Tới vườn quốc gia Bạch Mã để hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ
Cập nhật: 14/09/2017
Vườn quốc gia Bạch Mã thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách thành phố Huế 40 km. Bạch Mã được nhiều người quan tâm vì sự nổi tiếng về tài nguyên đa dạng sinh học của nhiều loài động – thực vật quý hiếm.

Thác Đỗ Quyên

Các bạn có thể tới ngắm thác Đỗ Quyên vào mùa xuân là đẹp nhất. Với độ cao chừng 300m, quanh năm thác tung bọt nước trắng xóa, từ trên nhìn xuống sẽ thấy núi đồi trùng điệp. Sở dĩ thác có tên gọi đỗ quyên bởi loài hoa này mọc rất nhiều ở hai bên thác và thường nở rộ vào tháng 3.

Rừng Chò Đen

Đến với khu rừng này bạn sẽ gặp nhiều cây cổ thụ hùng vĩ mọc tập trung gần nhau, có những cây có đường kính trên 1m và cao trên 30m. Chò đen là một loài cây gỗ rừng lớn, thân thẳng, tán hình tháp. Cây cho gỗ tốt, màu hồng hơi vàng hoặc nâu xám, vàng tùy điều kiện lập địa, chéo thớ nhưng dễ chẻ dọc, chịu được nước kể cả nước mặn. Gỗ được dùng xây dựng, đóng tàu thuyền…

Bạn có thể sử dụng dịch vụ vui chơi, giải trí trên không bằng các tuyến cáp trượt hoặc leo trèo trên lưới cao hàng chục mét so với mặt đất. Đây cũng là cơ hội để bạn khám phá khu rừng nhiệt đới ở tầng tán cao vút, và có thể để lại những bức hình có một không hai trong các chuyến khám phá núi rừng của bạn.

Ngũ Hồ

Với 30 phút đi bộ, con đường mòn này sẽ đưa bạn đến một loạt các thác nước đẹp, trữ tình bên cạnh các hồ nước trong xanh, thơ mộng. Ngũ hồ là tập hợp gồm 5 hồ nước ở 5 điểm cao khác nhau, theo nhiều người đã từng đi thì hồ thứ 3 là đẹp nhất. Nước ở hồ rất trong và lạnh, trên hồ có thác đổ xuống nhìn đẹp mê hồn.

Bạn có thể bơi lội thỏa thích trong các hồ nước nếu có đủ sức khỏe và chịu được nước lạnh mát ở nơi đây.

Vọng Hải Đài

Vọng Hải Đài nằm ở độ cao 1.430m, nơi đỉnh Bạch Mã hùng vĩ. Để lên được đến đỉnh này, bạn sẽ phải chinh phục đường mòn Vọng Hải Đài, một trong những chặng đường chinh phục đơn giản nhẹ nhàng nhất tại Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Bạn có thể ngắm bốn phía của Bạch Mã. Núi non trùng điệp, thành phố Huế ẩn hiện trong làn mây, đầm Cầu Hai, biển Cảnh Dương, vịnh Lăng Cô, hồ Truồi…

Cảnh rừng, cảnh biển, cảnh đầm phá, cả những con đường ngoằn ngoèo như dải lụa trắng cuốn nhẹ trong gió, những nếp nhà nhỏ tí như những chấm nâu nhỏ thấp thoáng giữa màu xanh trập trùng…

Thác Trĩ Sao

So với đường mòn Ngũ Hồ, đường mòn Vọng Hải Đài, đường mòn Đỗ Quyên thì đường mòn Trĩ Sao dường như được nhắc đến ít nhất. Một thực tế cho thấy là đường mòn Trĩ Sao cũng có sức lôi cuốn không thua kém gì các đường mòn khác. Bên cạnh những đường mòn với lối đi nhẵn nhụi cùng cây cối phủ hai bên lối đi, du khách còn thỉnh thoảng sẽ phải leo dốc núi, vượt những đoạn rừng thưa.

Điểm cuối của hành trình là thác Trĩ Sao với tiếng nước chảy len lỏi qua từng bậc đá. Điểm tạm dừng của dòng chảy này là hồ nước mông lung trong vắt, để lộ cả những phiến xanh xám một màu rêu phong.

Thác Trượt

Ngọn thác Trượt nằm ngay trong vùng đệm vườn quốc gia Bạch Mã, dưới chân một dãy núi cao gần 1.500m, giữa vùng rừng rậm xanh tươi ngút ngàn. Gọi là thác Trượt bởi giữa lòng thác có một tảng đá lớn, nơi dòng nước bào mòn thành một máng trượt tự nhiên.

Thiền viện Trúc Lâm

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã được bao bọc bởi hồ Truồi, ngự trên ngọn núi Linh Sơn. Tại đập hồ Truồi, bạn phóng tầm mắt nhìn xung quanh sẽ thấy những áng mây trắng bồng bềnh trôi dưới đáy hồ nước trong xanh; chiêm ngưỡng tượng Phật Thích Ca lộ thiên đang ngồi thiền trên ngọn đồi ở trước chùa giữa hồ cao 24m, nặng 1.500 tấn bằng đá. Bên kia hồ là các công trình xây dựng của Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã ẩn hiện trong màu lam sương khói của ngọn Linh Sơn quanh năm mây mù lãng đãng.

Cổng tam quan của thiền viện hiện ra cao vút, uy nghi trong nền trời xanh, mây trắng. Đây là công trình kiến trúc của thiền viện được xây dựng hài hoà trong một quần thể với tổ đường, chính điện, tăng đường, trai đường, phương trượng, lầu chuông, tháp xá lợi… quần tụ trên khu rừng nguyên sinh tươi tốt. Xen kẽ trong những khu vườn, khu rừng là các loài cây quý, hoa lạ đẹp đến mê hồn do chính bàn tay của những tăng ni, phật tử ở đây sưu tầm và chăm sóc.

Báo BVPL