5 tháng cuối năm: Ngành Du lịch đẩy mạnh xúc tiến, thu hút khách
Cập nhật: 10/08/2017
(TITC) – Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại các thị trường khách còn dư địa, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định từ các thị trường truyền thống là một trong 4 giải pháp trọng tâm được Tổng cục Du lịch đưa ra nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong 5 tháng cuối năm 2017.

Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Thành phố Nam Kinh, Trung Quốc

Tại Hội nghị xúc tiến du lịch năm 2017 do Tổng cục Du lịch tổ chức vào ngày 3/8 vừa qua, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, trước mục tiêu tăng trưởng từ 30% khách du lịch quốc tế do Chính phủ giao cho ngành Du lịch, công tác xúc tiến và quảng bá được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong 5 tháng cuối năm của ngành. 

Theo đó, Tổng cục Du lịch xác định các thị trường khách còn nhiều dư địa và khả năng tăng trưởng mạnh gồm: Thị trường có chung đường biên giới với Việt Nam (Trung Quốc, Lào, Campuchia); thị trường gần (các quốc gia trong khối ASEAN); thị trường gần có quy mô lớn (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan); thị trường xa có tiềm năng tăng trưởng cao (châu Âu, Nga, Úc, Niuzilân, 5 nước Tây Âu đang được Việt Nam miễn thị thực).

Để thu hút khách từ những thị trường này, ngay trong tháng 8 và tháng 9 tới đây, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam (Roadshow) tại Úc (15-18/8) và Trung Quốc (18-23/8), Bắc Âu (13-20/9), các nước ASEAN (từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9), Nhật Bản (16-22/9). Tổ chức đón các đoàn FAM từ các thị trường ASEAN, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Séc.. vào tham quan, khám phá nét đẹp văn hóa, con người và du lịch Việt Nam.

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch sẽ tham gia các hội chợ quốc tế lớn như: hội chợ du lịch quốc tế JATA (từ 21-24/9 tại Tokyo, Nhật Bản), TOP RESA (từ 26-29/9 tại Paris, Pháp), ITF (27-30/10 tại Đài Loan), WTM (từ 6-10/11 tại London, Anh).

Bàn về giải pháp thúc đẩy hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đồng tình với chủ trương của Tổng cục Du lịch trong việc “dồn sức” ưu tiên xúc tiến, quảng bá tại các thị trường gần và có chung đường biên giới. Sau đó là thị trường trọng điểm, có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài như: châu Âu, Bắc Mỹ, Úc, Đông Bắc Á, Nga…

Về lâu dài, du lịch Việt Nam cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong xúc tiến, quảng bá, thông qua việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực du lịch. Ngoài ra, cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét miễn visa cho một số thị trường lớn như Ấn Độ, Canada và Úc, ông Vũ Thế Bình đề xuất.

Cùng quan điểm với các ý kiến trên, các doanh nghiệp, chuyên gia du lịch cũng đề xuất  một số giải pháp cho hoạt động xúc tiến, du lịch như như tập trung vào E-marketing trên các website giới thiệu điểm đến, Youtube, mạng xã hội (Facebook, Instagram); Huy động các nguồn lực, thống nhất quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia; Thành lập Hội đồng quản lý và vận hành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch trên nền tảng hợp tác công-tư...

Về ngân sách dành cho xúc tiến, quảng bá du lịch, phần lớn các chuyên gia nhận định mức chi khoảng 2 triệu USD/năm cho hoạt động này là quá thấp so với các nước trong khu vực ASEAN. Ngoài ra, công tác xúc tiến du lịch còn bị hạn chế do chưa có cơ quan chuyên trách quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia, Việt Nam cũng chưa mở được văn phòng xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm.

Trước ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho biết Bộ sẽ nghiên cứu, xem xét về việc kiến nghị thành lập Cơ quan chuyên trách về xúc tiến du lịch quốc gia nhằm thực hiện công tác xúc tiến một cách chuyên nghiệp và bài bản.

7 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng với việc đón trên 7,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2016. Với nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt, ngành Du lịch kỳ vọng sẽ đạt được mức tăng trưởng 30%, góp phần thực hiện các mục tiêu vĩ mô tăng trưởng 7,19% của khu vực dịch vụ và tăng trưởng 6,7% GDP năm 2017.

Khánh Trang