Hội nghị có ông Bùi Văn Cửu - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hòa Bình; ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch); đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, đại diện các địa phương dọc tuyến sông Đà, Hiệp hội du lịch và một số doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp vận tải hành khách đường thủy trên địa bàn.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những đánh giá về tiềm năng, lợi thế cũng như thực trạng hoạt động du lịch đường thủy dọc tuyến sông Đà dựa trên kết quả khảo sát do tỉnh Hòa Bình chủ trì, phối hợp với các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu tổ chức từ ngày 12-16/11 vừa qua. Chương trình khảo sát được thực hiện theo lộ trình từ hồ thủy điện Lai Châu đi xuôi về hồ thủy điện Sơn La và kết thúc ở hồ Hòa Bình.

Theo đó, hầu hết các điểm đến dọc tuyến sông Đà được đánh giá là có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, trong đó nổi bật du lịch sinh thái, cộng đồng, văn hóa, tâm linh dựa trên lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và còn nguyên sơ; bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số sinh sống ven sông như Mông, Lự, Thái, Dao, Mường còn được lưu giữ; nhiều điểm đến có giá trị về lịch sử và tâm linh như đền Vua Lê Thái Tổ (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu), đền Nàng Han - đền Linh Sơn Thủy Từ  (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La), đền Thác Bờ (huyện Đà Bắc, Hòa Bình). Đồng thời, dọc theo tuyến sông Đà đã bắt đầu hình thành các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch như vận tải hành khách đường thủy, dịch vụ ăn uống, homestay, mô hình du lịch sinh thái, điểm đến tâm linh…

Tuy nhiên, hiện số lượng các sản phẩm, dịch vụ còn nhỏ lẻ, chất lượng chưa cao, nhiều phương tiện, bến thuyền chưa đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, nguồn nhân lực chưa qua đào tạo… Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch tại các địa phương còn chưa đồng đều, hiện mới tập trung chủ yếu ở địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Hội nghị đánh giá cao các hoạt động hợp tác phát triển du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng trong những năm qua và hiệu quả rõ rệt mà các hoạt động này mang lại như tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân kinh doanh du lịch tại địa phương, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân; từng bước mở rộng liên kết với các địa phương trên cả nước. Đồng thời góp phần quảng bá tiềm năng du lịch của các tỉnh, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến các tỉnh Tây Bắc để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch.

Cảnh đẹp hồ Hòa Bình

Riêng đối với Hòa Bình, trong quá trình tham gia Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã có nhiều khởi sắc. Tổng nguồn vốn đầu tư vào du lịch của tỉnh đạt trên 1.000 tỷ đồng. Thu nhập du lịch tăng bình quân 18,9% một năm, lao động du lịch tăng 10,5%/năm. Năm 2017, Hòa Bình dự kiến đón trên 2,6 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch ước đạt trên 1.200 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quý Phương đánh giá cao sự chủ động, nỗ lực và cam kết của các tỉnh Tây Bắc mở rộng trong việc định hướng hợp tác phát triển tuyến du lịch đường thủy kết nối các địa phương. Ông Phương cho rằng hiện trên thế giới du lịch đường thủy đang phát triển khá sôi động, ở Việt Nam cũng có nhiều địa phương và khu vực đang triển khai tốt hoạt động này như: đồng bằng sông Cửu Long, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... Các tỉnh ở phía Bắc Việt Nam nói chung và các tỉnh Tây Bắc nói riêng có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch độc đáo này tuy nhiên việc khai thác chưa thực sự hiệu quả do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó cơ sở hạ tầng đường xá, bến bãi chưa thuận lợi, ảnh hưởng bởi tính mùa vụ…

Để việc phát triển tuyến du lịch đường thủy kết nối các tỉnh Tây Bắc sớm được triển khai, theo ông Phương, các tỉnh cần tiếp tục khảo sát kỹ lưỡng hơn để có những đánh giá cụ thể; cần lựa chọn sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương, tránh trùng lặp trên cả hành trình; do tính đặc thù của du lịch đường sông nên lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện các hoạt động du lịch; nghiên cứu, xác định rõ thị trường phù hợp để có kế hoạch quảng bá, xúc tiến; các địa phương cần quan tâm tới việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng bến bãi và phương tiện thủy, đặc biệt là chú trọng các chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư.

Ông Phương cho biết sẽ đề xuất lãnh đạo Tổng cục Du lịch tổ chức chương trình khảo sát cho doanh nghiệp du lịch và báo chí trên tuyến du lịch đường thủy dọc sông Đà trong năm tới nhằm hỗ trợ việc xây dựng và phát triển tuyến du lịch đường thủy kết nối các tỉnh Tây Bắc.

Tin, ảnh: Thanh Tâm