Thanh Hóa đầu tư đồng bộ hệ thống biển chỉ dẫn du lịch
Cập nhật: 23/03/2017
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận các khu, điểm du lịch, từ năm 2017, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiến hành lắp mới, duy tu, bảo dưỡng 300 biển chỉ dẫn tại các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Tổng kinh phí cho hoạt động này khoảng 4 tỷ đồng được trích từ nguồn ngân sách tỉnh.

Theo đó, việc lắp đặt biển chỉ dẫn thực hiện theo hình thức cuốn chiếu cho từng khu, điểm du lịch để đảm bảo tính liên tục bắt đầu từ năm 2017 - 2020. Việc thực hiện nâng cấp đồng bộ hệ thống biển chỉ dẫn du lịch sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc ưu tiên chỉ dẫn đến các khu, điểm du lịch trọng điểm, di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia... trên địa bàn Thanh Hóa. Hệ thống biển chỉ dẫn được thực hiện theo quy chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải như: có hình chữ nhật, mặt biển làm bằng tôn không gỉ, dán màng phản quang màu xanh, hình vẽ và chữ viết màu trắng; biển chỉ dẫn đặt trong thành phố, thị xã và những tuyến quốc lộ có nhiều phương tiện do người nước ngoài điều khiển có thêm phụ đề tiếng Anh bên dưới hàng chữ tiếng Việt, chữ tiếng Anh sử dụng chữ viết thường. Biển được cố định bằng hệ thống cột đỡ bằng ống kẽm không gỉ.

Qua thống kê, Thanh Hóa có 1.535 di tích, trong đó có 134 di tích được xếp hạng quốc gia, 412 di tích đã xếp hạng cấp tỉnh với các di tích, danh thắng nổi tiếng như: Thành Nhà Hồ, Sầm Sơn, Hải Tiến, Núi Đọ, Đông Sơn, khu di tích Bà Triệu, Lam Kinh, Hàm Rồng... Tuy nhiên, hiện nay các di tích chưa thực sự phát huy hết giá trị. Ngoài khó khăn về kinh phí đầu tư, nâng cấp, cải tạo, tu bổ, tôn tạo các di tích, công tác quảng bá, giới thiệu, chỉ dẫn các di tích... chưa được chú trọng. Việc thay thế, nâng cấp đồng bộ hệ thống biển chỉ dẫn du lịch không chỉ đảm bảo phục vụ tốt cho du khách, cộng đồng mà còn đảm bảo tính văn minh, mỹ quan và tôn vinh giá trị văn hóa, di sản, di tích, tạo nên sự chuyên nghiệp cho ngành du lịch xứ Thanh.

TTXVN