Hà Tĩnh: Khởi động mùa du lịch biển
Cập nhật: 24/04/2017
Hơn một năm qua, sự cố môi trường biển xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà các hoạt động kinh doanh của ngành du lịch biển Hà Tĩnh cũng gần như “tê liệt”. Thế nhưng, khởi đầu mùa du lịch 2017, thị trường hải sản ấm lên, du khách tìm về với biển…là những tín hiệu vui khép lại một năm ảm đạm của ngành du lịch biển Hà Tĩnh.

Qua mùa biển khó

Dù mới bắt đầu vào mùa du lịch biển nhưng lượng khách về với bãi tắm Xuân Hải (xã Thạch Bằng, Lộc Hà) khá đông, nhất là những ngày nghỉ cuối tuần. Các nhà hàng, khách sạn rộn ràng đầu tư, sửa sang quán hàng, buồng phòng, đặt hải sản tại các cơ sở thu mua để chuẩn bị đón khách. Các công trình xây dựng dở dang cũng gấp rút hoàn thành. Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Sót (xã Thạch Bằng) huy động hàng ngàn lao động làm việc suốt ngày đêm nhằm đảm bảo tiến độ khai trương đúng dịp 30/4.

Trung tá Dương Đình Hiền, Giám đốc nhà khách Việt Lào nhận định: “Năm nay chắc “khả quan” hơn năm ngoái”. Bởi theo Trung tá Hiền: “Trong 3 tháng đầu năm, nhà hàng đón khá đông du khách đến ăn hải sản, nhất là đợt nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương và những ngày nắng nóng vừa rồi. Bình quân mỗi tháng chúng tôi bán ra gần 100 triệu đồng tiền hải sản các loại. Dịp nghỉ lễ 30/4 sắp tới, nhà khách có 35/52 phòng được khách đặt trước, chủ yếu là khách ở Hà Nội. Nhìn chung “khởi động” như thế là yên tâm rồi”.

Thời điểm này năm ngoái, ngành du lịch Hà Tĩnh “tuột dốc không phanh” do sự cố môi trường biển vào tháng 4/2016. Doanh thu các cơ sở kinh doanh tại các khu du lịch sụt giảm 80 – 85% so với năm trước. Trên 1.800 lao động trong các cơ sở dịch vụ du lịch ven biển mất việc làm hoặc dịch chuyển sang các ngành nghề khác. Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố chất lượng nước biển đảm bảo an toàn, lượng khách về biển vui chơi, nghỉ dưỡng và thưởng thức hải sản ngày càng đông trở lại. Từ đầu tháng 3 đến nay, các nhà hàng ven biển Thiên Cầm, Xuân Thành, Vũng Áng, Thạch Bằng… đón hàng ngàn lượt khách về vui chơi và thưởng thức hải sản mỗi ngày.

Cùng chung niềm vui, bà Thân Thị Nghị - Giám đốc Khách sạn Thiên Ý, tại Thiên Cầm vui mừng: “Để phục vụ chu đáo cho khách trong mùa du lịch 2017,  chúng tôi “tân trang” lại cơ sở vật chất, phòng ốc cho hệ thống nhà hàng, khách sạn, và chuẩn bị hải sản sẵn sàng phục vụ du khách. Đến thời điểm này, khách sạn chúng tôi đã kín phòng khoảng 85% trong dịp nghỉ lễ sắp tới”.

Gỡ từng nút thắt

Để từng bước khôi phục du lịch biển và phát triển các loại hình du lịch khác, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng Đề án “Khôi phục và phát triển du lịch sau sự cố môi trường biển” với điểm nhấn là sự kết hợp các tài nguyên du lịch như văn hóa, sinh thái và trải nghiệm nông thôn mới. Chẳng hạn, du khách đến nghỉ dưỡng tại du lịch biển Thiên Cầm sẽ được đi tham quan Đảo Én, Đảo Bơ, khu du lịch sinh thái Đồng Nôi, làng nghề nước mắm. Đến biển Xuân Thành kết hợp tham quan khu du lịch sinh thái Đức Đường, Chùa Hang, Chùa Thiên Tượng, Thiền viện Trúc Lâm. Đến biển Lộc Hà sẽ tham quan trải nghiệm văn hóa ẩm thực tại Làng văn hóa du lịch Nam Sơn, làng cá Thạch Kim…

Ngoài ra, việc hỗ trợ các xã ven biển như Thịnh Lộc, Thạch Bằng, Thạch Kim, Cẩm Nhượng, Thiên Cầm, Xuân Thành.… xây dựng và phát triển các làng nghề truyền thống sản xuất các sản phẩm phục vụ cho du lịch như nước mắm, chế biến các sản phẩm địa phương cũng được chú trọng. Từ đó hình thành và phát triển loại hình du lịch cộng đồng.

Ông Lê Trần Sáng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cho biết: “Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành du lịch Hà Tĩnh đang từng bước tháo gỡ. Trước mắt, tỉnh Hà Tĩnh đang nỗ lực hoàn thành công tác đền bù, bồi thường sự cố môi trường biển, nhất là hoàn thành kê khai bồi thường thiệt hại cho các đối tượng dịch vụ du lịch. Điều đáng mừng là các nhà đầu tư vẫn không quay lưng với du lịch mà đang tiếp tục thực hiện các dự án trọng điểm, góp phần đẩy mạnh ngành du lịch biển của tỉnh nhà. Mục tiêu của du lịch Hà Tĩnh năm 2017 là đón trên 1.230.000 lượt khách nội địa, 20.000 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 250 tỷ đồng”.

Tổ Quốc