Tổng cục Du lịch làm việc với Sở Du lịch Đà Nẵng về công tác cấp, đổi thẻ hướng dẫn viên
Cập nhật: 01/07/2017
(TITC) – Ngày 28/6, đoàn kiểm tra của Tổng cục Du lịch do bà Phạm Lê Thảo – Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác cấp, đổi thẻ hướng dẫn viên (HDV) du lịch của Sở Du lịch Đà Nẵng.

Đoàn kiểm tra làm việc với Sở Du lịch Đà Nẵng

Theo báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng, đến thời điểm hiện nay Sở đã cấp 2.876 thẻ HDV, trong đó có 1.753 thẻ HDV du lịch quốc tế và 1.123 thẻ HDV du lịch nội địa. Trong sáu tháng đầu năm 2017, Sở đã cấp 218 thẻ HDV du lịch quốc tế; 156 thẻ HDV du lịch nội địa; cấp đổi 123 thẻ HDV quốc tế và nội địa. Đồng thời đã phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức 13 lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho 300 HDV có nhu cầu đổi thẻ; 01 lớp về kỹ năng marketing online cho các đơn vị lữ hành; 4 lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho 120 HDV; tổ chức đào tạo 15 thuyết minh viên tiếng Hàn, tiếng Trung tại các điểm du lịch; phối hợp với trường Đại học ngoại ngữ tổ chức theo hình thức hỗ trợ cho 47 sinh viên ngành tiếng Trung, Hàn về nghiệp vụ hướng dẫn và hiện đang tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 30 sinh viên ngành tiếng Nhật, Hàn.

Kết quả kiểm tra, đoàn đã ghi nhận Sở Du lịch Đà Nẵng đã thực hiện việc cấp đổi thẻ HDV, lưu trữ hồ sơ đúng quy định hiện hành. Thực hiện công khai thủ tục hành chính cấp, đổi, cấp lại thẻ HDV theo đúng thủ tục và thường xuyên cập nhật thông tin, sử dụng phần mềm quản lý HDV trên trang web huongdanvien.vn để phục vụ công tác cấp thẻ, quản lý HDV.

Tại buổi làm việc, những khó khăn trong công tác cấp thẻ và quản lý HDV cũng được Sở Du lịch Đà Nẵng trao đổi cùng với đoàn kiểm tra. Theo ông Trần Chí Cường - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng thì thực tế hiện nay lực lượng HDV đang mất cân đối về ngoại ngữ sử dụng. Tại Đà Nẵng hiện HDV tiếng Anh chiếm số lượng cao nhất, một số ngoại ngữ khác khá khiêm tốn. Đặc biệt một số thị trường hiện số lượng HDV không đáp ứng được nhu cầu như HDV tiếng Hàn; Thái Lan; Nga; Tây Ban Nha;… Câu lạc bộ HDV Đà Nẵng đã được thành lập nhưng hoạt động ít hiệu quả, ít HDV tham gia sinh hoạt do chưa nhận thấy lợi ích và nghĩa vụ của việc tham gia câu lạc bộ. Tỷ lệ HDV học đúng chuyên ngành hướng dẫn thấp, ảnh hưởng tới chất lượng khi phục vụ khách. Tình trạng bằng giả, thẻ HDV giả còn tồn tại.

Đồng thời, Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đề xuất với đoàn kiểm tra nên tăng nặng hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt đối với các vi phạm của HDV và sử dụng HDV của doanh nghiệp.

Để định hướng và khuyến khích đội ngũ HDV trẻ, bổ sung lực lượng cho đội ngũ HDV tiếng hiếm, Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đề xuất một số giải pháp như: Có cơ chế riêng cho HDV tại Đà Nẵng, đặc biệt là hướng dẫn tiếng các ngôn ngữ mà thị trường đang thiếu. Thực hiện liên kết, phối hợp với các đơn vị lữ hành giới thiệu công tác ngay sau khi có thẻ HDV. Phối hợp với các cơ sở đào tạo có chuyên ngành HDV du lịch để định hướng cho giới trẻ nắm bắt và có nhận thức đúng đắn khi bước vào nghề HDV. Đề nghị kiểm tra trình độ ngoại ngữ và nghiệp vụ thông qua sát hạch, không cần yêu cầu về trình độ ngoại ngữ như trước nay. Đề nghị nâng cấp trang web huongdanvien.vn, bổ sung chức năng lọc thông tin chính xác hơn và cập nhật hơn. Đề nghị Tổng cục Du lịch tạo điều kiện cho các Sở tham dự kỳ kiểm tra cuối cùng của các trường trên địa bàn về đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn để nắm thông tin về chất lượng HDV.

Bà Phạm Lê Thảo đã thay mặt Đoàn kiểm tra ghi nhận những kiến nghị của Sở Du lịch Đà Nẵng và cho biết sẽ báo cáo Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Lãnh đạo Bộ xem xét, giải quyết.

Đồng thời cũng đề nghị Sở tiếp tục thực hiện lưu trữ hồ sơ đầy đủ theo quy định của pháp luật hiện hành. Khi phát hiện các trường hợp sử dụng giấy tờ giả để xin cấp, đổi thẻ HDV du lịch, thì thông báo cho cơ quan công an, báo cáo TCDL và đăng tải thông tin trên mạng huongdanvien.vn. Tăng cường nghiệp vụ quản lý cho cán bộ trong công tác thẩm định hồ sơ cấp thẻ và quản lý HDV.

Khánh Luân