Hội thảo “Hợp tác và phát triển dịch vụ trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây”
Cập nhật: 11/08/2017
(TITC) - Chiều ngày 10/8, tại Tp. Đà Nẵng, Sở Công thương phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng tổ chức Hội thảo "Hợp tác và phát triển dịch vụ trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây". Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động tại Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch, đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2017.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh; ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; đại diện thương mại các quốc gia nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC), các chuyên gia, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp...

Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) là dự án nhằm thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế giữa bốn quốc gia Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam; chính thức thông tuyến vào ngày 20/12/2006. Hành lang kinh tế Đông Tây là một trong những tuyến giao thông huyết mạch, có chiều dài 1.450 km, đi qua 13 tỉnh, thành phố của 4 quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) là Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Trên lãnh thổ Việt Nam, EWEC bắt đầu từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) chạy dọc theo quốc lộ 9, kết nối với quốc lộ 1A ở thành phố Đông Hà và kết thúc tại cảng biển Tiên Sa của Đà Nẵng. Đây là tuyến hành lang kinh tế có nhiều triển vọng phát triển nhất ở khu vực miền Trung.

EWEC cũng có tiềm năng lớn về phát triển du lịch nhờ tính đa dạng sinh học và truyền thống lịch sử văn hóa phong phú lâu đời. Di sản Sukhothai ở miền Bắc Thái Lan và đặc biệt các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam như: Cố Đô Huế và thánh địa Mỹ Sơn - Quảng Nam sẽ là những điểm du lịch hấp dẫn tạo ra khả năng du lịch xuyên vùng, thúc đẩy sự kết hợp chặt chẽ giữa du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch sinh thái.

Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả đã thảo luận những vấn đề liên quan đến hợp tác và phát triển dịch vụ của các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây như: Phát triển hành lang kinh tế Đông Tây trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); chương trình phối hợp của Việt Nam với các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây; các cơ chế, chính sách xây dựng môi trường đầu tư, các triển vọng phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ logistics trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. Các đại biểu đã cùng trao đổi những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trên tuyến; từ đó, tìm giải pháp thúc đẩy hợp tác mạnh hơn nữa giữa các địa phương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây.

Ông Nguyễn Hà Bắc- Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp Đà Nẵng cho biết, hợp tác của các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện ở các hoạt động ngoại giao kinh tế,  văn hóa, xúc tiến đầu tư, các chương trình giao thương, hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường giữa các nước…; tuy nhiên, hiệu quả mang lại từ việc phát triển tuyến hành lang này chưa đạt như mong đợi, còn nhiều bất cập, nhiều rào cản chưa thể giải quyết như vấn đề hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và logistics, hoàn thiện cơ chế chính sách, thủ tục hải quan cũng như giải quyết các vấn đề xã hội.

Hành lang kinh tế Đông Tây là cơ hội để các quốc gia thành viên liên kết chặt chẽ với nhau, tiếp cận một cách hiệu quả các nguồn lực nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển cho các địa phương dọc tuyến, hướng tới một hành lang hợp tác thống nhất, đặc trưng của khu vực Đông Nam Á và tiểu vùng sông Mekong. Tham gia hành lang này, mỗi quốc gia có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, thu hút đầu tư góp phần vào sự phát triển và thịnh vương chung của cả tuyến.

Các tham luận tại hội thảo này cũng nêu ra một số đề xuất nhằm  tạo thuận lợi về đầu tư như: Định kỳ tổ chức các hội chợ, hội nghị, hội thảo, tọa đàm xúc tiến đầu tư, thương mại giữa các quốc gia trên tuyến EWEC; Thường xuyên cung cấp, trao đổi, cập nhật thông tin về môi trường, cơ hội đầu tư và danh bạ doanh nghiệp địa phương...; Đẩy mạnh hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực; Hoàn thiện hạ tầng giao thông và logistics...

Khánh Luân