Hội nghị xúc tiến Du lịch 2017: Nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng khách quốc tế
Cập nhật: 03/08/2017
(TITC) – Sáng nay (3/8), tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch năm 2017. Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, Sở VHTTDL, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch các địa phương và đông đảo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ghi nhận và biểu dương những kết quả tăng trưởng ấn tượng của ngành Du lịch Việt Nam đạt được, đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2016 và trên 7,2 triệu lượt khách quốc tế trong 7 tháng đầu năm 2017. Đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP năm 2016 đạt khoảng 6,9%. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của ngành du lịch trong nền kinh tế đất nước, đặc biệt ở nhiều quốc gia, du lịch đã trở thành ngành “cứu cánh” cho nền kinh tế khi gặp khó khăn. Tại Việt Nam, ngành Du lịch đang nhận được nhiều điều kiện thuận lợi khi Bộ Chính trị đã xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng khách quốc tế ít nhất 30% trong năm 2017 mà Chính phủ đã giao, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đề nghị ngành Du lịch cần huy động tất cả nguồn lực, triển khai các giải pháp xúc tiến, quảng bá nhằm thu hút lượng khách quốc tế đến trong 5 tháng cuối năm.

Hội nghị đã nghe Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu trình bày báo cáo đề dẫn “Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch quốc tế”. Theo đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực, quy mô và phạm vi hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch liên tục được mở rộng.

Hàng năm Tổng cục Du lịch thường xuyên tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn ở các thị trường trọng điểm; phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các địa phương tổ chức 2 hội chợ chính ở trong nước là VITM (Hà Nội) và ITE (TP Hồ Chí Minh); duy trì đón các đoàn famtrip, presstrip và tổ chức roadshow tại những thị trường trọng điểm; xây dựng chương trình quảng bá trên các phương tiện truyền thông, đẩy mạnh e-marketing, đồng thời phối hợp với các đối tác như VNtrip, VTVgo tổ chức nhiều cuộc thi ảnh, trải nghiệm du lịch độc đáo… Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến du lịch còn được thực hiện thông qua các sự kiện lớn như sự kiện “Năm Du lịch quốc gia”; quảng bá trên các ấn phẩm, vật phẩm lưu niệm.

Toàn cảnh hội nghị

Báo cáo cũng nêu những nhiệm vụ trọng tâm xúc tiến du lịch trong thời gian tới, trong đó tiếp tục tập trung thực hiện 4 nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch quốc tế trong 5 tháng cuối năm gồm: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường còn dư địa và có khả năng tăng trưởng mạnh; Tăng cường quản lý điểm đến, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; Tăng cường kết nối hàng không; Đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình xúc tiến thu hút khách quốc tế…

Trao đổi về tăng cường hợp tác công-tư trong quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam, ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) nhận định, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, song du lịch Việt Nam còn gặp nhiều điểm nghẽn. Theo nghiên cứu của TAB, Việt Nam mới chỉ đứng thứ 6 các quốc gia ASEAN về đóng góp trực tiếp cho GDP. Về ngân sách cho xúc tiến du lịch quốc gia, ông Hoàng Nhân Chính cho rằng, hiện tại ngân sách dành cho quảng bá du lịch Việt Nam mới chỉ có 2 triệu USD/năm, đây là mức rất thấp so với các nước ASEAN. Một hạn chế khác của du lịch Việt Nam hiện nay là không có cơ quan chuyên trách về xúc tiến du lịch và chưa mở được văn phòng đại diện du lịch tại một số thị trường trọng điểm. Đây là những khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam, đặc biệt tại thị trường nước ngoài.

Đồng tình với những ý kiến này, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng cần sớm thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch và xây dựng cơ chế quản lý quỹ một cách hợp lý, thông thoáng, từ đó sử dụng nguồn quỹ hiệu quả cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của tính chuyên nghiệp trong công tác xúc tiến du lịch, vì vậy cần thiết phải thành lập cơ quan chuyên trách về xúc tiến du lịch ở tầm quốc gia. Đồng thời đẩy mạnh đào tạo nâng cao trình độ lao động trong ngành cũng như thu hút các chuyên gia tham gia vào lĩnh vực này.

Theo đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng, để thúc đẩy công tác quảng bá du lịch cần tập trung vào các giải pháp: Xúc tiến quảng bá du lịch cần gắn với các thị trường cụ thể (có nghiên cứu thị trường tốt, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường); Xúc tiến theo thương hiệu quốc gia và các chuỗi liên kết của vùng du lịch, cần thành lập một cơ quan điều phối phát triển vùng du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch.

Về hợp tác kết nối đường hàng không, đại diện Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách mở rộng hợp tác quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không, doanh nghiệp du lịch trong việc liên kết, mở rộng đường bay, tiếp cận các thị trường mới. Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cũng cho rằng, cần có thêm chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không giá rẻ tăng cường thu hút du khách.

Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp liên quan đến xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch cụ thể; Phát triển sản phẩm du lịch tàu biển – loại hình du lịch nhiều tiềm năng; Đẩy mạnh thu hút khách du lịch tại các thị trường gần trong những tháng cuối năm (Đông Bắc Á, ASEAN); Hỗ trợ các địa phương trọng điểm về du lịch (như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…) xây dựng Trung tâm hỗ trợ du khách; Xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho nguồn nhân lực ngành du lịch…

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại biểu, các ý kiến đã có sự tập trung vào những vấn đề cần giải quyết, những giải pháp then chốt để thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng của ngành trong năm 2017. Tổng cục trưởng khẳng định quảng bá, xúc tiến du lịch là một trong những hoạt động trọng tâm để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đã giao. Tổng cục trưởng cũng bày tỏ sự nhất trí với các ý kiến về việc tăng cường hợp tác công tư, hợp tác giữa các cơ quan bộ ngành, hợp tác từ Trung ương đến địa phương; huy động các nguồn lực; thống nhất quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia; tập trung thu hút khách từ các thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á, ASEAN, Tây Âu, Nga, Bắc Mỹ; nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong xúc tiến, đẩy mạnh sử dụng e-marketing, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ xúc tiến du lịch...

Phát biểu bế mạc tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái ghi nhận sự đóng góp thẳng thắn của các địa phương và doanh nghiệp. Thứ trưởng cũng đề nghị ngành Du lịch tập trung triển khai các giải pháp để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng khách trong năm 2017, trong đó tập trung vào: các địa phương, doanh nghiệp nghiên cứu kỹ kế hoạch xúc tiến năm 2017 và 2018 của Tổng cục Du lịch để đăng ký tham dự, mang lại hiệu quả tốt nhất; Tổng cục Du lịch tổ chức sơ kết kết quả thực hiện 3 Chiến lược: Marketing du lịch, Phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam, Phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam; Nghiên cứu đề xuất thành lập cơ quan chuyên trách về xúc tiến du lịch; Xây dựng cơ chế chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các Trung tâm xúc tiến du lịch ở địa phương; Lồng ghép nội dung về giới thiệu du lịch trong các hoạt động đối ngoại của các địa phương; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, áp dụng nhiều công cụ khác nhau để nâng cao hiệu quả xúc tiến; Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp…

Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Du lịch tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị này để báo cáo Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đây là cơ sở quan trọng để xây dựng các giải pháp triển khai công tác xúc tiến quảng bá trong thời gian tới.

Thực hiện: Khánh Trang – Truyền Phương