Nô nức Lễ hội nghinh Ông Sông Đốc
Cập nhật: 13/03/2017
Cứ đến ngày 14, 15 và 16 tháng 2 âm lịch hàng năm, người dân Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau lại hướng về lễ hội nghinh Ông, nhất là những người làm nghề khai thác, đánh bắt trên biển.

Lễ hội nghinh Ông Sông Đốc được tổ chức trong ba ngày, trong đó ngày 15 diễn ra nghi lễ chính. Bắt đầu từ 14 giờ, chủ lễ cùng Ban trị sự trang trọng thỉnh lư hương lên kiệu, được 9 học trò lễ khiêng và theo hầu. Các đội trống lân, cờ ngũ sắc, đội binh khí… xếp thành hai hàng dài từ chính điện ra tới ngoài sân, sau đó diễu hành qua các tuyến đường của thị trấn đến bến tàu.

Nghi thức chính là hàng trăm chiếc tàu đánh cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh được trang trí cờ hoa, đoàn tàu long đình gồm 4 chiếc được kết nối với nhau bố trí chạy giữa ra biển làm lễ rước Ông. Cũng như nhiều nơi khác, lễ hội nghinh Ông Sông Đốc cũng là lễ hội cầu ngư: cầu cho biển lặng, gió hoà, ngư dân may mắn làm ăn phát đạt an khang…

Lễ hội nghinh Ông Sông Đốc

Lễ hội nghinh Ông tại thị trấn Sông Đốc ngày càng phong phú về nội dung và hình thức, trở thành một hiện tượng văn hóa đặc sắc của tỉnh Cà Mau. Theo thống kê của Ban trị sự lăng, hàng năm số lượng người tham dự lễ hội nghinh Ông trên 20.000 người, số lượng tàu thuyền đi ra biển tham gia trên 2.000 chiếc và những phương tiện khác như vỏ lãi, tàu vận tải đều tham gia lễ hội.

Ông Dương Văn Thế, Chánh chủ vạn lăng Ông, cho biết: “Ngày cúng Ông là ngày hội của ngư dân và nhân dân vùng biển, đây là một hoạt động văn hoá rất có ý nghĩa, đã xây dựng được một truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, biểu hiện lòng nhân ái của người dân xứ biển. Từ đó, giúp những người làm nghề biển biết vượt khó vươn lên chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, tin vào sự tốt đẹp của quê hương xứ sở. Đồng thời lễ hội này còn có ý nghĩa rất quan trọng là nơi giao lưu, trao đổi học tập, truyền nghề nghiệp cho nhau”.

Lễ hội nghinh Ông Sông Đốc mang dấu ấn tín ngưỡng dân gian được hình thành từ những năm 1925 và phát triển cho đến nay. Dù trải qua nhiều thăng trầm, biến cố nhưng nhân dân Sông Đốc vẫn giữ gìn, tôn tạo, phát huy trọn vẹn bản sắc của một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh Cà Mau.

Thị trấn Sông Đốc nằm cách trung tâm huyện Trần Văn Thời 20 km về hướng Tây, có bờ biển dài 8,5 km, có đảo Hòn Chuối cách đất liền 18 hải lí… Là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về mọi mặt, có tiềm năng kinh tế lớn nên những năm gần đây thu hút đông đảo cư dân từ mọi miền đất nước và các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đến làm ăn, sinh sống. Từ đó, thị trấn Sông Đốc được tỉnh xác định nghề khai thác đánh bắt thủy hải sản là ngành nghề chủ lực trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở địa phương.

Tin, ảnh: Huỳnh Thế Anh

TTXVN